Soi lãi dự thu 'khủng' của các ngân hàng PVcomBank, Sacombank và SCB

PVcomBank, Sacombank và SCB là 3 ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu, song chất lượng lợi nhuận cũng như lãi, phí dự thu lại khá ngược chiều nhau.

Theo thống kê, tại thời điểm 30/6/2021, tổng lãi dự thu của 3 ngân hàng này ghi nhận ở mức hơn 107.700 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 1% so với đầu kỳ.

Trong đó, đáng chú ý là lãi dự thu tại Sacombank giảm mạnh 19,7% về còn 14.051 tỷ đồng và chỉ gấp hơn 7,3 lần lợi nhuận sau thuế 6 tháng 2021.

Trong khi đó, cho vay khách hàng của Sacombank lại tăng 6% lên mức 361,109 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2021.

Lãi dự thu giảm nhưng tín dụng vẫn tăng, cho thấy Sacombank đã có những tín hiệu khả quan trong việc kiểm soát chất lượng cho vay và xử lý các khoản phải thu có vấn đề để ra kết quả tích cực.

Sacombank cho biết đã thu hồi nợ xấu và xử lý tài sản tồn đọng với doanh số 6,612 tỷ đồng trong 6 tháng 2021.

Do đó, tổng nợ xấu của Sacombank tính đến ngày 30/6/2021 giảm 3% so với đầu năm, chỉ còn 5,609 tỷ đồng. Trong đó, có sự dịch chuyển từ nợ nghi ngờ (-55%) sang nợ dưới tiêu chuẩn (+170%). Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ 1.7% xuống còn 1.55%.

Ngược lại với Sacombank, ở PVcomBank lại cho thấy điều đáng quan ngại khi lãi dự thu tăng hơn 10,4% lên con số 21.177 tỷ đồng và gấp tới gần 400% lợi nhuận sau thuế mà nhà băng này đạt được trong 6 tháng đầu năm.

Cho vay khách hàng của PVcomBank ghi nhận tăng 6,5% lên mức 89.825 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2021.

Do lãi dự thu tăng mạnh nên nợ đủ tiêu chuẩn của PVcomBank cũng tăng 6,6% lên hơn 86.078 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ ghi ngờ còn tăng mạnh hơn với gần 15% lên 824 tỷ đồng, còn nợ có khả năng mất vốn tăng nhẹ hơn 2% với 1.184 tỷ đồng.

Do đó, tỷ nợ xấu của PVcomBank vẫn tăng gần 5% lên 2.473 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,05% so mức 3,1% của đầu kỳ.

Trong khi trước đó, PVcomBank cho biết, lũy kế đến 31/12/2020 tính theo giá trị thu hồi/xử lý nợ, Ngân hàng đã đạt 63,6% kế hoạch đặt ra.

Còn với SCB, mặc dù là nhà băng ghi nhận lãi dự thu cao nhất với 72.515 tỷ đồng, song SCB lại kiểm soát khá tốt khi hầu như không ghi nhận tăng trưởng so đầu kỳ và cũng chỉ gấp 174% so lợi nhuận sau thuế 6 tháng.

Trong khi đó, cho vay khách hàng của SCB vẫn tăng khá 3% lên con số 360,406 tỷ đồng.

Do SCB không công bố đầy đủ thuyết minh báo cáo tài chính 6 tháng 2021 nên các chỉ số về chất lượng nợ vay không biết như thế nào. Song, khi lãi dự thu đi ngang nhưng lợi nhuận vẫn tăng bằng lần (6,6 lần cùng kỳ) thì cho thấy lãi dự thu của SCB ít tác động tới lợi nhuận của ngân hàng.

PVcomBank, Sacombank và SCB đều có lãi dự thu ở mức khủng

Lãi dự thu là khoản lãi ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lãi (bao gồm cho vay khách hàng). Mặc dù ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, song vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập của ngân hàng và từ đó tạo ra lợi nhuận.

Khoản lãi dự thu này được ngân hàng cho vào nợ nhóm 1. Bởi các khoản nợ khi bắt đầu chuyển sang nhóm 2 trở đi sẽ xuất hiện rủi ro về khả năng thu hồi.

Những ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu càng được quan tâm hơn về biến động của khoản lãi dự thu.

Cũng cần lưu ý, những tổ chức đang trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu và được NHNN cho phép phân bổ dần số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng trong khoảng 5 - 10 năm.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, NHNN vừa ban hành Thông tư 14 sửa đổi bổ sung Thông tư 01, cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh trước ngày 1/8 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến 30/6/2022.

Quy định mới này cũng giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra đối với hệ thống ngân hàng, đồng thời tránh bớt tình trạng lãi ảo của các nhà băng.