Người lao động tố Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ lương, nợ BHXH

Sáng 2.3, hàng chục người lao động đã tới chi nhánh của Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex (115 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) để đòi quyền lợi. Phản ánh với Báo Lao Động, nhiều nữ công nhân cho biết, do công ty nợ BHXH, BHYT nên họ không được hưởng quyền lợi theo đúng quy định của pháp luật, trong đó có chế độ thai sản...
nguoi-lao-dong-viec-ho-bi-cong-ty-co-phan-tap-doan-haprosimex-no-luong-1677809511.JPG
Người lao động phản ánh với phóng viên Báo Lao Động việc họ bị Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ lương, nợ BHXH kéo dài. Ảnh: Hà Anh

Bà Nguyễn Thị Huyền - Quản đốc phân xưởng may Nhà máy dệt kim Haprosimex (Khu công nghiệp Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex, đại diện tập thể người lao động - cho biết, công ty nợ lương từ tháng 1.2017 và nợ BHXH từ tháng 7.2011 của toàn bộ 488 anh chị em công nhân tại xưởng. 

nguoi-lao-dong-to-cong-ty-co-phan-tap-doan-haprosimex-no-luong-no-bhxh-1677809552.jpg
Bà Nguyễn Thị Huyền phản ánh sự việc với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: Hảo Vũ

“Hiện nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex đã được bán cho một đơn vị khác. Chúng tôi đã nhiều lần tìm gặp lãnh đạo mới của công ty nhưng không được giải quyết, do đó mọi quyền lợi về lương, chế độ BHXH đều bị “treo”. Giờ đây, người lao động rất bế tắc trong tìm kiếm việc làm cũng như cuộc sống" - bà Huyền cho biết.

Theo bà Huyền mặc dù người lao động đều có tay nghề nhưng do không được đóng, chốt BHXH; công ty không có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động… nên dẫn tới người lao động không thể ký hợp đồng với công ty khác, nhiều người phải làm thời vụ với thu nhập thấp.

"Đặc biệt, do công ty không đóng BHXH, BHYT nên nhiều nữ công nhân không được hưởng chế độ thai sản - mặc dù con của họ đã lớn; có 2 trường hợp người lao động chẳng may tử vong nhưng đến thời điểm hiện nay, gia đình họ cũng chưa nhận được chế độ tử tuất ” - bà Huyền cho hay.

bi-cong-ty-co-phan-tap-doan-haprosimex-no-luong-no-bhxh-nguoi-lao-dong-lam-vao-canh-kho-khan-1677809599.jpg
Bị Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ lương, nợ BHXH nên chị Nguyễn Thị Bích Phượng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc. Ảnh: Hảo Vũ

Chị Nguyễn Thị Bích Phượng làm tại nhà máy dệt kim Haprosimex từ năm 2008, tháng 11.2011 thì công ty không đóng BHXH cho người lao động, đến tháng 8.2017 công ty thông báo cho chị Phượng nghỉ việc!  

“Chúng tôi đang làm việc bình thường thì bỗng dưng tháng 8.2017, lãnh đạo công ty thông báo không cho người lao động đến nhà máy. Do ngừng việc đột xuất khiến tôi cùng chồng không có việc làm cũng như thu nhập để nuôi 3 con. Do không được đóng, chốt sổ BHXH nên chúng tôi không thể xin việc tại công ty khác, dẫn tới phải làm lao động tự do với mức thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày” - chị Phượng cho hay.  

Một nữ công nhân cho biết: Chúng tôi đã làm việc từ những ngày đầu thành lập nhà máy dệt kim Haprosimex (năm 2006). Trong thời gian chúng tôi làm việc, công ty đã đóng BHXH cho người lao động đến tháng 7.2011. Từ đó đến nay, chúng tôi chưa được đóng tiếp BHXH và nợ lương từ tháng 5.2016 đến khi nhà máy đóng cửa.

“Chúng tôi bị lãnh đạo công ty yêu cầu bị rời khỏi nhà máy. Đến nay, chúng tôi cũng chưa có thông báo thôi việc hay chưa có giấy tờ gì liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng lao động tại công ty. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết công ty đã được bán cho chủ mới và bán hết toàn bộ máy móc tại 3 phân xưởng dệt, nhuộm, may. Mặc dù ban lãnh đạo công ty có hứa sau khi bán máy móc sẽ có tiền trả nợ lương và đóng BHXH cho chúng tôi, nhưng đến nay, ban lãnh đạo quanh co, nhiều lý do... trì hoãn việc trả lương và đóng BHXH cho người lao động” - nữ công nhân cho biết.

nguoi-lao-dong-toi-chi-nhanh-cua-cong-ty-co-phan-tap-doan-haprosimex-de-doi-quyen-loi-1677809630.JPG

Người lao động tới chi nhánh của Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex để đòi quyền lợi. Ảnh: Hà Anh

Trao đổi với phóng viên, tập thể người lao động nhà máy dệt thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex đề nghị công ty trả nợ lương và đóng BHXH từ tháng 7.2011 đến khi nhà máy đóng cửa, để họ được chốt sổ BHXH qua đó ký hợp đồng với chỗ làm mới và và lo cho gia đình.

Báo Lao Động sẽ tiếp tục thông tin với bạn đọc diễn biến mới nhất của vụ việc người lao động tố Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex “quỵt” lương, nợ BHXH.