Những ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận âm trong quý II

Diễn biến thị trường không thuận lợi khiến hoạt động kinh doanh của nhiều ngân hàng có kết quả không mấy khả quan trong quý II/2022.

Bức tranh kết quả kinh doanh quý II các ngân hàng có sự phân hoá rõ rệt, trong khi nhiều ngân hàng công bố con số lợi nhuận tăng trưởng thì một số lại ghi nhận lãi giảm so với cùng kỳ năm trước, thậm chí có ngân hàng thua lỗ trong kỳ.

Là ngân hàng duy nhất báo lỗ cho tới thời điểm hiện tại, NCB ghi nhận khoản lỗ trước thuế là 6,4 tỷ đồng trong quý II, trong khi cùng kỳ năm trước ngân hàng lãi gần 99 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu do nhiều mảng thu nhập chính của ngân hàng bị giảm sút trong kỳ. Cụ thể, thu nhập lãi thuần giảm gần 24% mang về 193 tỷ đồng, lãi thuần từ dịch vụ giảm 66% mang về 26 tỷ đồng. Cùng với đó, ngân hàng cũng tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro lên hơn 60 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ năm trước là yếu tố góp phần làm lợi nhuận trong kỳ âm. 

phuong-nga-1659151499.png Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Tại một số nhà băng, nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận chính đến từ thu nhập lãi thuần,nguồn thu chính của ngân hàng và góp phần của các mảng chính.

Cụ thể, tại Bac A Bank, thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của ngân hàng, giảm gần 12% so với cùng kỳ, hoạt động dịch vụ cũng ghi nhận lãi thuần giảm 2,6%, khiến lợi nhuận trước thuế giảm 1,7%.

Hay như MSB,  lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng giảm đến 88% so với cùng kỳ. Hoạt động chứng khoán kinh doanh và hoạt động kinh doanh khác cũng lỗ lần lượt 1,4 và 390 tỷ đồng. Do đó, dù đã hoàn nhập 115 tỷ đồng trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế quý II của MSB vẫn giảm 7% so với cùng kỳ. 

Tương tự với VietABank, tính riêng trong quý II, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư và hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng giảm đến 80% và 44% so với cùng kỳ. Hoạt động chứng khoán kinh doanh lỗ 400 triệu đồng.  Ngân hàng đã giảm mạnh 60% chi phí dự phòng song lợi nhuận trước thuế quý II của ngân hàng vẫn giảm 4% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, chi phí dự phòng tăng mạnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế quý II của một số ngân hàng như Sacombank hay Saigonbank giảm so với cùng kỳ 2021. Với trường hợp của Sacombank, chi phí dự phòng của ngân hàng tăng đến 213% so với quý trước và tăng 124% so với cùng kỳ, đạt 2.200 tỷ đồng trong quý II/2022.  

Chờ đợi nới room tín dụng

Có thể thấy, dù bức tranh lợi nhuận 6 tháng đầu năm của hầu hết ngân hàng có phần khả quan lại chủ yếu nhờ quý I với mức tăng trưởng tín dụng cao. Bước sang quý II, tăng trưởng lợi nhuận có dấu hiệu chậm lại rõ rệt khi ngân hàng đã sử dụng gần hết room tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp.

Song đến nay, cơ quan đầu ngành vẫn chưa có động thái nào về việc cấp thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Nhiều chuyên gia cho rằng triển vọng ngân hàng nửa cuối năm sẽ phụ thuộc phần lớn vào hạn mức tín dụng được cấp sắp tới.

ngan-hang-1659151566.png Các ngân hàng có lợi nhuận trước thuế giảm trong quý II - Đơn vị tính: tỷ đồng. (Nguồn: Phương Nga tổng hợp).

Báo cáo gần đây của Chứng khoán KB Việt Nam đánh giá triển vọng quý III của ngành ngân hàng sẽ khả quan hơn nhờ đợt nâng room tín dụng dự kiến vào trung tuần tháng 7, giúp thúc đẩy hoạt động cho vay của toàn ngành. Song, nhóm chuyên gia không kỳ vọng mức room mới sẽ tăng quá mạnh do NHNN đang thắt chặt dòng tiền để kiểm soát lạm phát. 

Chia sẻ tại "Talkshow Chọn danh mục kỳ 12: Khơi dòng vốn sản xuất kinh doanh", Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh đánh giá việc nới room tín dụng sẽ là động lực chính cho ngành ngân hàng.

"Thời gian qua, ngân hàng duy trì room tín dụng còn lại khá ít. Nếu thực hiện nới room trong quý III, đây sẽ là cơ hội cho ngân hàng bứt tốc trở lại. Bên cạnh đó, khi thực hiện các gói hỗ trợ theo chính sách Chính phủ thì room cũng là rào cản nên khi mở ra sẽ vừa là động lực tăng trưởng tăng trưởng cho ngành ngân hàng, vừa hỗ trợ nền kinh tế," ông Minh cho hay.