VN-Index chỉ có nhịp điều chỉnh rất ngắn đầu phiên trước khi bứt phá tiếp.
Mặc dù thanh khoản phiên sáng nay đã giảm đáng kể, nhưng áp lực bán cũng “bốc hơi” khiến thị trường tiếp tục tăng đồng loạt. VN-Index tăng liên tục sang phiên thứ 7 nhưng nhà đầu tư vẫn không lo ngại mà bán ra, mở đường cho chỉ số kiểm định đỉnh cao lịch sử.
Thực tế lo lắng thị trường điều chỉnh sau nhiều phiên tăng liên tục là có, ngay đầu phiên VN-Index đã tụt nhẹ gần 2 điểm. Chỉ số đạt điểm thấp nhất khoảng 9h30 với độ rộng 167 mã tăng/200 mã giảm. Trạng thái điều chỉnh xuất hiện ở cả cổ phiếu, nhưng không phải trên diện rộng.
Điều căn bản là thị trường vẫn có được nhóm blue-chips giữ nhịp tốt. Dầu khí sáng nay điều chỉnh nhẹ ngay cả khi giá dầu đã phục hồi tích cực. Kết hợp với một vài trụ lùi giá, là nguyên nhân khiến VN-Index mất điểm.
GAS cho đến cuối phiên sáng vẫn đang giảm nhẹ 0,78% và đã có diễn biến hồi nhẹ từ đáy đầu ngày giảm 1,22%. PLX hiện cũng đang giảm 0,18%. Nhìn chung mức giảm ở nhóm cổ phiếu dầu khí không nhiều, và ảnh hưởng tới chỉ số cũng duy nhất có GAS. Giá dầu đêm qua điều chỉnh giảm do EU bất đồng trong việc cấm vận dầu Nga. Đến phiên châu Á sáng nay, dầu WTI đã lại hồi lên trên 110 USD/thùng và dầu Brent lên trên 117 USD/thùng.
Rổ VN30 hiện ghi nhận 8 mã tạm chốt dưới tham chiếu thì có VIC giảm 0,24%, VNM giảm 0,26%, VJC giảm 0,43%, NVL giảm 0,12% cùng với GAS. Đây là các mã đang kiềm chế chỉ số, nhưng dễ thấy mức giảm cũng rất nhẹ để có thể ảnh hưởng rõ ràng. Ngược lại số tăng ở nhóm blue-chips này vẫn tới 18 mã, trong đó có nhiều cổ vốn hóa lớn như HPG tăng 0,64%, VCB tăng 0,82%, SAB tăng 3,05%, GVR tăng 2,02%, MSN tăng 3,03%.
VN30-Index tăng nhẹ 0,39% không có gì nổi bật, nhưng blue-chips vẫn hoàn thành nhiệm vụ giữ nhịp cho thị trường và chỉ số. VN-Index thậm chí hưởng lợi tốt ở MSN, SAB, GVR, tăng 0,63% lên mốc 1.513,28 điểm. Chỉ số này vượt qua nhịp điều chỉnh rất nhanh và tăng liên tục suốt thời gian còn lại của phiên sáng, hiện đang chốt tại điểm cao nhất ngày.
Độ rộng của HoSE cũng khá tốt với 265 mã tăng/153 mã giảm. Chỉ có 46 mã trong số giảm đang rớt hơn 1%, trong khi 115 mã tăng trên 1% với 17 mã kịch trần. Nói cách khác, mặt bằng giá cổ phiếu tăng vẫn đang vượt trội và biên độ tăng ở nhiều cổ phiếu vẫn rất tốt.
Trong bối cảnh đó, thanh khoản tụt giảm sáng nay lại là tín hiệu tốt, cho thấy nhà đầu cơ ngắn hạn không xả hàng nhiều. Trong Top 10 thanh khoản sàn HoSE, chỉ 2 cổ phiếu giảm là NVL và HSG. NVL giảm không đáng kể còn HSG cũng chỉ mất 0,77%.
Thực tế hiện tượng chốt lời vẫn có, nhưng sức ép từ phía bán đã không gây tác động nhiều lên giá. Những mã bất động sản, thép, phân bón hầu hết vẫn duy trì được đà tăng giá, dù tốc độ không bằng hôm qua. Những cổ phiếu bất động sản nhỏ kịch trần đáng chú ý là QCG, HQC. DGW, DPR, CMX, PET, VPH cũng là những mã thu hút thanh khoản và giá tăng hết biên độ.
Áp lực bán là có, nhưng quá nhẹ để thay đổi xu hướng giá hiện tại.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay giảm 13% so với sáng hôm qua, đạt 16,178 tỷ đồng. HoSE cũng giảm giao dịch khoảng 13% nhưng VN30 giảm tới 20%, chỉ đạt 3.445,8 tỷ đồng. Các blue-chips tiếp tục vắng bóng trong nhóm thanh khoản nhất: Giá trị khớp lệnh lớn nhất của VN30 thuộc về HPG với 482,5 tỷ đồng và NVL với 317,6 tỷ đồng. Đây cũng là hai blue-chips duy nhất của rổ lọt vào Top 10 thanh khoản thị trường.
Nhờ lực bán rất yếu nên ngay cả khi dòng tiền vào hạn chế thì đà tăng giá ở cổ phiếu vẫn áp đảo. VN-Index tiếp tục tiến sát đỉnh cao lịch sử. Nếu tính theo mức đóng cửa thì chỉ số chỉ còn cách đỉnh lịch sử hơn 15 điểm.
Khối ngoại sáng nay vẫn đang đổ tiền vào hỗ trợ thị trường, mua ròng 753,9 tỷ đồng ở HoSE, 15,5 tỷ đồng ở HNX và 9,8 tỷ đồng tại UpCOM. Tổng giá trị giải ngân trên HoSE đạt 1.436,7 tỷ đồng, chiếm 9,7% sàn này. DGC đang được mua ròng lớn nhất với 163,2 tỷ, HPG với 80,9 tỷ, MSN trên 65 tỷ, VHM 57,7 tỷ. Nhóm KBC, DIG, DXG, GEX, VIC, DPM, KDH, STB được mua ròng từ 20 tỷ đến hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra có chứng chỉ quỹ FUEVFVND được mua ròng 120,3 tỷ đồng.