Nhà dân 'nứt toác' bên dự án dự án metro Hà Nội: Chủ đầu tư lý giải gì?

Chiều 19/8, Chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã có văn bản gửi đến cơ quan báo chí về tình trạng nhà dân bị lún nứt, nguy cơ sập cạnh công trường dự án.

Hơn 3.000 công trình trong vùng ảnh hưởng thi công

MRB cho biết, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) thí điểm của đoạn Nhổn - Ga Hà Nội là dự án xây dựng công trình giao thông công cộng, giải pháp xanh cho giao thông đô thị, song hành với sự phát triển bền vững của Thủ đô, dự án đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. “Hiện dự án đang thi công trong vùng lõi đô thị Hà Nội, việc tổ chức triển khai dự án hết sức phức tạp do tuyến đi qua các khu đông dân cư, mật độ các tòa nhà hiện hữu lớn, rất nhiều tòa nhà đã được xây dựng từ lâu, chất lượng công trình đã xuống cấp, đặc biệt trong khu vực phần tuyến hầm và các nhà ga ngầm”, MRB thông tin.

 Ông Đa đang di chuyển, đi lại trong căn hộ tường nứt toác nhiều khu vực.

Ông Đa đang di chuyển, đi lại trong căn hộ tường nứt toác nhiều khu vực.

Với phương án đảm bảo an toàn cho người dân, MRB cho rằng, chủ đầu tư đã rất quan tâm tới công tác quản lý, kiểm soát an toàn. Theo đó, trước khi tiến hành thi công hiện trường, dự án phải xây dựng kế hoạch hành động, quy trình quản lý, đánh giá, kiểm soát an toàn trước, trong và sau khi thi công, tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam, các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và kinh nghiệm quản lý của nhà thầu.

“Thực tế, dự án đã tiến hành khảo sát hiện trạng khoảng 3.000 công trình xây dựng nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án, đánh giá rủi ro khi thi công. Toàn bộ các công trình này đều được thiết kế, lắp đặt hệ thống quan trắc thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình thi công để kiểm soát an toàn. Bên cạnh đó, các nhà thầu tham gia thực hiện dự án, bắt buộc phải mua bảo hiểm xây dựng công trình để đảm bảo chắc chắn các rủi ro nếu có sẽ được giải quyết”, MRB thông tin.

Độ lún do thi công vượt ngưỡng an toàn cho phép

Thực tế lún, nứt nhà dân được MRB thông báo, thông qua kết quả quan trắc, khảo sát hiện trạng, dự án đã thống kê 50 công trình xây dựng bị ảnh hưởng khi máy đào hầm TBM bắt đầu hoạt động, trong đó có 7 hộ phải dỡ bỏ nhà, 43 hộ tạm cư khi thi công ga ngầm bắt đầu từ nhà ga S9 - Kim Mã.

Sau khi có sự ảnh hưởng trên, MRB cho biết, tháng 11/2019, dự án tiếp nhận đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Bích về việc công trình tại địa chỉ số 431 Kim Mã, Quận Ba Đình, Hà Nội (được xây dựng từ năm 1994) bị nứt và hư hỏng, cho rằng nguyên nhân do ảnh hưởng từ việc thi công nhà ga S9. “Sau một số lần quan trắc, trong đó lần thực hiện vào tháng 11/2021 các số liệu quan trắc về độ lún của tòa nhà đã vượt ngưỡng an toàn cho phép. Dự án ngay lập tức kích hoạt quy trình hệ thống đảm bảo an toàn cho tòa nhà”, MRB nêu kết quả đánh giá.

 Công trường thi công ga ngầm đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Công trường thi công ga ngầm đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Theo MRB, báo cáo đánh giá mức độ hư hại và xác định khối lượng tổn thất cho công trình nhà bà Bích do tư vấn kiểm định độc lập thực hiện kết luận tòa nhà bị nứt, hư hỏng do 2 nguyên nhân chính: tòa nhà đã xuống cấp do đã sử dụng từ năm 1994 và do ảnh hưởng từ việc thi công nhà Ga S9. Tư vấn kiểm định kiến nghị nên xây mới lại tòa nhà và Nhà thầu phải đền bù theo tỷ lệ 32,55% tổng giá trị xây mới (cách tính trừ khấu hao theo thời gian sử dụng). Tư vấn độc lập đã lập dự toán theo quy định của Nhà nước, theo đó giá trị 32,55% mà nhà thầu phải đền bù sẽ là: giá trị bồi thường cho xây nhà 523.773.682 đồng, hỗ trợ tạm cư 50 triệu đồng, hỗ trợ vận chuyển đồ 5,16 triệu đồng. “Bà Bích đã đồng ý với tỷ lệ đền bù 32,55% nhưng không đồng ý giá trị dự toán xây dựng mới tòa nhà. Dự án tiếp tục xem xét nội dung đề nghị của bà Bích, đồng thời kiến nghị UBND phường Ngọc Khánh (Ba Đình) tiếp tục hỗ trợ các bên để hòa giải, sớm kết thúc vụ việc tranh chấp trên tinh thần hỗ trợ và tuân thủ quy định của Thành phố”, MRB thông tin.

