Phiên giao dịch ngày 2/6/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 2/6/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán MB – MBS

Khuyến nghị mua cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu 46.600 đồng/cp

MBS khuyến nghị MUA cổ phiếu PC1 của Công ty cổ phần tập đoàn PC1 (Sàn HOSE) với các luận điểm: 1) Là doanh nghiệp đứng đầu trong tổng thầu xây lắp các dự án nguồn và lưới điện trong nước hiện nay; 2) Ba dự án điện gió đưa vào vận hành cuối năm 2021 là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận; 3) Tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp và khai thác khoáng sản sẽ gia tăng hiệu quả kinh doanh của công ty trong trung và dài hạn.

4528-pc1
MBS khuyến nghị mua cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu 46.600 đồng/cp. Hình minh họa

Kết quả kinh doanh năm 2021 và quý 1.2022

Tổng doanh thu năm 2021 của PC1 tăng 47% trong khi lợi nhuận trước thuế tăng 37% so với 2020: Doanh thu PC1 đạt 9.813 tỷ đồng, tăng 47% so với 2020 và hoàn thành 123% kế hoạch cả năm. Lĩnh vực xây lắp có doanh thu tăng mạnh 120% khi đạt 6.714 tỷ đồng, lĩnh vực sản xuất điện tăng 124% với 928 tỷ đồng và lĩnh vực kinh doanh vật tư hàng hóa tăng 24% khi đạt 1.386 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp có sự sụt giảm 23% đạt 634 tỷ đồng và lĩnh vực bất động sản giảm mạnh 88% với 100 tỷ đồng do trong kỳ không có dự án mới đưa vào kinh doanh.

Lợi nhuận trước thuế đạt 890 tỷ đồng, tăng mạnh 37% so với 2020 và hoàn thành 150% kế hoạch cả năm: Lợi nhuận tăng mạnh trong kỳ nhờ doanh thu lĩnh vực xây lắp và sản xuất điện tăng, bên cạnh đó, trong năm công ty cũng đạt được 275 tỷ đồng lợi nhuận tài chính từ việc đánh giá lại giá trị khoản đầu tư vào CTCP khoáng sản Tấn Phát khi tăng sở hữu từ công ty liên kết thành công ty con. Lợi nhuận từ công ty liên kết CTCP khoáng sản Cao Bằng cũng tăng mạnh 380% trong kỳ khi đạt 86 tỷ đồng.

Doanh thu và lợi nhuận gộp lĩnh vực sản xuất điện tăng mạnh 297% và 369% trong quý I/2022: Trong quý 1/2022, doanh thu đạt 1.478 tỷ đồng, bằng 95% cùng kỳ 2021 và đạt 13,4% kế hoạch năm. Doanh thu mảng sản xuất công nghiệp và sản xuất điện tăng mạnh 10,2 lần và 3 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 350 trong đó lĩnh vực sản xuất điện đạt 286 tỷ đồng, chiếm đến 82% tổng lợi nhuận gộp. Lợi nhuận trước thuế đạt 184 tỷ đồng, bằng 225% cùng kỳ, đạt 27,4% kế hoạch cả năm.

Triển vọng kinh doanh năm 2022

Trong năm 2022, MBS đánh giá triển vọng kinh doanh của công ty cơ bản ổn định, lĩnh vực sản xuất điện sẽ dẫn dắt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khi có thêm 144MW công suất điện gió từ 3 nhà máy mới đi vào hoạt động từ cuối 2021, lĩnh vực xây lắp điện dự báo chững lại khi các dự án điện gió đã đi qua giai đoạn cao điểm đầu tư. Lĩnh vực bất động sản, 2 dự án Định Công và Yên Thường có quy mô 1.200 tỷ doanh thu dự kiến sẽ được thực hiện và hoàn thành trong năm 2022 trong khi các dự án lớn sẽ chuyển sang các năm tiếp theo.

