Vẫn lỗ sau hơn 10 năm vận hành
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn được thành lập vào tháng 4/2008 do 4 thành viên góp vốn (bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Kuwait Petroleum Europe B.V.,; Idemitsu Kosan Co.,Ltd và Mitsui Chemicals,Inc. Trong đó, PVN góp vốn 25,1%) Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn (NSRP) có số vốn đầu tư 9 tỷ USD.
Theo đó, Nhà máy nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn lỗ sau hơn 10 năm vận hành.
Sản phẩm của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn gồm khí hóa lỏng LPG, xăng, diesel, dầu hỏa/nhiên liệu máy bay... chủ yếu sử dụng cho thị trường trong nước của Việt Nam. Từ khi thành lập, dự án được kỳ vọng là sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế của Việt Nam.
Cho đến nay nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn đứng trước nguy cơ phải bù lỗ khoảng 3.500 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu và chất lượng đầu ra không đạt tiêu chuẩn Việt Nam áp dụng từ năm 2017. Đến năm 2019, một báo cáo từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho hay, PVN phải bù lỗ từ 1,5-2 tỷ USD cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Theo báo cáo của PVN cho thấy, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã khó khăn từ lúc vận hành năm 2018. Theo đó, trong năm này, Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) lỗ kế hoạch 1.379 tỷ đồng, doanh thu chỉ đạt 29.323 tỷ đồng, đạt 18% kế hoạch năm
Số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên tới 3,3 tỷ USD trong 3 năm, số tiền nợ nguyên liệu cũng lên tới 2,8 tỷ USD.
Không chỉ lỗ nặng, doanh nghiệp này từng rơi vào tình trạng "ế" hàng. Cụ thể, bước qua năm 2021, tình trạng giãn cách xã hội ở nhiều địa phương khiến nhu cầu tiêu thụ dầu thô, xăng sụt giảm mạnh.
Báo cáo của PVN hồi tháng 8/2021 cho thấy, lượng tồn kho của các Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất lên đến 85%, bất chấp việc các đơn vị đã nỗ lực để tìm giải pháp giải quyết tình trạng tồn kho. Trước đó, hồi năm 2018, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Chính phủ "xin dừng nhập xăng vì lo xăng dầu Nghi Sơn bị ế".
Mới đây, ngày 25/1/2022, đại diện Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cho biết, đơn vị này đã cắt giảm 20% công suất so với mức sản xuất bình thường. Nguyên nhân được đưa ra là do đơn vị này gặp khó khăn tài chính và có thể phải tạm dừng sản xuất từ giữa tháng 2/2022.
Trước việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn "càng làm, càng lỗ", ngay từ Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa 14, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trên.
Trong đó, vấn đề bất cập lớn nhất nằm trong cam kết Bảo lãnh Chính phủ (GGU) với nhà đầu tư nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Cụ thể, 3 nội dung ưu đãi khiến nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có thể làm "không cần quan tâm lời lãi" gồm:
Một, áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp cho toàn bộ đời của dự án.
Hai, cán cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu kinh tế Nghi Sơn sẽ được giảm 50% nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân.
Ba, trong bất cứ tình hình thị trường quan hệ cung cầu ra sao thì Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm tiêu thụ 100% lượng xăng, dầu do nhà máy sản xuất ra tại cổng nhà máy.
Doanh nghiệp vẫn nhập khẩu dầu thô trong khi có hàng xuất khẩu?
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2021 Việt Nam xuất khẩu hơn 3,1 triệu tấn dầu thô, với giá trị xuất khẩu là trên 1,76 tỷ USD. Nhưng nhập khẩu hơn 9,9 triệu tấn dầu thô với giá trị nhập khẩu là trên 5,15 tỷ USD.
Đặt vấn đề về tình trạng phải nhập khẩu dầu thô để lọc hóa trong khi chúng ta lại xuất khẩu dầu thô, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị các Bộ, ngành có biện pháp tháo gỡ vướng mắc này, "dứt khoát phải đổi mới, nếu vướng ở cơ chế, chính sách thì sửa cơ chế, chính sách".
Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế: “Điều khiến tôi kinh ngạc nhất là toàn bộ dầu thô ở Việt Nam không dùng được cho Nhà máy Nghi Sơn mà phải dùng dầu thô nhập khẩu từ Trung Đông. Nhà máy lọc dầu Dung Quất ít nhất còn sử dụng được dầu thô, dầu bạch hổ của Việt Nam”.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, một cán bộ của PVN giải thích, việc nhập và xuất khẩu dầu thô là bài toán kinh tế làm sao cho có lợi nhất, hơn nữa, cũng là vấn đề kỹ thuật của các nhà máy lọc dầu.
Bởi, mỗi nhà máy lọc dầu được thiết kế để lọc một loại dầu nhất định, hoặc một hỗn hợp dầu có tính chất nhất định. Một khi nhà máy đã thiết kế cho loại dầu thô nào thì chỉ lọc được loại dầu thô đó, hoặc hỗn hợp dầu thô có tính chất tương tự. Việc chuyển đổi sang dầu có tính chất tương tự cũng phải qua thử nghiệm công phu mới có thể tiến hành.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không dùng dầu thô trong nước để lọc là bởi lẽ, ngay từ đầu nhà máy này được thiết kế cho hỗn hợp dầu Kuwait, có tỷ trọng API khoảng 31 và hàm lượng lưu huỳnh 2,52 - tức là dầu chua nặng trung bình.
"Do thỏa thuận ban đầu. Và sản lượng dầu thô trong nước cũng không đủ đảm bảo hoạt động cho nhà máy này”- vị này cho biết.
Chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu
Ngân hàng Nhà nước ngày 16/3, đã yêu cầu các ngân hàng thương mại xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhất là các doanh nghiệp đầu mối được Bộ Công thương phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm.
Đây là động thái mới nhất nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước trong bối cảnh thị trường xăng dầu đang “sôi sùng sục” những ngày qua.