Những sự kiện làm rung chuyển thị trường tiền mã hóa trong năm 2022

Năm 2022 chứng kiến đầy biến động của thị trường tiền mã hóa với hàng loạt sự sụp đổ của các công ty trong ngành. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của những diễn biến này được dự đoán sẽ còn kéo dài nhiều năm sau nữa.
 7 cú sập làm rung chuyển thị trường tiền mã hóa trong năm 2022

7 cú sập làm rung chuyển thị trường tiền mã hóa trong năm 2022

Những người đam mê tiền mã hóa từng chứng kiến một năm 2021 tràn đầy sự lạc quan. Đó là một năm nổi bật với việc mã thông báo không thể thay thế hay NFT đã trở thành xu hướng phổ biến. Các nhà đầu tư nói chuyện với bạn bè về giá trị tương đối của Bitcoin so với Ethereum.

Nhưng chỉ sau một năm, chủ đề trò chuyện chính của ngay cả với những người trung thành với tiền mã hóa đã chuyển sang Sam Bankman-Fried, nhà đồng sáng lập sàn giao dịch tiền mã hóa đã phá sản FTX, hoặc liệu họ có lấy lại được tài sản bị mắc kẹt trên sàn không.

Ngành công nghiệp này bị ảnh hưởng nặng nề bởi áp lực kinh tế vĩ mô, các vụ bê bối và khủng hoảng, khiến lượng lớn tài sản gần như bị xóa sổ chỉ sau một đêm.

Bitcoin – đồng tiền mã hóa phổ biến bậc nhất thị trường – đã giảm hơn 60%, dẫn đến tổng giá trị thị trường 'bốc hơi' 2.000 tỉ USD so với mức đỉnh đạt được vào tháng 11/2021.

Một trong những nguyên lý hoạt động của tiền mã hóa và blockchain là ý tưởng về sự phân quyền, tức là không có thực thể nào chịu trách nhiệm và không một người chơi nào có thể gây bất ổn cho phần còn lại.

Tuy nhiên, những gì diễn ra trong năm 2022 lại cho ta thấy những điều ngược lại. Một hệ sinh thái được kết nối với nhau và ảnh hưởng đến nhau hơn so với những gì mà ngay cả những người tham gia có thể nhận ra.

Mạng blockchain của Axie Infinity bị hack

Vào tháng 3/2022, Ronin, 'cầu nối' của tựa game Axie Infinity, đã đối mặt với một trong những vụ hack DeFi lớn nhất từ trước đến nay. Hậu quả của vụ việc là 173.600 Ethereum và 25,5 triệu USD đã bị rút khỏi Ronin thông qua 2 giao dịch, thiệt hại ước tính vào khoảng 625 triệu USD.

Axie Infinity - game NFT đắt giá nhất thế giới (Ảnh: Asia Crypto News)

Axie Infinity - game NFT đắt giá nhất thế giới (Ảnh: Asia Crypto News)

Theo Ronin, các vấn đề của Axie Infinity bắt đầu từ tháng 11/2021, khi cơ sở người dùng của nó đã mở rộng ngoài tầm kiểm soát. Do đó, các quy tắc an toàn đã phải nới lỏng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Điều này đã tạo điều kiện cho tin tặc có quyền truy cập vào 5 trong số 9 trình xác thực của Ronin, cho phép kiểm soát hơn một nửa mạng và tự do chấp nhận hoặc từ chối bất kỳ giao dịch nào.

Sau cuộc tấn công này, các nhà phát triển của Axie Infinity đã huy động 150 triệu USD để bồi thường cho những người dùng bị ảnh hưởng.

TerraUSD (UST)/ LUNA sụp đổ

Cuộc khủng hoảng LUNA và UST chỉ diễn ra khá chóng vánh, từ ngày 8/5 đến 14/5/2022 những đã 'càn quét' hàng tỉ USD vốn hóa của thị trường tiền mã hóa.

Tầm ảnh hưởng của cú sụp đổ này vô cùng kinh hoàng, ảnh hưởng không chỉ riêng tiền mã hóa mà còn lan đến tài chính truyền thống.

Diễn biến giá token UST trong một năm qua (Nguồn: TradingView)

Diễn biến giá token UST trong một năm qua (Nguồn: TradingView)

Sau sự cố này, Do Kwon – nhà sáng lập Terraforms Labs – đã bị Interpol phát lệnh truy nã đỏ trên toàn cầu.

Three Arrows Capital phá sản

Sau cú sập của Terra, Three Arrows Capital (3AC) cũng trở thành một trong nhiều công ty bị ảnh hưởng bởi sự kiện này. Quỹ đầu tư tiền mã hóa tuyên bố phá sản vào ngày 1/7.

Trước đó, tính đến tháng 3/2022, 3AC vẫn quản lý khoảng 10 tỉ USD và là một trong những quỹ đầu cơ tiền số nổi bật nhất thế giới. 3AC từng đầu tư vào nhiều dự án gặp khó khăn, bao gồm nền tảng trò chơi Axie Infinity và sàn giao dịch tiền mã hóa tập trung BlockFi.

Voyager Digital phá sản

Ngày 6/7/2022, công ty đầu tư tiền mã hóa nổi tiếng Voyager Digital (Voyager) nộp đơn phá sản sau khi phải đối mặt với các vấn đề thanh khoản phát sinh từ khoản nợ trị giá 650 triệu USD liên quan đến quỹ phòng 3AC. Sau thông báo trên, Voyager đã đình chỉ mọi giao dịch, hoạt động rút tiền và gửi tiền.

