Thống kê giao dịch trên sàn HOSE tuần qua, chỉ số VN-Index có 1 phiên giảm điểm duy nhất ngày 11/10 và 4 phiên tăng điểm. Kết thúc cả tuần, VN-Index tăng 25,94 điểm, tương ứng tăng 2,5% so với cuối tuần trước, lên mức 1.061,85 điểm.
Thanh khoản trung bình mỗi phiên trong tuần qua đạt xấp xỉ so với tuần trước và ngang với mức trung bình 20 tuần gần nhất. Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch trên HOSE trong tuần qua đạt 2.909 triệu đơn vị, với tổng giá trị đạt 62.767 tỷ đồng, tương ứng tăng 3,2% về lượng và 2,8% về giá trị so với tuần trước đó.
Diễn biến sàn HOSE trong tuần qua từ 10-14/10
Tương tự, sàn HNX cũng có 1 phiên giảm ngày 11/10 và 4 phiên tăng. Kết thúc cả tuần, chỉ số HNX-Index tăng 1,8 điểm, tương ứng tăng 0,8% so với cuối tuần trước, lên mức 227,89 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HNX trong tuần qua đạt 300 tỷ đồng, tương ứng tổng giá trị đạt 4.748 tỷ đồng, giảm 3,5% về lượng và 11,4% về giá trị so với tuần trước.
Diễn biến sàn HNX trong tuần qua từ 10-14/10
Sau 5 tuần giảm điểm liên tiếp, VN-INDEX đã có sự hồi phục trở lại trong tuần qua để lấy lại một phần số điểm đã mất trước đó với thanh khoản vẫn được duy trì ở mức xấp xỉ trung bình 20 tuần gần nhất cho thấy cầu bắt đáy đã xuất hiện và dòng tiền có sự quay trở lại thị trường.
Tuy hồi phục khá tốt trong tuần qua, nhưng hiện VN-INDEX vẫn đang nằm dưới ngưỡng 1.110 điểm, tương ứng với trendline nối các đáy vào tháng 5 và tháng 7 với nhau. Do đó, VN-INDEX vẫn còn đối diện với rủi ro quay trở lại đà giảm.
Nhìn lại dự báo của các công ty chứng khoán tuần qua từ 10-14/10:
CTCK Tân Việt – TVSI đã có tuần không mấy thành công với những nhận định thiếu chuẩn xác và hầu hết đều khá trung lập.
Cụ thể, trong hầu hết các phiên giao dịch, TVSI đều có quan điểm rằng thị trường vẫn dễ lặp lại trạng thái hồi phục ngắn ngủi như từng xảy ra thời gian qua và cơ hội tạo đáy vẫn chưa xuất hiện. Trong khi trên thực tế, chỉ số VN đã có những phiên tăng khá mạnh trong nghi ngờ, giúp chỉ số VN-Index lấy lại mốc 1.060 điểm khi kết thúc tuần.
Đặc biệt là cú mất điểm khi TVSI dự báo phiên giao dịch giữa tuần ngày 12/10 rằng, chỉ số sẽ tiếp tục thử thách lại vùng hỗ trợ mạnh quanh 988-1.000, nhưng trên thực tế, thị trường đã hồi phục mạnh, lấy gần hết số điểm đã mất ở phiên trước đó và đóng cửa trên ngưỡng 1.030 điểm.
CTCK Rồng Việt – VDSC sau khi đưa ra 3 nhận định trung lập vào đầu tuần với quan điểm rằng thị trường chưa có tín hiệu chắc chắn cho một nhịp hồi phục – trong khi chỉ số VN-Index đã tăng mạnh trong phiên 10/10 và 12/10, ngược lại giảm sốc trong phiên 11/10 – đã tự tin hơn khi dự báo đúng về khả năng thị trường hồi phục ở 2 phiên cuối tuần ngày 13-14/10.
Theo đó, VDSC cho rằng, với tín hiệu hỗ trợ hiện tại, khả năng thị trường sẽ có nhịp hồi phục kỹ thuật với vùng cản đang là vùng gap 1.060-1.080 điểm.
Tương tự, CTCK MB – MBS nhận định đúng trong 2 phiên hồi phục ngày cuối tuần 13-14/10 khi cho rằng thị trường có thể củng cố thêm kỳ vọng cho nhà đầu tư về nhịp phục hồi của chỉ số về vùng GAP ở 1.062-1.073 điểm.
Bên cạnh đó, MBS cũng ghi điểm khi dự báo phiên mất điểm duy nhất trong tuần vào ngày 11/10 với quan điểm rằng, khả năng thị trường vẫn còn chịu sức ép.
Tuy nhiên, trong 2 phiên khởi sắc ngày 10/10 và 12/10, MBS lại nhận định thiếu chuẩn xác, điển hình phiên đảo chiều hồi phục lấy lại những gì đã mất ở phiên 11.10 thì công ty chứng khoán này lại cho rằng chỉ số VN-Index rất khó giữ ngưỡng 1.000 điểm.
Trong khi đó, CTCK Vietcombank – VCBS đã đưa ra 3 nhận định sai ở những ngày đầu tuần và 2 nhận định trung lập sau đó.
Cụ thể, trong khi thị trường tăng ở phiên 10/10 và 12/10, thì VCBS lại dự báo VN-Index tiếp tục giảm mạnh, thậm chí có thể lùi sâu xuống khu vực 900 điểm; trái lại, phiên đảo chiều giảm mạnh ngày 11/10 lại được kỳ vọng chỉ số này sẽ có nhịp phục hồi ngắn hạn.
Sau những thất bại trên, VCBS đã thận trọng hơn trong phiên 13-14/10, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư cần hạn chế mua đuổi và kiên nhẫn chờ đợi thị trường cho tín hiệu cân bằng rõ ràng hơn ở nhịp rung lắc tiếp theo, để hạn chế rủi ro nếu xuất hiện sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu với một số cổ phiếu phục hồi yếu hơn so với mặt bằng chung (bull trap).