MBS dự báo doanh thu năm 2022 đạt mức 9.073 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 764 tỷ đồng, lần lượt bằng 92% và 86% của năm 2021. Nếu bỏ qua doanh thu tài chính 2021 đạt được, lợi nhuận kinh doanh cốt lõi của công ty vẫn có sự tăng trưởng 24%.

Từ năm 2023, dự báo lĩnh vực bất động sản sẽ mang doanh thu và lợi nhuận trở lại khi dự án PCC1 Vĩnh Hưng, Thăng Long được hoàn thành. Bên cạnh đó, lĩnh vực khai thác khoáng sản dự kiến cũng bắt đầu mang lại doanh thu và lợi nhuận, sẽ làm kết quả kinh doanh của công ty gia tăng mạnh mẽ 52%.

Sử dụng phương pháp định giá từng phần các lĩnh vực kinh doanh của công ty và tổng hợp lại, MBS xác định giá trị cổ phiếu PC1 ở mức 46.600 đồng/cp, tương đương mức PE dự phóng 2022 là 22 lần, PE 2023 sẽ giảm nhanh xuống 14 lần.

Công ty chứng khoán BIDV – BSC

Chốt lãi cổ phiếu CTD tại ngưỡng 61.000 đồng/cp

CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE - Mã: CTD) có một phiên tăng điểm tốt với mẫu hình nến Marubozu gần như hoàn hảo cùng thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên. Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực, đường giá cổ phiếu hiện ở trên đường MA20 tuy nhiên vẫn nằm dưới đường MA50.

Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 54.4, chốt lãi tại ngưỡng 61.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 51.0.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

Xem xét mua cổ phiếu ITA ở mức giá hiện tại

Mức Stock Rating của ITA (CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - Sàn HOSE) ở mức 88 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của ITA đóng cửa tăng 2,1% với khối lượng giao dịch tăng 26% so với mức trung bình 20 phiên.

Đồng thời, rủi ro ngắn hạn giảm và đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên các nhà đầu tư nên mua vào ở các nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Chỉ báo dòng tiền ngắn hạn đang tăng dần và mức Sức mạnh giá của ITA vẫn trên 80 điểm. Đồng thời, xu hướng trung hạn ở mức TRUNG TÍNH.

Ngoài ra, xu hướng dài hạn vẫn duy trì ở mức TĂNG và đồ thị giá đã có dấu hiệu kết thúc giai đoạn điều chỉnh sóng 4 và bước vào chu kỳ sóng tăng 5. Xu hướng ngắn hạn của ITA cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại.

Xem xét mua cổ phiếu NT2 ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5%

CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE - Mã: NT2) ghi nhận doanh thu Q1/2022 đạt 2.007 tỷ đồng, tăng 22% YoY, LNST đạt 160 tỷ đồng, tăng 39% YoY, tương đương 25% kế hoạch doanh thu và 34% kế hoạch LNST 2022. Doanh thu Q1/2022 tăng trưởng nhờ sản lượng điện sản xuất hồi phục và giá bán điện trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) khả quan hơn dự kiến. Theo đó, tuy giá khí đầu vào gia tăng nhưng nhờ giá đầu ra tăng cao hơn, biên lợi nhuận Q1 vẫn cải thiện lên mức 9,2% (cùng kỳ 9%). Lợi nhuận NT2 tăng mạnh còn nhờ chi phí lãi vay giảm 47% YoY, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 27% YoY.

Giá bán trung bình trong Q1/2022 của NT2 là 2.017 đồng/kWh (+17% YoY). FSC cho rằng giá bán điện trên thị trường CGM sẽ tiếp tục duy trì đà tăng do 1) nhu cầu điện phục hồi khi các hoạt động sản xuất - chế tạo tiếp tục phục hồi mạnh tính tới tháng 5 hiện tại; và 2) điện than đang chịu áp lực thiếu sản lượng than đầu vào trong khi giá than nhập khẩu vẫn đang tiếp tục tăng mạnh.

