Những "lỗ hổng" trong ngành bảo hiểm nhân thọ

Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) được xem như một trong những ngành kinh doanh có vẻ chặt chẽ nhất về pháp lý và các nội dung khác có liên quan. Tuy nhiên, ngành này lại tồn tại những "lỗ hổng" đáng e ngại.

Những "lỗ hổng" trong ngành bảo hiểm nhân thọ

 

Không phải từ vụ việc tư vấn viên giả mạo chữ ký để rút tiền khách hàng xảy ra thời gian gần đây, người ta mới băn khoăn về tính chặt chẽ của ngành BHNT. Thật ra, việc tư vấn viên giả mạo chữ ký khách hàng cũng là chuyện không hề hiếm gặp.

Cụ thể, tư vấn viên vì quen biết với ngân hàng, nên lập một hồ sơ mở tài khoản cho khách hàng mà khách hàng không cần phải trực tiếp đến ngân hàng theo quy định. Từ việc quản lý được tài khoản và có cả thẻ ATM của khách hàng, các giao dịch yêu cầu của khách hàng với công ty BHNT lại được tư vấn viên BHNT "ký thay". Trong câu chuyện này, cả ngân hàng và công ty BHNT đều có phần sơ suất. Việc mở tài khoản mà khách hàng, nếu bằng phương thức eKYC thì không nói làm gì, nhưng bằng phương thức trực tiếp mà không đến trực tiếp để xác nhận nhân thân và chữ ký rõ ràng là ngân hàng đang làm sai quy định về mở và giao dịch tài khoản. Còn các Công ty BHNT căn cứ chữ ký, số tài khoản đúng tên mà chuyển tiền và không có cơ chế kiểm tra kiểm soát chặt chẽ đương nhiên dễ dẫn đến sự trục lợi của tư vấn viên.

Các Công ty BHNT vẫn cho rằng có "kiểm tra xác suất". Tuy nhiên, trên thực tế, việc thanh tra, kiểm tra hồ sơ khách hàng của các công ty BHNT còn rất hạn chế. Việc này có nhiều nguyên nhân. Nhưng chủ yếu có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, do công tác thanh tra giám sát của ngành BHNT chưa chặt chẽ như các ngành khác, cụ thể như ngành ngân hàng. Nếu như hồ sơ vay vốn tại ngân hàng hàng năm đều có kiểm tra nội bộ, kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập, thậm chí có cả thanh tra của ngành là Ngân hàng Nhà nước. Ở chiều ngược lại, các Công ty BHNT chưa thật sự sâu sát trong thanh kiểm tra hồ sơ pháp lý, chứng từ, tài chính của khách hàng, quá trình tư vấn của tư vấn viên. 

Thứ hai, do áp lực về doanh số, nếu "siết" quá, các tư vấn viên không bán được sản phẩm và thậm chí khó hành nghề. Ví dụ: khi bán sản phẩm liên kết đơn vị (ILP), Bộ Tài chính và các Công ty BHNT đều yêu cầu tư vấn viên phải khảo sát mức độ chấp nhận rủi ro, phân tích rủi ro sản phẩm cho khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít tư vấn viên phân tích rủi ro và khả năng thua lổ của sản phẩm với khách hàng mà chủ yếu nêu tỷ suất lợi nhuận cao chót vót. Có một thời gian, các công ty gọi "xác suất" kiểm tra lại việc phân tích khả năng chấp nhận rủi ro từ khách hàng, thì phần lớn tư vấn viên đều bị "dính" lỗi tư vấn sai và thiếu. Rồi từ đó, không ít tư vấn viên "ngại" bán sản phẩm ILP. Và cũng vì doanh số, các công ty lại có phần "nới lỏng" khâu hậu kiểm chất lượng tư vấn sản phẩm ILP.

Vấn đề đặt ra ở đây là vai trò của cơ quan quản lý ra sao trong câu chuyện thanh kiểm tra chất lượng tư vấn, chào bán sản phẩm của các Công ty BHNT? Nếu như Bộ Tài chính có những quy định thanh tra, giám sát và chế tài chặt chẽ tương tự Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng cho các tổ chức tín dụng thì có lẽ chất lượng hoạt động ngành BHNT sẽ tốt hơn. Chính việc ít kiểm tra thực tế, ít có các cuộc kiểm toán, kiểm tra sẽ làm tâm lý tư vấn viên thấy ít sợ trách nhiệm hơn. Nếu Bộ Tài chính, các Công ty BHNT kiểm tra thường xuyên, kiểm thực địa nhiều hồ sơ hơn, tương tác trực tiếp nhiều khách hàng hơn,…tin rằng các vụ việc đau lòng về việc tư vấn viên thao túng, làm sai trong ngành BHNT sẽ giảm đi rất nhiều.

Ngoài ra, công tác tổ chức thi cấp chứng chỉ đại lý hiện nay cũng còn khá nhiều bất cập. Trong lúc, các chuyên gia vẫn còn tranh cãi với nhau về việc có nên quy định về tiêu chuẩn trình độ hóa đối với người làm nghề tư vấn BHNT hay không thì Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện nay không quy định bắt buộc trình độ đối với người tư vấn viên vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó, cũng có lý do thị trường BHNT Việt Nam còn non trẻ, cần có "thời kỳ quá độ" để chuẩn hóa dần nguồn nhân lực (?). 

Tuy nhiên, tác giả cho rằng hiện nay Việt Nam đã có trên dưới 1 triệu người làm nghề tư vấn BHNT. Số lượng tư vấn viên như thế là quá đủ để hướng tới "nâng chuẩn" về trình độ văn hóa đối với những tư vấn viên mới. Chính vì không có quy định bắt buộc về trình độ ở một ngành đòi hỏi kỹ năng nghiệp vụ cao như BHNT, cũng là một trong những lý do dẫn đến việc làm sai trái, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của không ít tư vấn viên. So với các ngành có quy định về cấp chứng chỉ hành nghề như: y, dược, luật sư, môi giới chứng khoán, bất động sản,…thì dường như ngành BHNT đang dễ dàng hơn cả. Đó là một nghịch lý và cũng là một "lỗ hổng" khi nhiều tư vấn viên khoác lên mình chiếc áo quá rộng "chuyên viên tư vấn tài chính" mà thậm chí chưa hiểu gì về tài chính, bảo hiểm! Số lượng tư vấn viên thật sự am hiểu chuyên sâu về tài chính, BHNT là con số không nhiều trong ngành BHNT hiện nay.

Ngành BHNT vẫn còn quá nhiều câu chuyện để phân tích, mổ xẻ và hoàn thiện. Nào là làm hồ sơ giả, giả pháp lý, chữ ký, game bảo hiểm, tư vấn sai sự thật, quá sự thật, tư vấn không đúng, không đủ,…Và tin rằng những ai trong ngành đều thấy, đều biết. Nhưng rồi những lỗ hổng vẫn tồn tại và hình thành một bức tranh sáng tối như thế. Và để rồi, sau cùng những rủi ro, tranh chấp, thậm chí là thiệt thòi xảy ra cho khách hàng và cả công ty BHNT? Dẫu biết rằng ngành nghề nào cũng có những tồn tại, dẫu biết đạo đức nghề nghiệp là vấn đề thuộc phạm trù về cá nhân người tư vấn viên. Tuy nhiên, nếu có cơ chế thanh tra, giám sát quyết liệt và chặt chẽ hơn, chế tài đủ mạnh hơn sẽ góp phần làm thanh sạch hóa thị trường BHNT, trả lại niềm tin cho khách hàng.