Ngày 26/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh và Trung tâm Y tế Tp.Tây Ninh cho biết vừa tiếp nhận thêm 2 học sinh bị ói, sốt cao, đau bụng. Đến nay, đã có tổng cộng 11 em nhập viện điều trị với dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, nghi là do ăn sushi cơm cuộn trước cổng trường học.
Các học sinh này chủ yếu thuộc các trường tiểu học Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Tôn Thất Tùng (Tp.Tây Ninh); ngoài ra còn có em nhỏ học mầm non. Trong đó, một trường hợp nặng phải chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.
Theo gia đình các học sinh, vào sáng 25/11, họ mua sushi được bày bán ở trước cổng trường. Sau khi ăn khoảng nửa giờ, các em có triệu chứng đau bụng, nôn ói và được đưa đến Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế Tp.Tây Ninh. Sau khi được điều trị, các em đã có biểu hiện tốt và được chuyển lên Khoa Nội nhi để tiếp tục theo dõi.
Đáng chú ý, trước đó, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng ghi nhận trường hợp hai em học sinh lớp 6 lên cơn co giật sau khi ăn kẹo người lạ cho tại cổng trường.
Hiện, vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm dịp cuối năm
Theo thông lệ vào những tháng cuối của năm, thị trường thực phẩm luôn sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Lợi dụng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng mạnh vào dịp này, một số cơ sở chế biến, kinh doanh hàng hóa thường tung ra thị trường các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...
Để bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, ngăn chặn thực phẩm “bẩn” tuồn ra thị trường, theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, từ nay đến cuối năm, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường. Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung công tác hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định. Tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường; kiên quyết yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm phải có các biện pháp khắc phục thì mới được tiếp tục hoạt động.
Bên cạnh việc tăng cường vai trò quản lý, giám sát việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm, theo ông Đặng Thanh Phong, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức trong dịp cuối năm. Cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông kịp thời thông tin tuyên truyền về các văn bản mới và thực trạng an toàn thực phẩm trên địa bàn. Cùng với đó, tôn vinh, quảng bá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn. Qua đó, nâng cao ý thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình.
Ðối với người tiêu dùng, nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Nói “không” với thực phẩm “bẩn” là cách mà người tiêu dùng góp phần loại bỏ những cơ sở làm ăn gian dối và tự bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình mình.