Ðược dự báo là một năm sẽ nhiều khó khăn, thách thức hơn thời cơ, thuận lợi nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có nền tảng để hướng tới mức tăng trưởng khá cao so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới là 6,5%.
Những tin vui đầu năm
Trong những ngày cuối cùng của năm 2022, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và du lịch, lữ hành, hàng không đón tin vui Trung Quốc mở cửa biên giới vào ngày 8/1/2023 sau khi hạ cấp độ phòng, chống dịch COVID-19.
Thông tin của năm cũ nhưng là niềm vui của năm mới vì đối với ngành hàng không và du lịch, Trung Quốc là thị trường trọng điểm. Trước đại dịch COVID-19, mỗi tuần có khoảng 600 chuyến bay giữa hai nước, kết nối 48 điểm đến tại Trung Quốc và năm điểm đến tại Việt Nam với tổng dung lượng vận chuyển đạt 7,5 triệu lượt khách mỗi năm.
Tỷ lệ du khách Trung Quốc chiếm khoảng hơn 32% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong khi tỷ lệ các chuyến bay đến Trung Quốc chiếm khoảng 25% sản lượng khai thác của các hãng hàng không nội địa. Kể từ khi bùng phát dịch COVID-19, các đường bay đến và đi từ Trung Quốc giảm dần tần suất và đóng cửa ngay từ đầu năm 2020 cho đến tháng 12/2022 mới mở lại từng phần với tần suất khoảng hơn 20 chuyến/tuần.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tăng tần suất khai thác đến Trung Quốc ngay khi thị trường này mở cửa vì đây là thị trường truyền thống, đem lại doanh thu lớn cho hãng. Ðối với hãng hàng không mới như Vietravel Airlines cũng đã có định hướng kế hoạch để khai thác thị trường này.
Tương tự, việc Trung Quốc tuyên bố mở cửa sau khi chuyển hướng chống dịch cũng đem lại tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Thống kê nhận định: Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 dự báo gặp nhiều khó khăn do sự suy giảm tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam nhưng có thể bù đắp được nếu khai thác tốt cơ hội đến từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs).
Ðặc biệt, nền kinh tế Trung Quốc mở cửa sẽ là cơ hội lớn cho xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng và lương thực, thực phẩm của Việt Nam. Bên cạnh đó, dòng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam gia tăng trở lại sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ tại chỗ cho ngành thương mại và du lịch.
Tin vui khác trong những ngày đầu tiên của năm mới là Bộ Giao thông vận tải khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025. Ðây là dự án liên kết nhiều nhất với các tỉnh, thành phố, cảng biển, sân bay và là hành lang kinh tế quan trọng nhất trong các trục vận tải bắc-nam của đất nước.
Thông thường với các dự án quan trọng quốc gia (dự án nhóm A) thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục cần tối thiểu hai năm để hoàn thành các khâu từ phê duyệt chủ trương đầu tư đến khởi công. Nhưng dự án cao tốc bắc-nam được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù và Chính phủ quyết liệt triển khai cho nên đã rút ngắn được một nửa thời gian chuẩn bị đầu tư nhằm sớm đi vào hoạt động, tạo sức lan tỏa cho tăng trưởng ngay trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch.
Cơ hội trong thách thức
TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia nhận định, khi tiêu dùng đã có dấu hiệu chậm lại, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh về vốn thực hiện nhưng chưa phục hồi ở vốn đăng ký mới thì đầu tư công vẫn là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Tổng vốn từ ngân sách nhà nước bố trí cho kế hoạch đầu tư cả năm lên đến hơn 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025). Ðây cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Nhận diện các động lực cho mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023, Phó Tổng cục trưởng Thống kê Lê Trung Hiếu nhắc đến ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Các ngành này không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước mà còn khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Ðối với ngành công nghiệp, mặc dù, có dấu hiệu sụt giảm trong quý IV/2022, nhưng một số ngành công nghiệp chế biến vẫn duy trì được mức tăng trưởng của chỉ số sản xuất khá tốt, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ thị trường dự báo sẽ tiếp tục đóng góp lớn vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ nói chung nhờ sự phục hồi ấn tượng của ngành du lịch, đặc biệt đối với du lịch nội địa dự kiến tăng gấp gần ba lần so với cùng kỳ sẽ kéo theo các hoạt động du lịch lữ hành, vận tải kho bãi, lưu trú ăn uống, bán buôn bán lẻ tăng trưởng mạnh và trở về mức như trước đại dịch.
"Cầu tiêu dùng hồi phục sau đại dịch và được hỗ trợ tối đa từ nhu cầu du lịch trong nước tăng mạnh cũng tiếp tục là yếu tố đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội thông qua đẩy mạnh và điều chỉnh có hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế trong năm 2023; lạm phát được kiểm soát là yếu tố giúp cho kinh tế Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng tốt", ông Lê Trung Hiếu phân tích.
Thông tin đáng chú ý là hiện nay, việc các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất đồng thời với quá trình điều phối nhịp nhàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang mở ra kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ dần hạ nhiệt.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kịp thời phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, bất cập để triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NÐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ðồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; tập trung tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, không để thiếu vốn cho nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Ðây là thông tin được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm và giới chuyên gia kinh tế dự báo lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý II/2023, tình hình sẽ dần thuận lợi hơn.