Nợ xấu vẫn có khả năng gia tăng nếu kéo dài Nghị quyết 42

Thống đốc NHNN lưu ý, việc kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 sẽ tạo điều kiện tiếp tục xử lý nợ xấu, nhưng chỉ áp dụng với những khoản nợ 'chốt sổ' trước đây.

Chiều 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng lần đầu đăng đàn, trả lời chất vấn trước Quốc hội. Có 68 đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn.

Sẽ có hành lang pháp lý kiểm soát cho vay qua app

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) có 2 câu hỏi gửi tới Thống đốc. Câu hỏi đầu tiên là nếu được kéo dài thực hiện Nghị quyết 42 thì có xử lý được dứt điểm nợ xấu, có giải quyết được triệt để các vướng mắc hạn chế đang diễn ra hay không.

Vấn đề thứ hai được đại biểu này đặt ra là câu chuyện người dân dễ vay qua app, qua web thì hành lang pháp lý của hoạt động cho vay này ra sao? Đại biểu này cũng dẫn vụ việc cơ quan công an tại Hà Nội phát hiện vụ cho vay 5.000 tỷ đồng qua app gây hoang mang cho người dân.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Ảnh: Quochoi.vn)

Trả lời nội dung về việc nếu kéo dài thực hiện Nghị quyết 42, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị quyết 42 cho phép người cho vay thu giữ tài sản đảm bảo, bán nợ xấu hoặc tài sản đảm bảo có thể cao hơn thấp hơn giá trị. Đây là điểm quan trọng giúp cho xử lý nợ xấu.

Trong số 541.000 tỷ đồng thì có tới 380.000 tỷ đồng là tự xử lý được. Dù còn khó khăn vướng mắc nhưng nếu kéo dài Nghị quyết 42 sẽ tạo điều kiện tiếp tục xử lý nợ xấu.

Bà Hồng cũng lưu ý đây chỉ là những khoản nợ theo phạm vi Nghị quyết 42. Thực tế, có những khoản vay sau phát sinh nợ xấu, nhất là khi nền khi kinh tế chịu ảnh hưởng đại dịch, nhiều khoản vay được cơ cấu thì có thể dẫn tới nợ xấu gia tăng.

Về nội dung vay qua app, bà Hồng khẳng định, với sự phát triển của công nghệ cao thì thị trường cũng xuất hiện nhiều hoạt động. Cho vay ngang hàng (P2P lending) xuất hiện ở châu Âu đã lâu và mấy năm nay lan sang châu Á.

Trung Quốc cũng có thời điểm lập hàng mấy nghìn trang và thực hiện cho vay, xây nền tảng công nghệ kết nối 2 bên đi vay và cho vay.

Còn tại các nước cũng xảy ra hiện tượng không tách bạch giữa tiền người cho vay, đi vay; người lập ra sàn công nghệ kết nối lại là 1 trong 2 bên nên gây mất an toàn. Trung Quốc cũng có biện pháp siết hoạt động này.

Còn tại Việt Nam, Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng các bộ ban ngành nghiên cứu. Các bên có khảo sát, đánh giá và đang dự thảo nghị định cho hoạt động này để có hành lang pháp lý, đảm bảo là hoạt động lành mạnh, an toàn, rút kinh nghiệm trên cơ sở các nước để hạn chế rủi ro có thể phát sinh.

Vấn đề ngân hàng 0 đồng

Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) đề cập đến việc Nghị quyết 43 có yêu cầu phấn đấu giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1% trong năm 2022, 2023, việc thực hiện tới nay ra sao và giải pháp của ngàng ngâng hàng.

Vấn đề thứ hai là việc xử lý các ngân hàng 0 đồng chưa đạt yêu cầu đề ra, giậm chân tại chỗ, vì sao chậm trễ và Ngân hàng Nhà nước có biện pháp nào để giải quyết?

Đại biểu Leo Thị Lịch (Ảnh: Quochoi.vn).

Về Nghị quyết 43, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, từ đầu năm đến nay, chỉ trong 5 tháng khi doanh doanh nghiệp, người dân quay trở lại hoạt động kinh doanh thì tín dụng tăng đến 8%, mức khá cao mục tiêu, định hướng năm 2022 là 14%.

Điều này cho thấy, lãi suất, áp lực này lớn nhưng Ngân hàng Nhà nước điều tiết và cơ bản ổn định mặt bằng. Lãi suất đã tăng 0,99% so với năm ngoái. Nghị quyết 43 phải giảm lãi suất 0,5 - 1% trong 2 năm, việc điều hành Ngân hàng Nhà nước gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Quan điểm, mục tiêu Nghị định 43 là thực hiện các chương trình phục hồi kinh tế nhưng vẫn đảm bảo kiên định, ổn định kinh tế vĩ mô theo nghị quyết của Đại hội Đảng XIII và các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội trong vòng 5 năm. Ngân hàng Nhà nước điều hành trên cơ sở tổng thể với tất cả công cụ điều hành khác, để làm sao đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Có điều kiện, Ngân hàng Nhà nước vẫn chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tiết kiệm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho doanh nghiệp và người dân lãi suất doanh nghiệp vừa và nhỏ - đây là khối doanh nghiệp 97% trong tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Đây khối doanh nghiệp bị hạn chế so với doanh nghiệp khác như khả năng quản trị, thương hiệu trên thị trường.

Xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp vừa và nhỏ thì nhiều doanh nghiệp vay vốn thì tổ chức tín dụng phải đánh giá thì có mức lãi suất cao hơn doanh nghiệp tín nhiệm cao hơn. Tuy nhiên, thời gian dịch bệnh năm 2020 - 2021, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo giảm lãi suất doanh nghiệp và người dân, giảm 47.000 – 48.000 tỷ đồng trong 2 năm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời nội dung chất vấn chiều 8/6 (Ảnh: Quochoi.vn).

Về câu hỏi liên quan tới vấn đề ngân hàng 0 đồng, bà Hồng cho biết, việc xử lý tái cơ cấu 1 ngân hàng trong điều kiện bình thường đã khó khăn vì nền kinh tế của ta phụ thuộc vào tín dụng tương đối lớn. Trong điều kiện chịu tác động của đại dịch cũng như những diễn biến của kinh tế thế giới thì việc tái cơ cấu càng khó hơn.

Tuy nhiên, bà cho biết, nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ và sự phối hợp bộ ban ngành thì Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì, có báo cáo trình các cấp có thẩm quyền, tích cực phối hợp triển khai với mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tạo sự yên tâm cho người gửi tiền.