Như VietTimes đã đưa tin, ngày 20/12, Binance.US đã đạt được thỏa thuận trị giá 1,02 tỉ USD mua lại tài sản của Voyager. Sau khi thương vụ hoàn tất, người dùng Voyager có thể truy cập tài khoản của họ trên nền tảng của Binance.

Trong khi đó, từ tháng 9/2022, Voyager cũng từng lọt vào tầm ngắm của FTX với thỏa thuận mua lại không thành trị giá 1,4 tỉ USD.

Celsius phá sản

Ít ngày sau Voyager Digital, nhà đầu tư lại đón nhận thông tin Celsius Network (Celsius), nhà cho vay tiền mã hóa sừng sỏ với lượng tiền ký gửi lên tới hơn 11 tỉ USD, bất ngờ đóng băng hoạt động rút tiền.

Trong một tuyên bố đăng tải trên website, Celsius đưa ra “những điều kiện thị trường cực đoan” để biện minh cho hành động đóng băng rút tiền, nói rằng họ đã hành động “để bình ổn thanh khoản và các hoạt động, trong khi chúng tôi đưa ra nhiều biện pháp để bảo vệ tài sản”.

FTX phá sản

Từ ngày 6/11 đến 13/11/2022 được coi là chuỗi ngày đen tối nhất trong lịch sử 13 năm của ngành công nghiệp tiền mã hóa khi chứng kiến sự sụp đổ chóng vánh của FTX. Tương tự như LUNA hay 3AC, tầm ảnh hưởng của FTX đã, đang và sẽ kéo dài trong một thời gian dài.

Sự việc được bắt nguồn từ ngày 2/11, sau khi bảng cân đối kế toán của Alameda Research - một quỹ đầu cơ có liên quan đến FTX - được tiết lộ. Trong số tài sản trị giá 14,6 tỉ USD của Alameda có gần 6 tỉ USD là token FTT và 2,2 tỉ USD trong số đó được thế chấp bằng các khoản vay.

Đến ngày 6/11, sàn giao dịch Binance bất ngờ thông báo sẽ bán toàn bộ token FTT đang nắm giữ. Thông tin này khiến giá FTT lao dốc và tạo nên sự hoảng loạn trong giới đầu tư tiền mã hóa. Có tới 6 tỉ USD được rút ròng ra khỏi sàn FTX của Sam Bankman-Fried chỉ trong 3 ngày.

Diễn biến giá token FTT của sàn FTX trong 1 năm qua (Nguồn: CoinGekco)

Diễn biến giá token FTT của sàn FTX trong 1 năm qua (Nguồn: CoinGekco)

Ngày 8/11, Bankman-Fried cho biết đã buộc phải chuyển nhượng FTX cho Binance để nhận được gói cứu trợ trước lo ngại về tình hình tài chính của Alameda Research.

Nhưng chưa đầy 1 ngày sau, Binance tuyên bố từ bỏ thương vụ này, đồng thời tiết lộ sàn giao dịch của Bankman-Fried đang bị nhà chức trách Mỹ điều tra về việc sử dụng sai mục đích tiền gửi khách hàng.

FTX Group đã đệ đơn xin phá sản ở Mỹ vào ngày 11/11. Sau đó, cựu CEO sàn FTX đã bị bắt tại Bahamas vào ngày 12/12. Nhà chức trách cáo buộc Sam Bankman-Fried đến 8 tội danh, bao gồm lừa đảo theo đường dây và âm mưu lừa gạt nhà đầu tư.

BlockFi phá sản

Cuối tháng 11, BlockFi - công ty cho vay tiền mã hóa - vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 tại tòa án ở quận New Jersey (Mỹ), qua đó trở thành 'nạn nhân' mới nhất sau sự sụp đổ của FTX.

Được biết, BlockFi hiện có hơn 100.000 chủ nợ, với các khoản nợ và tài sản từ 1-10 tỉ USD. Trong đó, FTX là chủ nợ lớn thứ 2 với khoản vay trị giá 275 triệu USD. Hồ sơ phá sản của BlockFi cũng tiết lộ khách hàng có số dư tại công ty lên tới 28 triệu USD.

BlockFi cũng là một trong số những công ty tiền mã hóa phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về thanh khoản sau cú sụp đổ của quỹ đầu tư (3AC).

BlockFi được thành lập vào năm 2017, bởi Zac Prince và Flori Marquez, tập trung vào việc cho khách hàng vay tiền mã hóa bằng cách sử dụng tài sản tiền mã hóa của họ làm tài sản thế chấp. Công ty từng có mức định giá lên tới 4,8 tỉ USD, theo PitchBook.

Mặc dù năm 2022 có thể là một năm khó khăn đối với thị trường tiền mã hóa, nhưng vẫn có khả năng cho một tia sáng trong năm tới.

Tâm lý nhà đầu tư dường như đang được cải thiện, cùng với đó, thị trường vẫn đang phục hồi tích cực sau hàng loạt sự sụp đổ của các nền tảng.

Về mặt tích cực, có thể coi những sai lầm của người tiền nhiệm trong năm nay sẽ là bài học cho các công ty "sinh sau đẻ muộn" trong tương lai./.