Những khoản nợ hàng trăm, ngàn tỷ rao mãi không ai mua của BIDV

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang liên tục rao bán loạt khoản nợ lên tới trăm, ngàn tỷ từ năm này qua năm khác nhưng vẫn không ai mua, thậm chí có khoản nợ được rao tới hơn 40 lần.

Lâu đời nhất chính là khoản nợ của CTCP Thúy Đạt được BIDV đang đưa ra đấu giá lần thứ 43 bao gồm nhà xưởng, nhà điều hành, dây chuyền sản xuất… với giá khởi điểm hơn 86 tỷ đồng gần đây nhưng vẫn không nhà đầu tư nào mặn mà.

Hay khoản nợ gần 500 tỷ từ CTCP Kiến trúc và Xây dựng Archplus của ông Trương Việt Bình vừa tiếp tục được BIDV rao bán lần thứ 9 với mức đại hạ giá chỉ 257 tỷ đồng. Khoản nợ này có tài sản bảo đảm là hơn 1.431 m2 đất tại số 545 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội; 30 triệu cổ phần của ông Trương Việt Bình tại CTCP Thời trang NEM hay bảo lãnh thanh toán của Thời trang NEM.

Cũng là khoản nợ hàng trăm tỷ được BIDV rao bán lần thứ 6, nhóm Công ty TNHH XD và KD nhà Bách Giang, Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên thế chấp tài sản bảo đảm là dự án Khu dân cư phường Phước Long A, quận 9, TPHCM. Tổng giá trị khoản nợ là hơn 244 tỷ đồng và được BIDV rao bán với mức giá gần 281 tỷ đồng nhưng vẫn chưa thấy có động tĩnh gì.

Đáng nói, khoản nợ tới 1.035 tỷ đồng của CTCP Tập đoàn Khải Vy được BIDV hạ giá hết sức xuống còn 693 tỷ đồng trong lần đấu giá thứ 6 vừa qua. Khoản nợ này có tài sản đảm bảo khá đa dạng gồm tòa nhà Crystal Palace (TPHCM), 367 ha rừng trồng, 6 xe ô tô các loại, hơn 8,7 triệu cổ phần CTCP Hòn Tằm (Nha Trang), nhà máy và máy móc thiết bị sản xuất đồ gỗ….

Hay gần đây nhất là khoản nợ 475 tỷ đồng được rao bán lần 2 của Công ty TNHH Thép Việt Nga được rao bán với giá 427 tỷ đồng, vẫn thấp hơn tổng dư nợ. Tài sản đảm bảo là loạt bất động sản ở Bình Chánh, Tân Bình (TPHCM), và Long An.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngân hàng mẹ BIDV báo lãi trước thuế 7.582 tỷ đồng, tăng trưởng 82% so với cùng kỳ năm trước và đạt 58% chỉ tiêu kế hoạch năm.

Tính đến 30/6/2021, tổng dư nợ cho vay khách hàng của BIDV đạt 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 7,1% so với thời điểm hồi đầu năm. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là nguồn thu chính chỉ tăng nhẹ 2,9%, đạt 42.780 tỷ đồng.

Trong kỳ, BIDV đã dùng 6.541 tỷ đồng từ nguồn dự phòng để mạnh tay xử lý nợ xấu, tăng hoàn nhập và cải thiện lợi nhuận.

Lợi nhuận BIDV tăng mạnh chủ yếu do ngân hàng tận dụng được nguồn vốn huy động rẻ, tăng thu từ dịch vụ và mạnh tay xử lý nợ xấu. Trong khi, việc tăng tổng tài sản, tăng dư nợ tín dụng của BIDV vẫn chưa hiệu quả và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nợ xấu vẫn còn tương đối lớn, đặc biệt là các khoản nợ tiềm ẩn nằm ngoài bảng cân đối kế toán lên tới 301.152 tỷ đồng, tăng tới 44.920 tỷ đồng (17,5%).