Những dấu hiệu chỉ điểm ca bệnh liên quan đậu mùa khỉ

Việt Nam ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có các nhận biết ca nghi nhiễm bệnh.

Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ vào năm 1958, trường hợp mắc bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Công Gô.

Bệnh có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần gũi, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày (thường từ 6 đến 13 ngày). Bệnh đậu mùa khỉ có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to.

dau-mua-khi-1664787593.jpg Một số động vật có thể bị lây nhiễm virus gây đậu mùa khỉ BỘ Y TẾ

 

Vừa qua, một số quốc gia gần Việt Nam như Thái Lan, Singapore đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập.

Theo báo cáo từ Tổ chức Y tế thế giới, đến ngày 26.8, trên thế giới đã có hơn 45.000 người mắc bệnh và 12 người tử vong, tại 96 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Việt Nam, sáng nay 3.10, tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, tại thành phố đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên và Sở đã báo cáo Bộ Y tế. Mọi thông tin liên quan ca bệnh đang chờ Bộ Y tế công bố chính thức.

Trước đó, ngày 22.8, Bộ Y tế có Quyết định số 2265/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ (hướng dẫn).

Theo hướng dẫn, trường hợp bệnh nghi ngờ ca bệnh đậu màu khỉ (trường hợp bệnh giám sát): là trường hợp có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai...) và có một hoặc nhiều triệu chứng sau: đau đầu, sốt (trên 38,5 độ C), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể, mệt mỏi.

Ngoài các yếu tố trên, ca nghi nghờ có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau: trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh; trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có quan hệ với nhiều bạn tình.

Vừa qua, để giám sát phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đề nghị các sở y tế tập trung chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Các cơ sở y tế tăng cường giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ (theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới). Khi phát hiện, báo cáo ngay sở y tế để phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ, viện pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.

Các viện vệ sinh dịch tễ, viện pasteur chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Chủ động phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ và các tổ chức quốc tế khác để cập nhật thông tin về giám sát, điều tra ca bệnh, kỹ thuật chẩn đoán và đề xuất hỗ trợ các sinh phẩm phục vụ giám sát, chẩn đoán xác định bệnh đậu mùa khỉ.

Các biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn

thông thường.

Che miệng khi ho, hắt hơi.

Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.

Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách

ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.

(Nguồn: Bộ Y tế)