Bên cạnh đó, chi phí lãi vay của NT2 tiếp tục giảm mạnh. NT2 đã trả hết nợ vay dài hạn từ cuối Q2/2021, do đó, FSC nhận thấy chi phí lãi vay Q2/2022 sẽ tiếp tục thấp hơn khi so sánh với nền cùng kỳ 2021. Một yếu tố khác là cổ tức, NT2 có lịch sử trả cổ tức tiền mặt đều đặn hàng năm ở mức 15-20% trên mệnh giá, theo FSC đánh giá là khá hấp dẫn và ổn định.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, NT2 đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 11,4x (tương ứng EPS TTM là 2.009 đồng). Mức Stock Rating của NT2 ở mức 80 điểm cho nên FSC nâng mức đánh giá lên TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu NT2.

Đồ thị giá của NT2 đóng cửa tăng 2,6% với khối lượng giao dịch tăng mạnh so với mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá của NT2 bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn của NT2 cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng nếu Sức mạnh giá trên 80 điểm.

Công ty chứng khoán Phú Hưng –PHS

Khuyến nghị mua cổ phiếu BSR với giá mục tiêu 32.300 đồng/cp

Trong quý I/2022, doanh thu thuần của CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM - Mã: BSR) đã tăng lên 34,8 nghìn tỷ đồng (+65% YoY) và LNST cũng tăng, nhưng ở mức khiêm tốn hơn, lên đến 2,3 nghìn tỷ đồng (+25% YoY). Đây là một mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh nguồn cung trên toàn thế giới thiếu hụt và giá dầu tăng đột biến do xung đột vũ trang khốc liệt ở Ukraine và các lệnh trừng phạt theo sau đó có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, biên lọc dầu cũng được mở rộng đáng kể nhờ sự phục hồi của nhu cầu xăng dầu từ các hoạt động sản xuất và vận tải trên toàn quốc.

PHS kỳ vọng, doanh thu của BSR sẽ tăng trong năm 2022 trong điều kiện giá dầu và khí đốt tăng cao trong thời gian dài khi Nga, một trong những nhà cung cấp lớn nhất, ngày càng bị cô lập trong mua bán dầu khí với nhiều nước, đặc biệt là EU và các nước G7 khác. Ở kịch bản cơ sở, khi giá dầu ổn định ở mức 90 USD/thùng, doanh thu thuần có thể đạt 138,5 nghìn tỷ đồng (+37% YoY) và LNST đạt 9,7 nghìn tỷ đồng (+46% YoY). Kể từ năm 2021, biên lợi nhuận đã có sự cải thiện khi nền kinh tế nhanh chóng phục hồi trở lại trạng thái bình thường, dẫn đến giá xăng dầu và sản phẩm hóa dầu khác tăng cao.

Điểm nhấn đầu tư: (1) Sự phục hồi mạnh mẽ của sản lượng bán dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2022 từ mức thiệt hại nặng nề do đại dịch và các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. (2) Trong khi DQRE thường xuyên hoạt động trên 100% công suất thiết kế, công ty cũng đang mở rộng quy mô sản xuất với một dự án đầy tham vọng nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng, dự án này sẽ giúp khỏa lấp nguồn cung thiếu hụt trong nước và cho phép nhà máy xử lý được dầu thô chua, có giá thành thấp nhưng khó khăn trong việc xử lý. (3) Trong khi mức tiêu thụ xăng dầu trên đầu người của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, thì tốc độ tăng trưởng ô tô đang diễn ra rất nhanh chóng và người dân có xu hướng di cư ra xa các trung tâm đô thị. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu thụ xăng dầu và thắp sáng triển vọng dài hạn cho BSR.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá hợp lý là 32.300 đồng/cổ phiếu. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị MUA với mức tăng giá tiềm năng là 30%. Định giá của PHS bao gồm dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, điều này giúp phản ánh giá trị của BSR một cách đầy đủ.

Rủi ro: (1) Sự xuất hiện các chủng virus Corona mới có thể kháng vaccine (2) Thay đổi bất lợi trong chính sách điều hành của chính phủ. (3) Nạn buôn lậu xăng dầu dai dẳng.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.