'Nhiều doanh nghiệp đang sử dụng sai mục đích tiền huy động từ trái phiếu'

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM), trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ việc sử dụng tiền phát hành vào những mục đích đã cam kết phát hành ban đầu.
dai-bieu-tran-anh-tuan-1667007700.jpg
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM).

Nợ tư nhân phi tài chính gần bằng 140% GDP

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng; cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối; chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa cao; sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch.

Các doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản tín dụng hoặc nợ trái phiếu đến hạn.

Theo Bộ Tài chính, khối lượng trái phiếu đáo hạn của doanh nghiệp bất động sản, xây dựng trong giai đoạn 2022 – 2025 vào khoảng 374,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,9% tổng khối lượng đáo hạn. Với việc tập trung huy động khối lượng lớn, kỳ hạn chỉ khoảng 3-4 năm, trong khi thời gian thu hồi vốn các dự án bất động sản có thể kéo dài 5-10 năm, một số doanh nghiệp bất động sản có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán trái phiếu đã phát hành.

Thời gian vừa qua, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán xảy ra trong năm đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, đối với xã hội, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư.

Về vấn đề này, tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 diễn ra ngày 28/10, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng vụ việc tuy đã được phát hiện và ngăn chặn nhưng đã để lại nhiều hậu quả đối với nền kinh tế.

"Tôi nhận thấy nếu không có những quyết sách quyết liệt, kịp thời, phục hồi niềm tin của thị trường, hệ lụy từ những yếu kém này có thể còn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, nhất là trong tình hình kinh tế thế giới, khu vực còn rất bất ổn, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu hiện hữu do chiến tranh, xung đột, do chính sách bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế", đại biểu nói.

Đáng chú ý, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM) cho biết vừa qua, nợ tư nhân phi tài chính có số lượng rất lớn, khoảng 140% GDP. Trong đó tỷ lệ không nhỏ là trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành.

“Nợ trái phiếu này tăng nhanh, lãi suất cao không có bảo lãnh, không công khai nên khó kiểm soát, có tính rủi ro cao, có nguy cơ tác động dây chuyền khi có biến động về thị trường hay năng lực thanh toán”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho hay.

Doanh nghiệp đang sử dụng sai mục đích tiền huy động từ trái phiếu

Liên quan đến vấn đề trái phiếu, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM) cho biết trong thời gian có nhiều vấn đề phát sinh như việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp. "Có thể trong thời gian tới sẽ có những giải pháp quản lý chặt chẽ hơn từ các cơ quan có trách nhiệm đối với vấn đề này rõ ràng hơn", đại biểu nói.

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ việc sử dụng tiền phát hành vào những mục đích đã cam kết phát hành ban đầu.

Bên cạnh đó, việc giám sát của các cơ quan có liên quan về vấn đề này chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả, gây ảnh hưởng không tốt và mất niềm tin đối với nhà đầu tư.

Cũng theo đại biểu Trần Anh Tuấn, trong thời gian tới, khi đã nhận diện được vấn đề này, sẽ có những biện pháp giám sát cũng như cơ chế chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo việc sử dụng tiền huy động từ phát hành trái phiếu.

"Khi huy động và cam kết với nhà đầu tư, người dân, doanh nghiệp phải sử dụng đúng mục đích của đồng tiền để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn và đáp ứng được tính thanh khoản khi trái phiếu đáo hạn", đại biểu cho hay.