Đối với các nhà dân tại công trường thi công nhà ga ngầm S11 - Văn Miếu (Đống Đa), MRB cho biết, công trình nhà tại địa chỉ số 15, ngõ 51 phố Quốc Tử Giám, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội, chủ hộ là ông Lê Hữu Đa, công trình nằm gần khu vực thi công nhà ga S11. Trước khi thi công, ngày 25/01/2018 ghi nhận tòa nhà của ông Đa đã có nhiều vết nứt. Ngày 15/01/2020, Dự án tiến hành khảo sát lần thứ 2 tiếp tục ghi nhận công trình có nhiều vết nứt nghiêm trọng ở tầng 1 và tầng 2, các vết nứt này phát triển lớn và nhiều hơn so với kết quả khảo sát lần thứ nhất.

 Cầu thang lên xuống các tầng nhà trong căn hộ ông Đa nhiều vết nứt to cắt ngang

Cầu thang lên xuống các tầng nhà trong căn hộ ông Đa nhiều vết nứt to cắt ngang

Như vậy nhà ông Đa đã bị nứt nghiêm trọng trước khi nhà thầu tiến hành thi công tại ga S11. Bên cạnh đó, công tác quan trắc vẫn được duy trì thực hiện cho đến nay, kết quả quan trắc mốc trung gian đặt tại vị trí giữa ga S11 với công trình nhà ông Đa cũng như tất cả các thiết bị được gắn phục vụ quan trắc xung quanh nhà ông Đa (ngoại trừ các thiết bị trong khu lún bất thường) đều không có hiện tượng lún. Trong khi đó, độ lún tại công trình nhà ông Đa vẫn đang phát triển nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Tháng 5/2021, Nhà thầu đã gửi thư khẳng định nguyên nhân dẫn đến các hư hỏng của nhà ông Đa. Các chuyên gia của Dự án đã kết luận việc nứt, lún của nhà ông Đa không phải do nguyên nhân từ việc thi công nhà ga S11 của Dự án, mà là do kết cấu tòa nhà đã bị xuống cấp theo thời gian và không được bảo trì phù hợp, ngoài ra việc lún, nứt phát triển nhanh hơn do tác động thêm của công trình sát cạnh mới được xây dựng trong năm 2020. Dù nguyên nhân không đến từ việc xây dựng nhà ga S11, nhưng Dự án vẫn tiếp tục duy trì công tác quan trắc theo dõi và có báo cáo định kỳ, đồng thời hỗ trợ chi trả tiền tạm cư (5 triệu đồng/ tháng) trong thời gian từ 4/2021 đến 8/2021. Trong trường hợp gia đình ông Đa vẫn chưa thấy thỏa mãn với kết luận trên thì MRB sẽ đề nghị gia đình ông Đa và UBND phường Văn Chương mời đơn vị chuyên môn vào đánh giá độc lập.

 Ông Đa chỉ vị trí nứt tường giữa nhà với PV Tiền Phong.

Ông Đa chỉ vị trí nứt tường giữa nhà với PV Tiền Phong.

Trong bài đăng đầu giờ chiều nay về thực trạng lún nứt tại gia đình ông Lê Hữu Đa (81 tuổi, trú tại ngõ 51 Quốc Tử Giám, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội) Phóng viên ghi nhận tại hiện trường phản ánh, trước khi dự án chưa thi công mặc dù nhà đã xây dựng lâu nhưng gia đình ông vẫn sinh sống bình thường, không bị đe dọa bởi nguy cơ sụt, nứt.

Tuy nhiên từ khi dự án Metro thi công ở đây gia đình ông phải sống chung với cảnh những bức tường, bậc cầu thang đều bị nứt toác, xuống cấp và có thể đổ xuống bất kỳ lúc nào. Để vơi đi nỗi lo lắng, bất an, chủ nhà phải thuê thợ và mua sắt về để chống đỡ.

Phản ánh với PV Tiền Phong, ông Lê Hữu Đa nói: "Trước đây, gia đình tôi được chủ dự án chi 5 triệu đồng hỗ trợ mỗi tháng để tạm trú nơi khác. Sau 6 tháng, không còn khoản hỗ trợ, tôi lại chuyển về ngôi nhà này để sống. Bởi nếu tiếp tục thuê nhà, tiền lương hưu của tôi không đủ để duy trì phí sinh hoạt. Vợ tôi mới mất và hiện tôi đang sống một mình trong căn nhà thiếu an toàn này".