Nhìn lại thương vụ mua Twitter 'nhanh như chớp' của Elon Musk

Chỉ 3 tuần sau khi thông báo nắm giữ hơn 9% cổ phần Twitter, Elon Musk đã đạt được thỏa thuận mua lại mạng xã hội này với giá 44 tỷ USD.

Twitter vừa thông báo HĐQT đã chấp nhận đề nghị bán lại mạng xã hội này với giá 44 tỷ USD cho CEO Tesla, Elon Musk. Trước đó, một số người từng hoài nghi tuyên bố muốn mua Twitter chỉ là "trò chơi truyền thông" của tỷ phú giàu nhất thế giới.

Dưới đây là những cột mốc quan trọng trong 3 tuần tìm cách kiểm soát công ty - do tỷ phú Jack Dorsey đồng sáng lập - của Elon Musk:

Ngày 4/4: Elon Musk thông báo nắm hơn 9% cổ phần Twitter

Hôm 4/4, Elon Musk công bố ông đang nắm giữ 9,2% cổ phần Twitter và là cổ đông cá nhân lớn nhất của mạng xã hội Mỹ. Thông tin trên khiến cổ phiếu Twitter tăng 27% - mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ khi công ty IPO vào năm 2013. 

Trước đó, tỷ phú 50 tuổi đã thăm dò ý kiến của hơn 80 triệu người theo dõi trên Twitter xem nền tảng này có tuân thủ các nguyên tắc tự do ngôn luận hay không. Sau khi hơn 70% người tham gia khảo sát trả lời “Không”, Musk nói ông đang suy nghĩ nghiêm túc về việc tạo ra một mạng xã hội mới.

Trên thực tế, CEO Tesla đã âm thầm mua cổ phiếu Twitter gần như hàng ngày từ cuối tháng 1.

Ngày 10/4: CEO Parag Agrawal xác nhận Musk không vào HĐQT

Trên tài khoản cá nhân, CEO Twitter Parag Agrawal cho biết đã gửi đề nghị đến Elon Musk, nhưng tỷ phú giàu nhất thế giới từ chối tham gia HĐQT. 

"Musk sẽ không là thành viên hội đồng quản trị", Agrawal cho biết. "Tôi tin quyết định này là tốt nhất. Chúng tôi đã và sẽ luôn coi trọng ý kiến đóng góp từ các cổ đông, dù họ có thuộc hội đồng quản trị hay không. Elon là cổ đông lớn nhất của Twitter và chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của ông ấy".

em-trai-elon-musk-anh-to-i-kho-3091-2861

CEO Tesla đã âm thầm mua cổ phiếu Twitter gần như hàng ngày từ cuối tháng 1. Ảnh: Reuters

Ngày 12/4: Cổ đông Twitter kiện Elon Musk vì "mua chui" cổ phiếu

CEO Tesla đối mặt với vụ kiện từ một số cựu cổ đông của Twitter. Những người này cho rằng Musk đã chậm trễ trong việc công bố thông tin mua cổ phần theo quy định - khiến họ bỏ lỡ cơ hội hưởng lợi từ sự tăng giá cổ phiếu.

Trong một đơn kiện tập thể nộp lên tòa án liên bang tại Manhattan ngày 12/4, Marc Bain Rasella cho biết ông đại diện cho các cổ đông Twitter nắm giữ cổ phiếu từ ngày 24/3 - thời điểm số cổ phần của Musk vượt ngưỡng 5% - đến ngày 1/4.

Các nhà đầu tư cho rằng việc hoãn công bố thông tin giúp CEO Tesla có thể mua thêm cổ phiếu Twitter với giá rẻ, đồng thời “lừa” họ bán cổ phiếu với mức giá “thấp giả tạo”. Đơn kiện cũng cáo buộc Musk đã “công bố thông tin sai lệch và thiếu sót nghiêm trọng”.

Theo luật của Mỹ, nhà đầu tư phải công bố thông tin về việc họ mua từ 5% cổ phần trở lên tại một công ty trong vòng 10 ngày. Với trường hợp của Musk, ông phải công bố thông tin trước ngày 24/3 nhưng đến ngày 4/4, tỷ phú 50 tuổi mới làm điều này. 

Ngày 14/4: Elon Musk đưa ra đề nghị mua Twitter

Musk cho biết ông đã đưa ra lời đề nghị "tốt nhất và cuối cùng" để mua lại mạng xã hội Twitter. Người giàu nhất thế giới đề nghị trả 54,2 USD cho mỗi cổ phiếu và trả bằng tiền mặt. CEO Tesla khẳng định việc mua mạng xã hội này không nhằm vào khía cạnh kinh doanh, mà để đảm bảo Twitter là nền tảng đáng tin cậy cho nền dân chủ.

Ngày 15/4: HĐQT Twitter cho biết sẽ áp dụng chiến thuật phòng thủ "thuốc độc"

Hội đồng quản trị Twitter thông qua cơ chế "thuốc độc" để ngăn CEO Tesla thâu tóm công ty. Chiến thuật này cho phép các cổ đông hiện hữu có quyền mua lại cổ phiếu với mức giá rẻ hơn trên thị trường, với mục đích pha loãng cổ phiếu của bên có ý định thâu tóm.

"Thuốc độc" của Twitter có hiệu lực nếu một nhà đầu tư mua hơn 15% cổ phiếu mà không có sự đồng ý của hội đồng.

1x-1-6458-1650942624.jpg

HĐQT Twitter từng cho biết sẽ áp dụng chiến thuật phòng thủ "thuốc độc". Ảnh: Bloomberg

Ngày 21/4: Elon Musk thông báo đã huy động được 46,5 tỷ USD

Theo tài liệu nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) hôm 21/4, Musk khẳng định đã có đủ giấy tờ cam kết hỗ trợ vốn để mua Twitter, với 25,5 tỷ USD vay từ Morgan Stanley và một số tổ chức tài chính khác, cùng 21 tỷ USD tiền túi.

Theo tính toán của Bloomberg, dựa trên số nợ mà Musk vay để thực hiện thương vụ, ông có thể phả trả lãi khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, trong trường hợp giá cổ phiếu Tesla giảm, ông sẽ buộc phải đưa thêm cổ phiếu làm tài sản thế chấp.

Ngày 24/4: HĐQT Twitter cân nhắc lại đề nghị của Elon Musk

The Wall Street Journal cho biết Twitter xem xét lại mức giá Elon Musk đưa ra và cân nhắc việc đàm phán với tỷ phú này. HĐQT công ty cũng có kế hoạch gặp Musk để thảo luận. 

Ngày 25/4: HĐQT Twitter chấp nhận đề nghị của Elon Musk

HĐQT Twitter đồng ý bán công ty cho Musk với giá 54,2 USD/cổ phiếu, cao hơn 38% so với giá cổ phiếu trong phiên giao dịch đóng cửa ngày 1/4. Thương vụ dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay và sẽ đưa Twitter thành công ty tư nhân. Cổ phiếu mạng xã hội Mỹ tăng gần 6% sau khi công bố thỏa thuận, dao động quanh mức 51,84 USD. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn phải chờ sự chấp thuận của các cổ đông và cơ quan quản lý.