Nhiều chuyến hàng cứu trợ được Vietjet đưa đến miền Trung

(Chinhphu.vn) - Những ngày này, nhân viên của hãng hàng không Vietjet tại các sân bay ở miền Trung đang làm việc hết công suất để chuyển hàng cứu trợ gửi đến đồng bào bị ảnh hưởng của bão lũ.
Vận chuyển hàng hoá cứu trợ tại sân bay Phú Bài (Huế)
Hàng hoá cứu trợ không gián đoạn

 
Tại sân bay Phú Bài (Thừa Thiên – Huế), do ảnh hưởng của mưa lớn, nhiều chuyến bay liên tục phải thay đổi lịch. Mặc dù vậy, chị Nguyễn Thị Lam Phương, Trưởng đại diện Vietjet tại sân bay Phú Bài, cho biết ngay khi thời tiết đảm bảo, các chuyến bay vận chuyển hàng cứu trợ của Vietjet hạ cánh, đội ngũ nhân viên của hãng lại tất bật để kịp chuyển hàng hóa đến với người dân.
 
Ước tính, mỗi chuyến bay của Vietjet đến Phú Bài vận chuyển 4-5 tấn hàng cứu trợ. Nhân viên Vietjet sau khi tiếp nhận hàng sẽ trực tiếp trao tận tay người nhận. Hàng hóa gửi đến đều là nhu yếu phẩm rất cần thiết cho sinh hoạt của bà con trong thời gian này như: Bánh chưng, bánh tét, lương khô, thuốc men và áo phao… nên nhân viên Vietjet làm việc không ngừng nghỉ, có những hôm tiếp nhận và giao hàng đến tận rạng sáng mới hoàn tất.
 
“Mỗi người một nhiệm vụ, tất cả đều làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để chuyển hàng cứu trợ đến tận tay người nhận hoặc kịp những chuyến xe, chuyến ghe chở vào từng thôn, từng xóm còn đang bị cô lập bởi nước lũ. Có những hôm, hàng đến trong thời tiết mưa to, gió giật nhưng chúng tôi thực sự ấm lòng khi cảm nhận được tình cảm của bà con khắp nơi hướng về miền Trung”, chị Lam Phương tâm sự.
 
Cũng như tại Phú Bài, sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) những ngày này tiếp nhận rất nhiều hàng hóa cứu trợ gửi qua đường hàng không. Quảng Bình cũng là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ nên nhu cầu hàng thiết yếu cho cuộc sống của người dân trở nên cấp bách.
 
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trưởng đại diện Vietjet tại sân bay Đồng Hới, cho biết hơn 13 tấn hàng hóa cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trên cả nước đã được Vietjet vận chuyển miễn phí đến với bà con Quảng Bình.
 
Do Đồng Hới là sân bay nhỏ và chưa bao giờ phải tiếp nhận một lượng hàng lớn vào cùng một thời điểm nên việc dỡ hàng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa bão. Tuy nhiên, nhân viên Vietjet liên tục túc trực tại sân bay để đảm bảo tiếp nhận, bàn giao hàng hóa kịp thời.
 
Máy bay chở hàng cứu trợ tới sân bay Đồng Hới. 
Ở lại sân bay làm việc 3 ngày liên tục

 
Giống như phần lớn các gia đình ở Thừa Thiên – Huế và Quảng Bình, nhà cửa của nhiều nhân viên Vietjet tại hai địa phương này cũng bị thiệt hại nghiêm trọng, nhiều gia đình nằm trong khu vực bị cô lập. Bên cạnh việc lo khắc phục hậu quả xảy ra đối với gia đình mình, các nhân viên Vietjet cũng rất nỗ lực để hoàn thành công việc chung với mong muốn hàng cứu trợ đến với người dân một cách nhanh nhất.
 
“Từ nhà đến sân bay, nhiều đoạn đường chúng tôi phải lội nước. Đoạn trũng, ngập sâu phải đi ghe, đoạn bùn lầy phải đi bằng xe máy cày. Ai đến sân bay cũng ướt sũng. Cả khách và nhân viên chỉ biết nhìn nhau cười”, chị Lam Phương nhớ lại.
 
Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, nhân viên mặt đất của Vietjet tại sân bay Phú Bài, cho biết có thời điểm chị ở lại sân bay liên tục 3 ngày để làm việc.
 
Chị Hằng kể: “Tôi mượn đồng nghiệp một bộ đồng phục, một bộ đồ thường và các vật dụng sinh hoạt cá nhân. Những lúc này mới thấy sự đoàn kết và quan tâm nhau quý giá nhường nào”.
 
Đồng nghiệp của chị Hằng, chị Đinh Thị Trang cũng có nhiều ngày phải ở lại sân bay làm việc, phần vì công việc nhiều, phần vì trời mưa lũ, nước chảy siết, đi lại sẽ không an toàn.
 
“Nhiều đồng nghiệp có gia đình nằm trong vùng bị lũ cô lập, không thể đến sân bay được nên chúng tôi sẻ chia, hỗ trợ nhau”, chị Trang nói.
 
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với nhiều nhân viên Vietjet tại Đồng Hới. Do thành phố ngập sâu trong nước, nhiều người phải lội nước đi bộ khoảng 4-5 km để ra những tuyến đường có thể bắt xe đi nhờ đến sân bay. Chị Thanh Nhàn cho hay sân bay vẫn hoạt động, những chuyến hàng cứu trợ vẫn hạ cánh, người dân nhiều nơi đang cần được giúp đỡ nên mọi người đều động viên nhau khắc phục khó khăn, giữ an toàn cho bản thân để hoàn thành công việc.
 
Ông Đỗ Xuân Quang, Phó tổng Giám đốc Vietjet, cho biết tinh thần lạc quan, ý chí vượt khó, sống tốt, làm việc thiện là một phần trách nhiệm của đội ngũ Vietjet nên “Vietjet sẽ nỗ lực phối hợp với các đơn vị, tổ chức để vận chuyển hàng tới tận tay bà con vùng bão lũ, hoàn thành sứ mệnh chuyên chở hàng hóa cứu trợ”.
 
Hôm nay (27/10), công tác cứu trợ vẫn diễn ra khẩn trương, toàn bộ lực lượng của Vietjet đã sẵn sàng chống bão số 9, lên các kế hoạch, kịch bản đảm bảo duy trì các chuyến bay an toàn, thông suốt những tuyến đường trên không vận chuyển hành khách và hàng hoá thiết yếu trong những ngày bão lũ.
 
Phan Trang