Ôm trái đắng sau cú 'đánh úp' của ông chủ FLC

Cú đánh úp của tỉ phú Trịnh Văn Quyết sau giai đoạn tăng nóng khiến cổ phiếu FLC và những mã liên quan tụt dốc không phanh, hàng chục ngàn nhà đầu tư thiệt hại nặng

Chiều 13-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), cho biết công tác bóc tách, thực hiện hủy kết quả giao dịch đối với lệnh liên quan 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, bán "chui" hôm 10-1 đã cơ bản hoàn tất. Nhiều nhà đầu tư đã được trả lại tiền sau khi mua cổ phiếu của ông Quyết bán ra vào ngày 10-1.

Lấy lại được tiền là may!

Trong ngày 10-1, có 135 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh nhưng chúng tôi chỉ thực hiện hủy lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết. Khoảng 60 triệu cổ phiếu còn lại vẫn khớp lệnh bình thường. Qua thống kê, chúng tôi ghi nhận khoảng 20.000 tài khoản của nhà đầu tư đã thực hiện mua cổ phiếu FLC do ông Quyết bán ra" - ông Sơn thông tin.

Nhà đầu tư “ôm” cổ phiếu FLC và những mã liên quan dù thua lỗ nặng nhưng vẫn không có cách nào cắt lỗ

Theo Chủ tịch HĐQT VSD, ngay sau khi được thông báo hủy lệnh giao dịch, các dữ liệu cần hủy đã được VSD gửi cho các thành viên lưu ký chứng khoán để thông báo với nhà đầu tư, đồng thời tiến hành các thủ tục hoàn tiền. "Đây là sự việc chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, vì vậy cũng ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường trong mấy ngày qua" - TS Nguyễn Sơn nhận định.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), cho biết ngay khi có chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), cũng như công văn của VSD về việc hủy lệnh, điều chỉnh thông tin thanh toán giao dịch chứng khoán ngày 10-1 đối với cổ phiếu FLC, DAS đã thông báo ngay đến khách hàng về việc hủy các giao dịch trên tài khoản mà họ có lệnh mua (bao gồm giá trị và phí giao dịch) đối ứng cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết (thanh toán ngày 12-1). Sau đó, chuyên viên công nghệ của VSD cũng như các công ty chứng khoán khác đã tiến hành tra soát theo lệnh từ VSD và trả lại tiền cùng phí giao dịch cho nhà đầu tư.

Dù vậy, theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết nhà đầu tư được trả lại tiền mua cổ phiếu FLC của ông Quyết đều có tài khoản ở các công ty chứng khoán nhỏ. Trong khi ở các công ty chứng khoán lớn, số lệnh phải hủy đợt này không nhiều vì các công ty cũng như nhân viên môi giới của họ không cung cấp margin (vay tiền) hay tư vấn cho nhà đầu tư mua các cổ phiếu đầu cơ (như FLC) vì độ rủi ro cao.

Trao đổi với chúng tôi, anh Chính (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM), một nhà đầu tư trên sàn Mirae Asset, cho biết anh đã được trả lại hơn 4 tỉ đồng nhờ lệnh mua trên 190.000 cổ phiếu FLC của anh hôm 10-1 đã bị hủy. "Tôi mừng như vừa... từ cõi chết trở về. Nếu các cơ quan chức năng không hủy lệnh thì tôi không biết phải xử lý số cổ phiếu đó thế nào, bán không được, giữ cũng không xong. Nếu giữ đến hôm nay, số lỗ có thể lên tới cả tỉ đồng" - anh Chính bày tỏ.

