Phía sau việc Grab bắt tay với đối thủ cạnh tranh

19/08/2022 17:31

"Liên minh công lý" của Grab, Deliveroo, FoodPanda sẽ cùng nhau làm việc với chính phủ Singapore và các cơ quan quản lý để xác định những vấn đề với đội ngũ tài xế và cải thiện nó.

Theo Bloomberg, các ứng dụng dành cho thiết bị di động lớn nhất của Singapore bỏ sự cạnh tranh qua một bên để cùng hướng tới một lời ích chung.

Ngày 18/8, các công ty gồm Grab, Foodpanda và Deliveroo đã cùng nhau thành lập Hiệp hội Công nghiệp Nền tảng Kỹ thuật số. Đây là ba nền tảng đang cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực giao đồ ăn tại Singapore và họ đang có lần hợp tác chính thức đầu tiên, nhằm giúp hình thành các hướng dẫn bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của nhân viên giao hàng.

grab-1660893934.jpg Tài xế giao đồ ăn cho GrabFood tại Singapore. (Ảnh: Bloomberg).

Động thái này phản ánh áp lực ngày càng tăng đối với các công ty thuộc nền kinh tế Gig như Uber Technologies, khi các chính phủ trên khắp thế giới xem xét các thay đổi chính sách để tăng lương hoặc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân viên hợp đồng - nhóm lao động thường không được hưởng phúc lợi như vị trí toàn thời gian.

Gig Economy hay kinh tế Gig là khái niệm ám chỉ một môi trường kinh tế mà trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, còn các công ty có xu hướng thuê những người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian.

Trong một nền kinh tế Gig, một lượng lớn người làm việc bán thời gian hoặc tạm thời. Kết quả của một nền kinh tế Gig là các dịch vụ rẻ hơn, hiệu quả hơn như Uber hoặc Airbnb cho những người sẵn sàng sử dụng chúng.

Các công ty giao đồ ăn như Grab, Foodpanda và Deliveroo vốn phát triển mạnh trong thời kỳ đại dịch, đang vấp phải chỉ trích, cho rằng họ đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội do không thưởng xứng đáng cho những người giao hàng. 

Đồng thời, nhóm ủng hộ quyền lợi cho người lao động đã chỉ trích mô hình kinh doanh được biết đến với cái tên Gig Economy đã tận dụng sự chênh lệch chi phí cho người lao động, và làn sóng chỉ trích diễn ra trên toàn cầu, theo Bloomberg.

Các công ty được hưởng lợi khi có người làm việc cho họ mà không phải gánh vác những trách nhiệm với người lao động, điều này trái ngược với các doanh nghiệp truyền thống.

Trong nhiều năm nay, các công ty đặt xe và giao đồ ăn đã xây dựng hình ảnh của những người lao động hợp đồng là những người quay cuồng, hối hả với công việc - thứ phù hợp với phong cách sống của họ.

Mặc dù không phải chịu trách nhiệm phúc lợi cho người lao động hợp đồng, nhưng các nền tảng này cũng có những hình phạt và phần thường để quản lý nhóm lao động, nhằm đưa họ vào guồng hoạt động ổn định, qua đó hạn chế quyền tự do mà họ có khi tham gia nền kinh tế Gig.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách của Đại học Quốc gia Singapore, người lao động phải chịu áp lực làm việc nhiều giờ để có được thu nhập đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Một số quan chức chính phủ Singapore trong năm nay đã công khai kêu gọi điều chỉnh, thúc đẩy các tiêu chuẩn tốt hơn cho người lao động.

Tuy nhiên, tờ Bloomberg nhận định ba gã khổng lồ này đang có động thái phủ đầu các nhà lập pháp. Trong thời gian tới, liên minh ứng dụng công nghệ cho biết họ sẽ phối hợp với chính phủ Singapore và các cơ quan quản lý để xác định những vần đề cần cải thiện.

Thông qua liên minh này, các nền tảng đặt xe và giao đồ ăn cũng sẽ cung cấp cho người lao động cơ hội đào tạo, tăng cường các tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn. 

 

Bạn đang đọc bài viết "Phía sau việc Grab bắt tay với đối thủ cạnh tranh" tại chuyên mục TIN TỨC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#