Riêng trong tháng 12.2022, thị trường có khoảng 42,2 nghìn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Trong đó, doanh nghiệp bất động sản là 19.287 tỉ đồng (99,5% có tài sản đảm bảo); tổ chức tín dụng là 9.828 tỉ đồng; doanh nghiệp sản xuất là 7.854 tỉ đồng, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ là 2.100 tỉ đồng. Tuy nhiên do kinh doanh khó khăn, tín dụng thắt chặt hơn, các kênh huy động vốn như cổ phiếu, trái phiếu cũng gặp nhiều thách thức khiến các doanh nghiệp đang đối diện với bài toán căng dòng tiền. Ngay từ đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã phải ra thông báo “khất nợ” trái phiếu đến hạn thanh toán.
Trước đó cũng có doanh nghiệp thông báo chậm trả lãi với số tiền 471,5 tỉ đồng gồm: Công ty Hoàng Anh Gia Lai là 302,8 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Trung Nam là 128,9 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai với 5,6 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bình Định là 10,1 tỉ đồng và Công ty TNHH Đức Việt là 24,1 tỉ đồng.
Trong số 5 doanh nghiệp chậm trả lãi trái phiếu nói trên, đáng kể nhất là Trung Nam Group. Tính từ năm 2019 đến nay, Trung Nam Group đã huy động gần 34.000 tỉ đồng từ kênh trái phiếu. Từ đầu năm 2022, Trung Nam Group cũng trải qua 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị huy động 3.230 tỉ đồng. Chính vì lượng trái phiếu phát hành lớn, huy động rất mạnh, nên theo thông tin riêng tiền lãi trái phiếu mà Trung Nam Group phải trả cho trái chủ, nhà đầu tư mỗi năm lên tới 2.800 tỉ đồng.
CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng có văn bản xin lùi thời gian trả nợ trái phiếu hơn 181 tỉ đồng. Lô trái phiếu có mã 30122017-01, phát hành ngày 30.12.2017, đáo hạn 30.12.2022 (kỳ hạn 5 năm). Lô gồm 134 trái phiếu mệnh giá 1 tỉ đồng, tổng huy động 134 tỉ đồng, lãi suất 10%/năm, kỳ hạn thanh toán lãi 6 tháng/lần. Theo công bố, Đức Long Gia Lai còn phải thanh toán tiền gốc hơn 117 tỉ đồng, lãi hơn 64 tỉ đồng, tổng cộng hơn 181 tỉ đồng. Đức Long Gia Lai cho biết đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân khiến công ty chậm thanh toán trái phiếu cho nhà đầu tư là tình hình sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt…, nên dòng tiền còn hạn chế.
Theo báo cáo của CTCK VCBS thống kê, trong 1,19 triệu tỉ đồng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp ở thời điểm tháng 1.2023, khối lượng dư nợ lớn nhất thuộc về ngành bất động sản (37%) và ngân hàng (32%). Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 ước tính 250.000 tỉ đồng, suy giảm đáng kể so với thời điểm quý 3/2022 do việc chủ động mua lại trước hạn. Trong đó, đáng chú ý, giá trị mua lại ngành ngân hàng và bất động sản trong quý 4/2022 lần lượt đạt 35 nghìn tỉ đồng và 24 nghìn tỉ đồng. Theo VCBS, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong 3 năm tới vẫn lớn. Theo đó, năm 2023 vẫn là giai đoạn đẩy mạnh các hoạt động tái cấu trúc, sắp xếp lại các tài sản đảm bảo, thực hiện công bố thông tin hoàn thiện theo quy định của Nghị định 65. Giai đoạn này đã xuất hiện một số trái phiếu chậm trả gốc, lãi.
Sự thay đổi khung pháp lý vẫn còn bỏ ngỏ. Từ cuối năm 2022, việc lấy ý kiến sửa đổi dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65 đã được đưa ra. Cho nên, thời điểm này những giải pháp tổng thể từ phía cơ quan quản lý vẫn là chìa khóa nhằm dần tháo gỡ khó khăn với thị trường, ổn định tâm lý nhà đầu tư nhằm mục tiêu hướng đến sự phát triển của thị trường vốn trong dài hạn.