Nợ có khả năng mất vốn của MB tăng gần 3 lần trong năm 2022

Năm 2022, tổng nợ xấu nội bảng của MB tăng hơn 52%, lên 5.030 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp gần 3 lần, lên mức 2.293 tỷ đồng.

Theo Báo cáo tài chính quý IV vừa công bố của ngân hàng TMCP Quân đội (MB; HoSE: MBB), năm 2022, hoạt động chính mang về cho ngân hàng 36.023 tỷ đồng, tăng 37% so với năm trước.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về khoản lãi 1.704 tỷ đồng, tăng 28%, nhờ thu nhập từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay và vàng tăng mạnh đến 74%, ghi nhận 3.014 tỷ đồng.

Các khoản thu ngoài lãi còn lại đều giảm so năm trước. Lãi từ hoạt động dịch vụ giảm nhẹ 5%, xuống còn 4.136 tỷ đồng, do chi phí cho hoạt động này tăng đến 27%, đạt 10.108 tỷ đồng.

Ngoài ra, lãi từ chứng khoán kinh doanh giảm 36%, đóng góp 141 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm nhẹ 9%, xuống mức 1.315 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác giảm 34%, còn 2.142 tỷ đồng, chủ yếu do giảm thu từ các khoản nợ đã xử lý 39%, xuống còn 1.648 tỷ đồng.

Năm 2022, MB chi ra hơn 8.048 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, thay đổi không quá nhiều so với năm trước, do đó MB báo lãi trước thuế tăng 38%, lên mức 22,729 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch 20,300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đặt ra cho cả năm, MB đã vượt 12% mục tiêu.

mb-1675307693.jpg

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của MB đạt hơn 728.532 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021. Theo đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 460.574 tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm ngoái.

Trong cơ cấu, nợ cho vay các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước tăng gần 29%, với 452.859 tỷ đồng, ngược lại các khoản cho vay margin chứng khoán và ứng trước khách hàng tại Công ty chứng khoán MBS lao dốc mạnh gần 50%, xuống còn 3.759 tỷ đồng.

Về chất lượng nợ, tổng nợ xấu nội bảng của MB tăng mạnh hơn 52%, lên 5.030 tỷ đồng, kéo tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ mức 0,9% đầu năm lên 1,09%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh nhất, lên đến 2.293 tỷ đồng, gấp gần 3 lần năm trước đó. 

Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng của MB tăng trưởng 15,3%, đạt hơn 443.605 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của nhà băng này đạt hơn 166.971 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% trên tổng huy động vốn.

Với con số này, MB đang là ngân hàng có tỉ lệ CASA cao nhất hệ thống tính đến thời điểm này, vượt qua cả Techcombank do năm 2022 CASA của Techcombank chỉ đạt 132.500 tỷ đồng, giảm 16,6% so với năm trước.