Những chuyện bất thường tại TTC - Biên Hòa

28/11/2020 11:28

Trong các số báo 1130 (ngày 12-11) và 1131 (ngày 16-11), Thời Nay đã có bài “Mía đắng” phản ánh việc một số doanh nghiệp mía đường trong nước không tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mà lại đẩy mạnh nhập khẩu đường thô, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng chục nghìn hộ dân trồng mía.

Sau khi bài đăng, chúng tôi tiếp tục nhận được một số ý kiến phản ánh, chỉ ra bất cập trong hoạt động của doanh nghiệp mía đường, trong đó có nhiều chuyện bất thường trong hoạt động đầu tư, kinh doanh ở Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC - Biên Hòa). 

Nhiều nhà máy đường ngưng sản xuất

Liên quan việc ký kết hợp đồng giữa TTC - Biên Hòa với các hộ dân trồng mía ở Tây Ninh niên vụ 2016 - 2017, 2017 - 2018 và hợp đồng có thời hạn ba năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng: “Bản chất đây là hợp đồng được ký kết để hợp tác giữa TTC - Biên Hòa với người trồng mía Tây Ninh để cùng đầu tư phát triển cây mía phục vụ hoạt động sản xuất của nhà máy. Trong đó, phía TTC - Biên Hòa cam kết “giá thu mua mía bảo hiểm thấp nhất là 900 nghìn đồng/tấn mía có chữ đường 10 CCS, chưa bao gồm phí vận chuyển”, có nghĩa vào vụ thu hoạch, giá mía có thấp đến đâu thì doanh nghiệp cũng phải bảo hiểm trả đủ cho người dân với giá 900 nghìn đồng/tấn. Việc nhà máy vào vụ chỉ trả cho người trồng mía 700 nghìn đồng/tấn là không đúng với bản chất nội dung hợp đồng đã ký”. 

Trên thực tế, ngay tại TTC - Biên Hòa, do thiếu nguyên liệu cho sản xuất và chỉ tập trung nhập khẩu đường thô, hàng loạt nhà máy đường của chính tập đoàn này đã phải đóng cửa, ngưng sản xuất. Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, những năm gần đây liên tục có nhiều nhà máy mía đường phải đóng cửa, ngưng sản xuất. Niên vụ 2019 - 2020, trong danh sách 36 nhà máy đường thì có bảy nhà máy tạm dừng sản xuất, trong đó có ba nhà máy thuộc nhóm công ty thành viên của TTC - Biên Hòa. Cụ thể là các nhà máy Biên Hòa - Trị An, Biên Hòa - Tây Ninh và Nhà máy Nước Trong. Niên vụ 2020 - 2021, ngoài bốn nhà máy của TTC - Biên Hòa không có kế hoạch sản xuất thì có thêm bốn nhà máy thuộc Hiệp hội Mía đường Việt Nam tạm ngưng hoạt động. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện cả ba nhà máy của TTC - Biên Hòa đang được thanh lý theo dạng phế liệu. 

Một trong những nguyên lý cơ bản đối với một nhà máy sản xuất, chế biến đường là phải gắn với vùng nguyên liệu. Thực tế, đã có hàng loạt nhà máy đóng cửa mà nguyên nhân chính là phát triển vùng nguyên liệu không phù hợp, dẫn đến không có mía để sản xuất. Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCB Việt Nam (chuyên gia mía đường người Ấn Độ) cho rằng: “Không có vùng nguyên liệu thì nhà máy cũng chỉ là đống sắt vụn”. Về nguyên tắc, vùng nguyên liệu của nhà máy đường chỉ trong vòng bán kính khoảng 50 km là phù hợp. Nếu đầu tư quá xa, chi phí vận chuyển quá lớn thì nhà máy sẽ khó mà chịu nổi về giá thành, chi phí sản xuất. 

Niên vụ 2019 - 2020, không chỉ diện tích mía giảm mà do khó khăn về thời tiết nhiều vùng trồng mía bị mất mùa, năng suất thấp. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, không ít nhà máy đã phải chấp nhận chi phí cao, thu mua mía ngoài vùng nguyên liệu đã ký kết với giá cạnh tranh hơn. Do đó, đã xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán mía nguyên liệu, ảnh hưởng lớn đến các nhà máy mía đường khác. Đơn cử, Công ty CP Đường Việt Nam (Vietsugar) phải tăng cường thu mua mía ở các tỉnh lân cận như ở huyện Sông Hinh (Phú Yên); huyện M’Đrăk (Đắk Lắk)... những nơi có khoảng cách với nhà máy từ 120 đến 150 km. Giá thu mua mía cao cộng các loại chi phí lớn, nên khi đưa vào sản xuất giá đường thành phẩm của Vietsugar nhiều thời điểm cao hơn giá đường trên thị trường. Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M’Đrăk cho biết: “Giá mía trong vụ 2019 - 2020 trung bình từ 850 - 900 nghìn đồng/tấn. Thời kỳ cao điểm Vietsugar chấp nhận giá mua lên đến một triệu đồng/tấn, nhưng các đơn vị khác chỉ phải mua 890 nghìn đồng/tấn”.

Dấu hiệu chiếm dụng hàng trăm ha đất

Không chỉ bất thường trong việc nhập khẩu đường thô về sản xuất, kinh doanh đẩy người dân trồng mía vào cảnh khó khăn, mà tại Công ty TNHH MTV đường Biên Hòa - Ninh Hòa (TTC - Ninh Hòa), (trước đây là Công ty CP Đường Ninh Hòa) đã được TTC - Biên Hòa hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phiếu vào ngày 30-10-2015 còn có dấu hiệu lập lờ chính sách cánh đồng lớn để chiếm dụng hàng trăm ha đất công (?). 

