Nhiều hạn chế, sai phạm tại Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ

Qua thanh tra, Sở Y tế TP Cần Thơ đã chỉ ra nhiều hạn chế, sai phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế (BHYT) tại Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ.

ket-luan-thanh-tra-1665481152.jpg Sở Y tế Cần Thơ đề nghị Giám đốc Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt khắc phục hạn chế, thiếu sót. Ảnh: CN

 

Theo Kết luận thanh tra số 7160/KL-SYT ngày 19/9/2022 của Sở Y tế, Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ chưa triển khai bằng văn bản các văn bản chỉ đạo về việc thực hiện các quy định pháp luật về BHYT đến các khoa, phòng.

Bệnh viện có xây dựng phác đồ điều trị và quy trình kỹ thuật, quyết định ban hành đến 23/4/2020 hết hiệu lực, nhưng đến 11/3/2021 mới có quyết định tiếp theo, thiếu cơ sở tham khảo để xây dựng; thiếu biên bản thông qua hội đồng, không đóng mộc đỏ thể hiện tài liệu của bệnh viện ban hành; thiếu ngày ban hành, ngày có hiệu lực; thiếu quy trình kỹ thuật (xét nghiệm HIV); thiếu bảng kiểm phác đồ điều trị và quy trình kỹ thuật.

Khoa Răng Hàm Mặt thiếu biên bản hội chẩn trong phẫu thuật nhổ răng, điều trị tủy răng. Sổ thủ thuật Khoa Mắt ghi chép không đầy đủ, thiếu một số cột mục. Trang thiết bị thiếu nguồn gốc và không có trong danh mục quản lý của bệnh viện.

Bệnh viện có thu ngoài bảng kê chi phí đối với xét nghiệm HIV test nhanh (đơn giá 53.600 đồng/test), tổng số trường hợp người bệnh có thẻ BHYT trong năm 2020 là 48 ca. Đối với việc thu phí xét nghiệm HIV người bệnh BHYT, bệnh viện thực hiện tạo lượt khám ngoại trú không thu tiền khám để thu phí đối với xét nghiệm này. Bệnh viện cũng không thực hiện các bước theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2015/TT/BYT ngày 27/2/2015 của Bộ Y tế.

Trong năm 2020, bệnh viện thực hiện thanh toán BHYT 14 cái nẹp mini thẳng 18 lỗ, đơn giá thanh toán 936.300 đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, đa số người bệnh chỉ được sử dụng loại 4 lỗ.

Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ có 2 máy Phaco (1 máy của bệnh viện và 1 máy từ chương trình mổ ngoại viện), khi có lượng bệnh nhân đông thì mới sử dụng 2 máy Phaco cùng lúc. Tuy nhiên, bệnh viện không đưa máy Phaco thực hiện chương trình ngoại viện vào quản lý tài sản chung của bệnh viện.

Một bác sĩ gây mê hồi sức phụ trách tất cả các cuộc phẫu thuật nên xảy ra vấn đề một bác sĩ ký vào 2 hồ sơ bệnh án cùng thời điểm. Trong thực hiện kết quả đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế có hơn 50% số nhà thầu có giá trị thực hiện kết quả thầu dưới 80% giá trị hợp đồng.

Ngoài ra, bệnh viện chưa có quy trình xây dựng danh mục thuốc, hóa chất, vật tư y tế sử dụng tại đơn vị; có quyết định phê duyệt danh mục thuốc, hoá chất, vật tư y tế gửi đấu thầu tập trung tại Sở Y tế nhưng chưa có quyết định phê duyệt danh mục thuốc, hóa chất, vật tư y tế sau khi có kết quả đấu thầu của Sở Y tế phân bổ về bệnh viện.

Bệnh nhân nội trú phải mua tự túc thuốc Acyclovir 0,2g; Metronidazol 250mg; Alpha Choay; người bệnh cũng phải trả phí cho một số dịch vụ kỹ thuật thuộc danh mục kỹ thuật được phê duyệt tại bệnh viện (trong điều trị suy tủy Xquang, thuốc...); thiếu phần công khai các vật tư y tế sử dụng cho bệnh nhân trong hồ sơ bệnh án nội trú của Khoa Mắt.

Kết quả thanh tra cho thấy, công tác phối hợp giữa các khoa, phòng còn hạn chế, dẫn đến việc xây dựng danh mục đấu thầu vật tư y tế còn bất cập (nẹp sử dụng tại Khoa Răng Hàm Mặt); máy xét nghiệm nước tiểu có tính năng chưa phù hợp với danh mục kỹ thuật được phê duyệt…

Đối với những hạn chế, sai phạm nêu trên, Sở Y tế TP Cần Thơ đề nghị Giám đốc Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt, Hội đồng Khoa học công nghệ và lãnh đạo các khoa, phòng liên quan nghiêm túc họp rút kinh nghiệm và khắc phục. Đồng thời, báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra về Thanh tra Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Sở Y tế.