Bán ào ạt, mua rất ít và cuộc sàng lọc thời gian tới

Không phải nhà đầu tư nào cũng may mắn được trả lại tiền sau khi mua cổ phiếu FLC. Theo tìm hiểu của phóng viên, hàng chục ngàn nhà đầu tư "ôm" cổ phiếu FLC cũng như những cổ phiếu khác liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết như ROS, AMD, HAI, KLF, ART… vẫn như đang ngồi trên lửa, do mức lỗ ngày càng tăng trong khi không thể bán được những cổ phiếu này vì lệnh bán giá sàn lên tới hàng trăm triệu đơn vị mà không có người mua.

Theo ghi nhận, phiên giao dịch 13-1 là ngày thứ 3 liên tiếp nhóm cổ phiếu FLC bị bán tháo. Giá các cổ phiếu đã giảm 20%-30% chỉ trong vài ngày, khiến nhà đầu tư thua lỗ hàng tỉ đồng.

Đáng chú ý là các cổ phiếu này gần như mất thanh khoản vì lệnh bán ra ồ ạt mà không có lệnh mua đối ứng. Cụ thể, trong ngày 13-1, khối lượng cổ phiếu bán giá sàn của FLC lên tới hơn 59 triệu đơn vị, ROS "chất" gần 99 triệu đơn vị. Trước đó, mã này ghi nhận mức kỷ lục hơn 105 triệu cổ phiếu treo giá sàn. Các mã KLF, HAI, AMD cũng ghi nhận dư bán giá sàn trên 20 triệu đơn vị. Khớp lệnh trong ngày của các mã này chỉ đạt vài trăm ngàn cổ phiếu. Trong khi đó, vào những phiên trước, mỗi ngày có tới hàng chục, hàng trăm triệu cổ phiếu thuộc nhóm FLC được chuyển nhượng là điều bình thường.

Nói về những thiệt hại của nhà đầu tư khi bị "kẹp hàng" sau vụ "đánh úp" của ông chủ FLC, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, cho rằng đây là bài học cho các nhà đầu tư mua bán theo sự hô hào của các hội nhóm. Ông Hưng khuyên nhà đầu tư nên dành phần lớn danh mục của mình theo trường phái đầu tư giá trị.

Một chuyên gia tài chính cho rằng việc bỏ cọc đấu giá đất "vàng" ở Thủ Thiêm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng như vụ vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, làm cho nhà đầu tư mất niềm tin. Song, nếu nhìn theo hướng lạc quan thì thời gian qua, nhóm cổ phiếu bất động sản và cổ phiếu đầu cơ đã tăng quá nóng do tâm lý kỳ vọng quá mức của các nhà đầu tư cá nhân. Ở chiều ngược lại, những mã chứng khoán tốt, của doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tăng trưởng, lợi nhuận lớn thì bị "coi thường". Sau xì-căng-đan mang tên FLC, nhiều mã cổ phiếu có thể được đánh giá lại, sát với bản chất và giá trị.

VN-Index rớt khỏi mốc 1.500 điểm

Trong phiên giao dịch ngày 13-1, thị trường chứng khoán tiếp tục giảm mạnh sau hiệu ứng từ việc ông Trịnh Văn Quyết bán "chui" cổ phiếu và Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm. Chốt phiên, VN-Index giảm 14,46 điểm (-0,96%), xuống 1.496,05 điểm với 327 mã giảm (80 mã giảm sàn, nhiều hơn gần gấp đôi so với phiên sáng), trong khi chỉ có 146 mã tăng (4 mã trần). Tổng khối lượng giao dịch đạt 995,8 triệu đơn vị, giá trị 30.845 tỉ đồng - giảm 12,4% về khối lượng và 14,4% về giá trị so với phiên 12-1.

Trong khi đó, HNX-Index giảm 12,81 điểm (-2,70%), xuống 460,83 điểm với 201 mã tăng (44 mã sàn), trong khi chỉ có 65 mã giảm (15 mã trần). Tổng khối lượng giao dịch đạt 117 triệu đơn vị, giá trị 3.586,5 tỉ đồng - giảm 21% về khối lượng và 24% về giá trị so với phiên giao dịch hôm trước.