Các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 đang buộc các công ty dược phẩm thử nghiệm lại vaccine của mình. Covid-19 đang chứng tỏ đây là một đại dịch rất khó dự đoán.
Tuy vậy, tình hình dịch bệnh hiện nay cũng giúp nhiều nhà khoa học dự đoán ước mong “miễn dịch cộng đồng” của con người có thể trở thành hiện thực, với Covid-19 trở thành một căn bệnh thông thường với triệu chứng nhẹ.
“Chúng ta có thể trông chờ các chủng virus mới xuất hiện. Tuy vậy, khi hệ miễn dịch của chúng ta mạnh lên theo thời gian - cả qua miễn dịch tự nhiên lẫn tiêm vaccine bổ sung - khả năng mắc bệnh nặng sẽ giảm bớt”, ông Arnaud Fontanet, thành viên hội đồng cố vấn khoa học cho chính phủ Pháp, nhận định.
Hy vọng từ chủng Omicron
Chủng Omicron - “biến chủng đáng quan ngại” mới nhất được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận - dường như gây bệnh nhẹ hơn, dù có khả năng lây lan nhanh chóng cho cả những người chưa được tiêm chủng.
Giới chuyên gia nhận định việc nhiều người dương tính với biến chủng Omicron rồi khỏi bệnh, cộng với độ phủ vaccine cao, có thể là chìa khóa cho “hàng rào bảo vệ tập thể” chống lại mọi biến chủng của Covid-19.
Tỷ lệ nhập viện thấp trong nhóm người mắc chủng Omicron cũng cho thấy có thể SARS-CoV-2 sẽ tự chuyển hóa và yếu đi, giống như các chủng virus corona khác từng gây bệnh cho loài người.
Vaccine là thành tố quan trọng trong mục tiêu hướng tới miễn dịch cộng đồng phòng Covid-19. Ảnh: AFP.
“Có thể chúng ta đang chứng kiến virus bắt đầu chuyến biến để trở nên yếu hơn, giống như các chủng khác mà chúng ta đã biết”, chuyên gia dịch tễ Alain Fischer, người có vai trò quan trọng trong chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 của Pháp, nói với AFP.
Trong khi đó, nhà virus học Julian Tang hy vọng về ngày mà chỉ những người có nguy cơ cao nhất phải tiêm vaccine nhắc lại và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
“Tôi vẫn hy vọng virus sẽ dần trở thành một loại virus corona gây cảm cúm thông thường, có thể trong một đến hai năm tới”, ông nói.
Niềm hy vọng này cũng được chia sẻ bởi các quan chức y tế. Phát biểu trước Quốc hội Pháp, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran tuyên bố đợt dịch đang diễn ra “có thể là đợt dịch giúp chúng ta đạt được miễn dịch cộng đồng”.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Israel Nachman Ash cũng nhận định việc tiến tới miễn dịch cộng đồng là “có thể”.
“Tuy nhiên, chúng ta không muốn đạt được điều này qua lây nhiễm”, ông Ash nói. “Chúng ta muốn điều này xảy đến khi thêm nhiều người được tiêm chủng”.
Tại Israel, hai phần ba dân số đã tiêm đủ liều vaccine. Chính phủ nước này đã chấp thuận kế hoạch tiêm mũi thứ tư cho những người trên 60 tuổi và nhân viên y tế. Tel Aviv kỳ vọng có thể đánh bại đại dịch mà không cần tái áp đặt phong tỏa.
Nguy cơ còn đó
Tuy vậy, thách thức với nhân loại vẫn còn rất lớn. Ngay khi chủng Omicron gây ra tỷ lệ nhập viện thấp hơn, nó cũng khiến nhiều người mắc bệnh hơn, qua đó gây nên áp lực cho hệ thống y tế.
Một số quốc gia đã ghi nhận tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế do một phần lực lượng này mắc bệnh hoặc phải cách ly do tiếp xúc gần với các ca dương tính.
Sự lây lan mạnh mẽ của chủng Omicron khiến tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế xuất hiện. Ảnh: Forbes.
“Sự vắng mặt của lực lượng y tế đạt mức cao chưa từng thấy”, bà Megan Ranney, bác sĩ cấp cứu tại bệnh viện Đại học Brown, bang Rhode Island, Mỹ, viết cho Washington Post. “Và các bệnh nhân rất ốm - không chỉ do Covid-19 mà do mọi căn bệnh khác. Thật tồi tệ”.
“Những tuần tới sẽ trở nên khủng khiếp với các bệnh nhân và gia đình”, bà bày tỏ sự bi quan.
Ngay trước dịp nghỉ lễ đầu năm mới, WHO cảnh báo nguy cơ chủng Omicron lây lan trong khi chủng Delta vẫn chưa biến mất.
“Biến chủng Delta và Omicron đang là hai mối đe dọa dẫn đến số ca bệnh tăng cao kỷ lục, qua đó khiến số trường hợp phải nhập viện và tử vong gia tăng”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói, theo Reuters.
“Tôi rất quan ngại rằng chủng Omicron, vốn có khả năng truyền nhiễm và lây lan cao hơn chủng Delta, sẽ gây ra một ‘cơn sóng thần’ về số ca nhiễm bệnh”, ông Tedros cảnh báo.
Khi miễn dịch cộng đồng chưa đạt được, các nhà khoa học cảnh báo Omicron có thể chưa phải biến chủng cuối cùng của virus SARS-CoV-2.
“Biến chủng Omicron càng phát tán rộng, càng lây truyền và nhân bản nhiều, khả năng hình thành một biến chủng mới càng lớn”, bà Catherine Smallwood, chuyên gia cao cấp của WHO, tuyên bố hôm 4/1.
“Giờ đây, chủng Omicron có thể gây chết người - có thể ít hơn chủng Delta một chút, nhưng không ai biết chủng virus tiếp theo sẽ thế nào”, bà cảnh báo.
Trong khi đó, ông Antoine Flahault, lãnh đạo Viện Sức khỏe Toàn cầu tại Geneva, Thụy Sĩ, cảnh báo mọi kịch bản vẫn có thể xảy ra.
“Nếu chúng ta muốn rút ra bài học từ chính quá khứ của đại dịch lần này, chúng ta cần nhớ rằng nó khá khó đoán trước”, ông nói.