Ngày 5-10-2010, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) cho Công ty CP Bò giống Miền Trung (Công ty Bò giống) để thực hiện dự án đầu tư và kinh doanh bò thịt chất lượng cao (DA bò thịt). DA có quy mô 3.200 con bò, diện tích 250,8 ha tại xã Ninh Sim và Ninh Tây, huyện Ninh Hòa, tổng vốn đầu tư hơn 34,5 tỷ đồng; trong đó vốn góp thực hiện DA là 11,7 tỷ đồng, thời gian 20 năm. Theo đó, ngày 24-3-2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký ba hợp đồng cho Công ty Bò giống thuê tổng diện tích hơn 3.940.000 m² đất (hơn 394 ha đất), trong đó có 3.924.732,2 m² được tính từ ngày 15-3-2010 đến 15-3-2030 với giá 35 đồng/m²/năm. 

Thế nhưng, DA không được thực hiện mà Công ty Bò giống để nhiều hộ dân chiếm dụng đất, TTC - Ninh Hòa thuê lại trồng mía. Ngày 23-4-2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Thông báo số 191/TB-UBND về xử lý kết luận thanh tra việc quản lý sử dụng đất tại Công ty Bò giống và xác định công ty cho thuê lại, để chiếm dụng đất trồng mía là vi phạm Luật Đất đai 2003 và không đúng với mục tiêu của DA. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu công ty chấm dứt hành vi nêu trên trước ngày 31-12-2014 và rà soát đánh giá lại quy mô sử dụng đất, hiệu quả đầu tư, khả năng tài chính, tái cấu trúc lại DA để bảo đảm hoạt động có hiệu quả, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-6-2015. 

Nhưng sau đó, yêu cầu nêu trên của UBND tỉnh Khánh Hòa không được thực hiện. Ngày 31-5-2016, UBND tỉnh Khánh Hòa lại có Quyết định số 1493/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án xây dựng cánh đồng lớn sản xuất mía đường tại vùng nguyên liệu mía thị xã Ninh Hòa (DA cánh đồng lớn). Chủ đầu tư DA là TTC - Ninh Hòa, với tổng diện tích 272,24 ha, địa điểm là vùng mía Công ty Bò giống với 194,68 ha; vùng mía cánh đồng Suối Mơ là 77,56 ha. Vốn đầu tư DA là hơn 24,4 tỷ đồng, trong đó TTC - Ninh Hòa là hơn 14 tỷ đồng; người trồng mía hơn 3,3 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn bảy tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2016 đến 2024. 

Ở DA nêu trên, có dấu hiệu TTC - Ninh Hòa đã lợi dụng chính sách cánh đồng lớn để chiếm dụng hàng trăm ha đất nhà nước (?). Thực tế, ngày 10-1-2018, UBND tỉnh Khánh Hòa có Văn bản số 325/UBND-VP gửi TTC - Ninh Hòa về việc vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2018 cho DA cánh đồng lớn, đã đồng ý với ý kiến của Sở Tài chính cấp vốn ngân sách năm 2018 để tiếp tục đầu tư xây dựng cơ bản dự án nêu trên. Theo Văn bản số 5107/STC-TCDN ngày 29-12-2017 của Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa thì dự toán ngân sách năm 2017 được duyệt (đầu tư công đợt I) cho dự án là hai tỷ đồng và tại thời điểm này đang làm thủ tục giải ngân hơn 1,34 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 15-6-2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Khánh Hòa mới có Văn bản số 1844/SKHĐT-DN gửi Công ty Bò giống về việc báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ đã quy định tại GCNĐT. Theo văn bản này, DA bò thịt đã vi phạm quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 48 của Luật Đầu tư nên phải chấm dứt hoạt động và thu hồi GCNĐT; Sở KH&ĐT chưa nhận được báo cáo tình hình thực hiện DA bò thịt; sở yêu cầu nhà đầu tư báo cáo tình hình thực hiện dự án từ khi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thực hiện dự án cho đến thời điểm hiện tại, trong đó làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ và gửi báo cáo về sở trước ngày 25-6-2018 để sở xem xét, thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư. 

Đến ngày 13-11-2018, Sở Tài nguyên và Môi trường mới có văn bản báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa về kết quả kiểm tra việc sử dụng đất Công ty Bò giống. Trước đó, ngày 4-7-2018, Công ty Bò giống có báo cáo về tình hình thực hiện “DA bò thịt”, theo đó: xin phép điều chỉnh mục tiêu, quy mô và tiến độ của “DA bò thịt” với quy mô nhỏ và phù hợp với thị trường bò hiện nay; đồng thời bổ sung mục tiêu sản xuất mía chất lượng cao theo Quyết định số 1493/QĐ-UBND ngày 31-5-2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt “DA cánh đồng lớn”. Trong đó, Công ty Bò giống xin đề xuất chuyển mục tiêu sản xuất chính trong DA bò thịt sang trồng mía giống chất lượng cao với diện tích 257 ha (hiện đang trồng mía), trong đó có diện tích 194,68 ha tham gia “DA cánh đồng lớn”.  

Bạn đang đọc bài viết "Những chuyện bất thường tại TTC - Biên Hòa" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP - DOANH NHÂN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#