Những biến thể SARS-CoV-2 gây lo ngại nhất ngoài Delta

Ngoài biến thể Delta, các nhà khoa học vẫn đang theo dõi một số biến thể khác của virus SARS-CoV-2.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên cho các biến thể của virus SARS-CoV-2 dựa trên bảng chữ cái Hy Lạp. Hiện các nhà khoa học đang tập trung vào biến thể lây lan nhanh chóng Delta nhưng cũng "để mắt" tới một số biến thể khác như Lambda, Mu...

Biến thể Delta

Biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ vẫn là biến thể gây lo ngại nhất hiện nay. Nó đang lây nhiễm mạnh cho nhóm dân số chưa được tiêm phòng ở nhiều quốc gia cũng như có tỉ lệ lây nhiễm cho nhóm dân số đã tiêm phòng cao hơn các biến thể trước đó.

WHO phân loại Delta là biến thể đáng lo ngại, có thể tăng khả năng lây nhiễm, gây bệnh nặng hơn hoặc giảm tác dụng của vắc-xin và phương pháp điều trị.

Biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ vẫn là biến thể gây lo ngại nhất hiện nay. Ảnh: Reuters

Theo chuyên gia virus Shane Crotty tại Viện Miễn dịch học La Jolla (TP San Diego - Mỹ), sức mạnh của biến thể Delta chính là khả năng lây nhiễm của nó. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện ra rằng những người bị nhiễm Delta mang virus trong mũi nhiều gấp 1.260 lần so với bản gốc.

Một số nghiên cứu của Mỹ chỉ ra rằng tải lượng virus SARS-CoV-2 có trong cơ thể bệnh nhân Covid-19 (đã tiêm vắc-xin) bị nhiễm Delta ngang bằng với những người chưa được tiêm vắc-xin.

Trong khi bản gốc virus SARS-CoV-2 mất tới 7 ngày để gây ra các triệu chứng, biến thể Delta có thể gây ra các triệu chứng nhanh hơn, từ 2-3 ngày, khiến cơ thể ít có thời gian tạo miễn dịch và hệ thống phòng thủ.

Biến thể Lambda

Biến thể Lambda thu hút sự chú ý của các nhà khoa học như một mối đe dọa mới tiềm tàng. Biến thể này lần đầu tiên được xác định ở Peru vào tháng 12 năm ngoái.

Các trường hợp nhiễm Lambda gia tăng vào tháng 7 vừa qua và chỉ giảm trên toàn cầu trong 4 tuần rồi, theo thống kê của Sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID.

WHO phân loại Lambda là biến thể đáng quan tâm, nghĩa là nó mang đột biến có thể làm thay đổi nguy cơ lây nhiễm hoặc gây bệnh nặng hơn nhưng vẫn đang được xem xét thêm. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy biến thể Lambda có đột biến chống lại kháng thể do vắc-xin tạo ra.

Biến thể Mu

Biến thể Mu, còn được gọi là B.1.621, xuất hiện lần đầu tiên ở Colombia hồi tháng 1 năm nay. Vào ngày 31-8, WHO phân loại Mu là biến thể đáng quan tâm do một số đột biến trên biến thể này.

Biến thể Mu mang các đột biến bao gồm E484K, N501Y và D614G, có thể tăng khả năng lây nhiễm và giảm sự bảo vệ của hệ thống miễn dịch. Bản tin của WHO công bố hồi tuần trước cho thấy biến thể Mu là nguyên nhân gây ra một số cụm dịch lớn hơn ở Nam Mỹ và châu Âu.