‘Ông lớn’ thép Hòa Phát: Cổ phiếu HPG ‘cắm đầu’ lao dốc giảm 43%, phải trả 1,6 tỷ đồng tiền lãi mỗi ngày khi ‘quỹ nợ’ ngày càng lớn

Mặc dù sở hữu lượng tiền mặt lớn (khoảng 46.800 tỷ đồng tính đến quý I/2022) tuy nhiên Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) vẫn đi vay nợ hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2022, cứ mỗi ngày trôi qua, Hòa Phát phải trả 1,6 tỷ đồng tiền lãi từ các khoản vay. Trên thị trường chứng khoán thì cổ phiếu HPG cũng liên tục lao dốc, giảm 43% so với thời điểm cuối năm 2021.

Liên tục vay nợ để cơ cấu dòng tiền

Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của Hòa Phát là 178.000 tỷ đồng. Trong đó nợ phải trả là hơn 87.400 tỷ, tương ứng gần 4 tỷ USD.

Bước sang năm 2022, tổng tài sản của Hòa Phát tại thời điểm cuối quý I/2022 ghi nhận tăng lên gần 186.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 89.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ phải trả cũng ghi nhận 86,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 46,7% tổng tài sản và chiếm tới 87,8% vốn chủ sở hữu)

Trong khoản nợ 86,9 nghìn tỷ đồng thì Hòa Phát có khoảng 60.000 tỷ đồng nợ vay, tăng 4,8% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ghi nhận hơn 46.260 tỷ đồng, tương đương tăng 5,7% so với đầu năm và vay và nợ thuê tài chính dài hạn ghi nhận gần 13.921 tỷ đồng, giảm 3,4%. Việc tăng cường vay ngắn hạn thay vì vay dài hạn sẽ giúp bớt đi gánh nặng lãi vay của Hòa Phát.

10-1654317522.jpgCơ cấu nợ phải trả của Hòa Phát tính đến ngày 31/3/2022.  

Với khoản vay lớn, kéo theo lượng tiền lãi phải trả của Hòa Phát cũng không hề nhỏ. Cụ thể, trong cả năm 2021, HPG phải trả gần 2.526 tỷ đồng lãi vay (gần 7 tỷ đồng mỗi ngày), tăng 15% so với cùng kỳ.

Riêng trong quý I đầu năm 2022, số tiền HPG phải trả cho các khoản lãi vay là 597 tỷ đồng (tương đường hơn 1,6 tỷ đồng mỗi ngày).

Điều đáng nói là các khoản vay của Hòa Phát diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn còn hàng chục nghìn tỷ lượng tiền mặt (khoảng hơn 46.800 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD).

Chưa hết, với mục đích huy động tiền để làm Dung Quất 2, Hòa Phát đã công bố thông tin về việc sẽ vay 35.000 tỷ đồng, tương đương hơn 40% tổng vốn làm dự án từ 8 ngân hàng lớn của Việt Nam.

Cụ thể, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất (công ty con của Hòa Phát) sẽ đại diện đứng ra nhận khoản vay này. Danh sách các ngân hàng cung cấp khoản tín dụng 35.000 tỷ này cho Hòa Phát bao gồm: Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank, MBBank, TPBank, VPBank và MSB.

Được biết, đây là khoản tín dụng lớn nhất từ trước tới nay của Hòa Phát với các ngân hàng.

11-1654317554.jpgKhu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (Ảnh: Hòa Phát).  

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có quy mô hơn 280 ha, nằm kề bên Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 1. Sau khi dự án hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát sẽ tăng lên mức 14 triệu tấn/năm, trở thành 1 trong 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025.

Trước đó, chia sẻ tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, ông Trần Đình Long cho biết nếu dự án Dung Quất 2 hoàn thành (dự kiến vào năm 2024), doanh thu của Hòa Phát có thể đạt trên 200.000 tỷ đồng/năm.

Hòa Phát bị phạt, cổ phiếu HPG cắm đầu lao dốc

Trong năm 2022, ban lãnh đạo Hòa Phát đề xuất kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 160.000 tỷ đồng, tăng gần 7%. Lợi nhuận sau thuế dự kiến khoảng 25.000-30.000 tỷ đồng, thấp hơn gần 30% so với thực hiện năm 2021.

Mới đây, một thông tin liên quan đến HPG gây chú ý đó là việc Tập đoàn Hòa Phát bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt hành chính vì vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

12-1654317589.jpgThông báo của UBCKNN về việc xử phạt Tập đoàn Hòa Phát.  

UBCKNN có nêu rõ, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát không có thành viên Hội đồng quản trị độc lập vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 276 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Theo đó, HPG bị phạt tiền 125 triệu đồng do không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 11/05/2022.

Còn trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG ghi nhận sự giảm giá mạnh kể từ thời điểm cuối tháng 11/2021 (khi đó cổ phiếu HPG được giao dịch ở mức 58.000 đồng/cổ phiếu). Thời điểm hiện tại thị giá cổ phiếu HPG giao dịch ở mức 33.000 đồng/cổ phiếu (tức giảm 43% so với thời điểm trước đó).

13-1654317616.jpgCổ phiếu Hòa Phát liên tục giảm giá kể từ thời điểm cuối năm 2021.  

Với việc cổ phiếu liên tục giảm mạnh cùng nhiều yếu tố thị trường ảnh hưởng không tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp đứng đầu ngành thép đã khiến không ít nhà đầu tư và cổ đông cảm thấy lo lắng.

Thậm trí có nhiều nhà đầu tư nói việc chia cổ phiếu HPG là mớ "giấy lộn" khi doanh nghiệp này đề xuất trả cổ tức đa phần bằng cổ phiếu. Điều này cũng được chủ tịch Hòa Phát – ông Trần Đình Long đề cập tại ĐHĐCĐ năm 2022.

"Tâm trạng tôi rất buồn, nhiều nhà đầu tư đòi hỏi phải chia hết lợi nhuận, cho rằng việc phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là 'giấy lộn'. Tôi cám ơn sự góp ý mang tính chất xây dựng của các cổ đông, còn nếu góp ý như này thì khó cho tôi quá", ông Long chia sẻ.

Được biết, trong năm nay Hòa Phát đề xuất chia cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 35%, trong đó 30% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền. Với nhu cầu vốn cao, việc chia cổ tức bằng tiền, theo Chủ tịch Hòa Phát, sẽ tạo áp lực lớn, ngay cả khi tỷ lệ chỉ là 5%.