'Ôm nợ' bằng bất động sản, loạt nhà băng lớn đẩy mạnh thanh lý tài sản thế chấp

Trước giờ, tài sản thế chấp là bất động sản được nhiều ngân hàng như BIDV, Sacombank, Vietcombank,…‘đón nhận’. Tuy nhiên, khi các khoản vay trở thành nợ xấu, việc rao bán tài sản bảo đảm là bất động sản để thu hồi các khoản nợ lại không hề dễ dàng.

Khối bất động sản 'khủng' đang thế chấp tại các ngân hàng lớn

Tài sản bảo đảm tại các ngân hàng hiện nay rất đa dạng từ bất động sản, động sản, tiền gửi, vàng, đá quý, giấy tờ có giá, phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị, hàng tồn kho,….Tuy nhiên, tài sản chủ yếu và phổ biến nhất vẫn là bất động sản.

Theo các chuyên gia tài chính, khối tài sản thế chấp, cầm cố là bất động sản đang ngày càng phình to ra ở nhiều ngân hàng, nhưng con số cụ thể thì rất khó đoán định vì phần lớn báo cáo tài chính của các ngân hàng đều không đưa ra con số chính xác, thậm chí là không đề cập đến thông tin này.

Theo BCTC hợp nhất năm 2020 tại Sacombank, giá trị số sách của tài sản thế chấp của khách hàng tại thời điểm cuối năm đạt gần 676.682 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó, bất động sản thế chấp tại Sacombank có giá trị lớn nhất, gần 569.785 tỷ đồng, tăng 21%, chiếm 84% tổng tài sản thế chấp.

Đáng chú ý, con số 569.785 tỷ đồng này còn chiếm tới 116% tổng tài sản của nhà băng và chiếm 170% dư nợ cho vay.

Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2020 tại Sacombank.

Tương tự Sacombank, tính đến 31/12/2020 lượng tài sản thế chấp tại BIDV tăng 14% so với đầu năm, lên mức 1,874 triệu tỷ đồng. Trong đó, lượng bất động sản thế chấp có giá trị hơn 1,298 triệu tỷ đồng, tăng 17%, chiếm 69% tổng tài sản thế chấp và chiếm tới 86% tổng tài sản của nhà băng, thậm chí con số này còn chiếm tới 106% dư nợ cho vay.

Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2020 tại BIDV.

Cũng như Sacombank hay BIDV, tại ‘ông lớn’ Vietcombank cũng đang nắm giữ gần 1,442 triệu tỷ đồng tài sản thế chấp vào cuối năm 2020. Trong đó, giá trị bất động sản thế chấp tại Vietcombank ở mức 957.537 tỷ, tăng 20% so với đầu năm, chiếm 66,4% tổng tài sản thế chấp và chiếm tới 117% dư nợ cho vay.

Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2020 tại Vietcombank

Thực tế, khi tài sản thế chấp bằng bất động sản ngày càng tăng lên, trong khi xử lý tài sản thế chấp bằng bất động sản hiện đang gặp nhiều khó khăn thì chất lượng tài sản của các ngân hàng thời gian tới ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

 

Ngân hàng Nhà nước từng cho biết việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản còn nhiều tiềm ẩn rủi ro đối với ngân hàng. Nguyên nhân là do quy định pháp luật đối với thị trường bất động sản còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định điều chỉnh đối với một số loại hình bất động sản mới.

Đầu tư kinh doanh bất động sản là kênh đầu tư có kỳ vọng lợi nhuận cao nên dễ dẫn đến đầu cơ trên thị trường. Đồng thời, tình trạng mất cân đối cung cầu vẫn tồn tại ở một số phân khúc bất động sản cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến rủi ro trong việc cấp tín dụng.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, với nợ xấu gộp khoảng 4-5% cuối năm 2020, dự báo năm 2021, khối nợ xấu này còn có thể tăng hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3,5% - 4% và nợ xấu gộp khoảng 5-6% đến cuối năm 2021. 

Ngân hàng ồ ạt thanh lý, đại giảm giá tài sản thế chấp

Tại hầu hết các nhà băng, bất động sản chiếm phần lớn giá trị trong khối tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Vì thế, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nợ xấu tăng mạnh, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh phát mãi tài sản là bất động sản để thu hồi nợ nhưng nhiều khoản nợ rao bán nhiều lần kèm đại hạ giá vẫn…ế.

Sacombank là một trong những nhà băng thường xuyên rao bán các bất động sản có giá trị từ vài trăm đến vài nghìn tỷ đồng. Phần lớn số tài sản bảo đảm đã được ngân hàng rao bán nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm được người mua. 

Hiện, một trong những bất động sản có giá trị lớn nhất đang được Sacombank rao bán là hơn 13.000m2 diện tích tầng hầm chung cư với giá là 362 tỷ đồng. Cùng với đó, hơn 2.243m2 diện tích sàn thương mại dịch vụ tại tầng 7 một tòa chung cư cũng đang được ngân hàng này rao bán với giá 126 tỷ đồng.

Đầu tháng 5/2021, Sacombank đã gộp chung toàn bộ tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty CP Sản xuất Thương mại Giấy Bảo Hưng để phát mại, thu hồi nợ xấu. Khối tài sản này được rao bán với giá khởi điểm 640 tỷ đồng.

Ngày 7/5, Sacombank cũng đấu giá 5 khoản nợ của các cá nhân và pháp nhân gồm Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Bất động sản Quang Vinh, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Nam Đô Long, bà Liêng Thị Thảo, ông Liêng Thành Liêm và bà Đàm Kim Khụng. Tổng trị giá của 5 khoản khoản nợ là hơn 2.402 tỷ đồng. Trong đó, vốn là 930 tỷ đồng, lãi tồn đọng hơn 1.472 tỷ đồng.

Cùng với Sacombank, tại BIDV cũng gặp khó khăn không kém khi rao bán các khối tài sản nhiều lần nhưng vẫn ế.

Chẳng hạn, nhà băng này đã từng rao bán khối tài sản của Công ty CP Thuận Thảo trên dưới 11 lần kèm đại hạ giá. Bao gồm khách sạn 5 sao Cendeluxe 17 tầng và khu trung tâm hội nghị, triển lãm và dịch vụ du lịch Thuận Thảo;...

Tại website của BIDV cũng dày đặc thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm.

Nguồn: Website của BIDV.

Đơn cử, mới đây BIDV lần thứ 4 rao bán khoản nợ của 2 đơn vị là Công ty TNHH xây dựng và Kinh doanh nhà Bách Giang, Công ty TNHH xây dựng thương mại Cao Nguyên. Trong đó, dư nợ tạm tính đến ngày 6/5 của Công ty TNHH xây dựng kinh doanh Nhà Bách Giang là hơn 236 tỷ đồng, còn dư nợ của Công ty TNHH xây dựng thương mại Cao Nguyên là hơn 245 tỷ đồng.

Một đơn vị khác mà phía BIDV đang rao bán nợ là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Tincom). Giá khởi điểm mà BIDV đưa ra cho khoản nợ này là 86 tỷ đồng, thấp hơn 42% so với mức giá đưa ra hồi đầu tháng 3.

Đầu tháng 6, Vietcombank Đông Anh cũng thông báo phát mại lần thứ 4 tài sản đảm bảo thanh lý nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 22, tờ bản đồ số 62, địa chỉ tại 91 Hồ Xuân Hương, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Trước đó, cuối năm 2019, Vietcombank từng rao bán tài sản này với giá 100 tỷ đồng, giảm còn 81 tỷ vào tháng 6/2020 và hạ xuống 79 tỷ đồng vào tháng 9/2020.