Nhà đầu tư nên làm gì khi VN-Index mất mốc 1.400 điểm?

Chuyên gia khuyến nghị nếu không tự tin ở thời điểm này thì có thể ủy thác đầu tư, hoặc nếu giải ngân thì phải xác định nắm giữ dài hạn trên một năm.

Thị trường chứng khoán đang chịu nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến các vụ việc thao túng chứng khoán và sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chỉ số liên tục đi xuống kể từ đầu tháng 4 với nhiều phiên lao dốc rất sâu.

Bốc hơi gần 16 tỷ USD

VN-Index trong phiên gần nhất 20/4 tiếp tục lao dốc trong buổi chiều khi rơi gần 23 điểm về dưới mốc 1.385 điểm, thấp nhất kể từ tháng 10/2021.

Có thể thấy chỉ số bị mất mốc cứng 1.400 điểm khá dễ dàng sau 5 phiên lao dốc gần nhất, tương đương giảm hơn 92 điểm (-6,26%) hay giá trị vốn hóa thị trường bị thổi bay gần 365.000 tỷ đồng (gần 16 tỷ USD).

Tâm lý nhà đầu tư đang rất yếu và bị dao động dữ dội bởi các thông tin từ bên ngoài, bao gồm cả những tin đồn thất thiệt. Xu hướng của thị trường vẫn không rõ ràng nên các khiến các dao động có biên độ lớn hơn.

Chứng khoán lao dốc trong tháng 4 khi thông tin tiêu cực liên tục xuất hiện. Đồ thị: TradingView.

Kinh tế trưởng SSI Phạm Lưu Hưng cho rằng thị trường trong nước chủ yếu vẫn là nhà đầu tư cá nhân nên dễ dàng bị tác động bởi các thông tin bên ngoài.

Trong đó, cổ phiếu các ngành tài chính ngân hàng, bất động sản bị ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi thông tin xử lý thao túng chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, xu hướng của VN-Index đang không được tích cực.

Nếu sau một số biến động mà khiến tài khoản thua lỗ 20-30% thì nhà đầu tư cũng có thể nghĩ đến giải pháp ủy thác đầu tư

Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng SSI

Vị chuyên gia tin rằng bản chất việc xử lý các sai phạm trong thao túng chứng khoán là để lành mạnh hóa thị trường, hơn là một thông tin để thị trường rung lắc.

"Thời điểm này mọi người nên nhìn lại mình có khả năng trading trong ngắn hạn hay không? Nếu sau một số biến động mà khiến tài khoản thua lỗ 20-30% thì nhà đầu tư cũng có thể nghĩ đến giải pháp ủy thác đầu tư", ông Hưng nói.

Thực tế, thị trường chung vẫn ghi nhận một số quỹ đầu tư có hiệu suất rất tốt, không bị thua lỗ kể từ đầu năm. Do vậy, trong thời điểm mà không tự tin lắm về bản thân thì việc dễ dàng hơn là ủy thác cho các quỹ đầu tư chuyên nghiệp.

Thậm chí với trái phiếu doanh nghiệp, nếu không thể nghiên cứu kỹ thì cũng có thể đầu tư vào các quỹ trái phiếu. Các quỹ này có đội ngũ nghiên cứu kỹ lưỡng và mua theo một danh mục, do vậy ông Hưng đánh giá dù có xảy ra chuyện với một doanh nghiệp thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến cả danh mục, mức độ rủi ro sẽ giảm đi.

Kinh tế trưởng SSI nhận thấy các nhóm cổ phiếu không liên quan trong nước như xuất khẩu thủy sản, dệt may, vận tải biển quốc tế... sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi các thông tin thị trường nên giá trị cổ phiếu sẽ tốt hơn.

Kinh tế trưởng SSI khuyến nghị nếu không tự tin thời điểm này có thể ủy thác cho các quỹ đầu tư chuyên nghiệp.

Không phải thời điểm đầu cơ

Ông Trần Việt Dũng - một trong số ít nhà đầu tư cá nhân đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam - đưa ra lời khuyên thời điểm này không chỉ quan sát VN-Index mà phải nhìn ra cổ phiếu riêng lẻ có câu chuyện. Và khi đã xác định mua thì phải xác định nắm giữ dài hạn trên một năm.

Vị này dự báo thị trường thậm chí có thể chưa tốt lên trong quý II-III nhưng sẽ định rõ nét trong quý cuối năm. Ông nói: đây là thời điểm quan sát và mua dần, thị trường xuống là cơ hội để mua cổ phiếu tốt với giá hợp lý, nắm giữ dài hạn. Đây không phải là thời điểm của đầu cơ.

Thị trường chứng khoán đang dần đuối sức khi lực cầu cạn kiệt còn lực bán ngày một tăng, hiệu ứng "hòn tuyết lăn" đang ngày càng lan rộng và nhà đầu tư đã bắt đầu cảm nhận sự khốc liệt của hoạt động bán giải chấp (force sell).

Ghi nhận ở một số công ty chứng khoán ngày 20/4 đã bắt đầu nhiều hoạt động bán giải chấp cổ phiếu của nhà đầu tư. Nổi bật nhất là Chứng khoán VPS thông báo bán giải chấp 200 cổ phiếu L14 của ông Nguyễn Mạnh Tuấn - được biết đến là thành viên HĐQT Licogi 14 và là hiện tượng của giới đầu tư chứng khoán với cái tên nổi tiếng "A7".

Trước đó, trao đổi với Zing, ông Nguyễn Duy Thanh Phương - Giám đốc kinh doanh Yuanta Việt Nam - nhận thấy tâm lý bán tháo của nhà đầu tư cá nhân khá đang mạnh mẽ và lo ngại nếu đà rơi tiếp tục thêm 10-15% thì hiện tượng bán giải chấp sẽ xuất hiện.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nhận định thị trường đã vào vùng quá bán trong ngắn hạn, cộng với định giá thị trường đang rất rẻ so với tăng trưởng EPS của doanh nghiệp trong năm 2022 là cơ hội tốt để mua tích lũy dần với tầm nhìn trên một năm.

Theo số liệu từ Bloomberg, mức định giá P/E dự báo cho thị trường Việt Nam trong năm 2022 đang ở mức khá thấp quanh 13,5 lần.