Nhân viên ngân hàng lừa đảo trăm tỷ của khách: Mối nguy bên trong hệ thống

Liên tục các vụ lãnh đạo, nhân viên ngân hàng lợi dụng chức danh, sự tín nhiệm của khách hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền hàng trăm tỷ của khách. Đây thực sự là mỗi nguy ẩn trong hệ thống ngân hàng không dễ phòng tránh

Cú lừa trăm tỷ trong trụ sở ngân hàng

Ngày 15/8/2022, TAND TP. Đà Nẵng tuyên phạt Lê Thị Kim Khánh (40 tuổi, trú quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 1-10/2019, với danh nghĩa giám đốc quan hệ khách hàng của một ngân hàng TMCP - chi nhánh quận Liên Chiểu, Khánh dùng chiêu trò làm thủ tục đáo hạn ngân hàng, đầu tư bất động sản để mượn tiền của nhiều người, chiếm đoạt 19,45 tỷ đồng.

Tương tự, Nguyễn Văn Lâm (35 tuổi, ngụ xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) khi đang làm nhân viên tại một ngân hàng trên địa bàn Đà Nẵng đã nhận làm thủ tục vay vốn, đáo hạn ngân hàng để chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng của nhiều người rồi bỏ trốn.

Còn đối tượng Nguyễn Thiện Nhân (40 tuổi, ngụ phường Mỹ Phú, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp) cũng lợi dụng mình là nhân viên một ngân hàng lớn ở Đồng Tháp đã vay tiền của nhiều người để trả nợ và sử dụng vào mục đích cá nhân. Sau đó, nhân đã chiếm đoạt số tiền gần 50 tỷ đồng bỏ trốn khỏi địa phương.

Cũng với thủ đoạn vay tiền đáo hạn ngân hàng, trả lãi suất ngày, từ năm 2016 đến tháng 9/2017, Hoàng Nam Đến (SN 1978, trú huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đã lừa vay và chiếm đoạt của 22 bị hại với số tiền 110 tỷ đồng.

Vụ lừa đảo gây chấn động với số tiền lớn và nhiều nạn nhân là vụ việc tháng 6/2020, bà Lê Thị Thương (SN 1988, Pleiku, Gia Lai, làm việc tại một ngân hàng ở Gia Lai) đến cơ quan công an công bố mất khả năng chi trả số tiền vay gần 200 tỷ đồng của nhiều người dân khiến dư luận bàn tán.

Đặc biệt, ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, chi nhánh TP. HCM (Eximbank TP. HCM) chiếm đoạt 301 tỷ đồng tiết gửi tiết kiệm của bà Chu Thị Bình rồi trốn ra nước ngoài gây xôn xao những ngày đầu năm 2018.

Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Hưng đã chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Bình rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán.

Cũng vào năm 2018, Bùi Phương Thảo (SN 1974, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị tòa tuyên mức án chung thân về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng vị trí thủ quỹ, từ năm 2011, Thảo huy động vốn, vay tiền của nhiều người với lãi suất thấp rồi cho người khác vay lại với lãi suất cao, chiếm đoạt tới hơn 212 tỷ đồng.

Cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh rộ tin đồn về việc Bùi Phương Thảo (SN 1974, trú tại Phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) nguyên là thủ quỹ của một ngân hàng tại địa phương ôm 400 tỷ đồng bỏ trốn. Từ năm 2011 đến ngày 3/12/2016, Thảo vay tiền của những người thân, với lãi suất thấp để cho vay lại với lãi suất cao hơn, hưởng chênh lệch. Thảo còn sử dụng con dấu “đã thu tiền” của phòng giao dịch để tạo niềm tin đối với người cho vay tiền.

Mối nguy bên trong hệ thống

Trên đây chỉ là một số vụ việc điển hình liên quan đến tình trạng nhân viên, cán bộ ngân hàng lợi dụng chức danh, uy tín để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Thực tế, còn rất nhiều vụ việc lừa đảo đã xảy ra và khách hàng luôn là người thiệt thòi. Đa số vụ việc đều xác định do hành vi cá nhân, ngân hàng cũng chứng minh mình vô can hay cũng là bên thiệt hại để mặc khách hàng mất tiền hay có theo kiện đòi được cùng là hành trình vô cùng mất vả

Từ những vụ việc trên cho thấy, các đối tượng đã lợi dụng "vỏ bọc" là nhân viên ngân hàng để tạo lòng tin đối với các nạn nhân. Ngoài ra, những đối tượng này còn sử dụng các thủ đoạn lừa đảo tinh vi để có thể chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Thậm chí, có nhân viên còn sử dụng các giấy tờ, thiết bị của ngân hàng để chiếm đoạt tiền của khách đã gửi ở ngân hàng.

Niềm tin của khách hàng đối với các ngân hàng đã bị một số nhân viên ngân hàng lợi dụng để trục lợi thông qua các hành vi phạm pháp. Để bảo đảm uy tín, các ngân hàng cần siết chặt công tác quản lý nhân sự; tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan đến giao dịch tài chính, tránh tạo “kẽ hở” để một số nhân viên lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Ngân hàng phải kiểm soát được rủi ro từ trong hệ thống của mình nếu không sẽ đánh mất niềm tin.

Trong mọi vụ việc, khách hàng vẫn là những người chịu hậu quả cuối cùng. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, khách hàng nên thận trọng khi tham gia các giao dịch tại ngân hàng. Khách hàng chỉ thực hiện các giao dịch với nhân viên tại ngân hàng, đồng thời cần đọc kỹ các nội dung điều khoản văn bản trước khi đặt bút ký.

Đặc biệt, người dân cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo, không tham gia các hoạt động huy động và cho vay lãi suất cao để tránh bị lừa, các lời mồi chài đầu tư, đáo hạn hay mượn sổ góp vốn…