Ông Lê Đình Tuấn, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn EverLand (HOSE - Mã: EVG) đã mua hơn 2,8 triệu cổ phiếu EVG từ 21/6 đến 18/7 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Sau giao dịch, lượng cổ phiếu ông Tuấn nắm giữ tăng từ 1,7 triệu cổ phần (tỷ lệ 0,78%) lên 4,5 triệu cổ phần (tỷ lệ 2,1%). Như vậy, ông Tuấn không mua toàn bộ 5 triệu cổ phiếu EVG như đã đăng ký.
Ở diễn biến khác, ông Lê Đình Vinh, Chủ tịch HĐQT EVG - anh ruột của ông Lê Đình Tuấn, cũng đang sở hữu 26,33% cổ phần EVG, tương đương gần 56,67 triệu cổ phiếu. Theo nghị quyết cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, EVG đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 1.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 78,2 tỷ đồng, tăng lần lượt 71% và 246% so với thực hiện năm 2021.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 25/7, cổ phiếu EVG giảm 1,22% xuống mức 6.500 đồng/cp, tương đương giảm 64% so với mức đỉnh 18.500 đồng/cp đầu tháng 1 năm nay (xét theo giá điều chỉnh).
Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý I/2022, EVG ghi nhận tổng doanh thu thuần công ty mẹ 192 tỷ đồng, tăng 13,5% và lợi nhuận sau thuế 4,8 tỷ đồng, tăng 33,8%. Lý giải về sự tăng trưởng này, đại diện Everland cho biết, là do từ đầu năm 2022, đơn vị đã thực hiện các giải phap phục hồi và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi tình hình Covid-19 được khống chế. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm Everland hoàn thành 16% kế hoạch doanh thu và 6,1% chỉ tiêu lợi nhuận.
Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của EVG đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua với các chỉ tiêu tăng trưởng mang tính đột phá: Tổng doanh thu hợp nhất đạt 2.200 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 4.200 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 127.9 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 102.3 tỷ đồng. Những chỉ tiêu này là hoàn toàn mang tính khả thi trong điều kiện nền kinh tế có sự phục hồi mạnh mẽ, các thị trường bất động sản, xây dựng, du lịch và dịch vụ đang ấm dần lên, tạo điều kiện thuận lợi để EVG đẩy manh các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình.
Trong năm 2022 EVG dự kiến sẽ đẩy mạnh triển khai hàng loạt dự án bất động sản tại Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Tháp… và bắt đầu mở bán sản phẩm bất động sản tại một số dự án đủ điều kiện. Qua đó sẽ ghi nhận một tỷ trọng đáng kể doanh thu bất động sản trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn.
Đón đầu làn sóng phục hồi du lịch sau đại dịch covid-19, EVG và các công ty thành viên sẽ tung ra thị trường các sản phẩm tour mới hấp dẫn, gắn với các thương hiệu Crystal Holidays, Avtive Travel Asia, Mekong Rustic…Ngoài ra, EVG cũng phát triển thêm nhiều loại hình dịch vụ du lịch mới lạ, độc đáo để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch trong và ngoài nước. Lĩnh vực du lịch và dịch vụ cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của EVG.
Năm 2022, doanh nghiệp sẽ phát hành thêm 90 triệu cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ, tăng vôn điều lệ từ 2.152,5 tỷ đồng lên 3.052,5 tỷ đồng. Giá chào bán được ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định tại thời điểm chào bán. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Với tổng số tiền 900 tỷ đồng dự kiến thu được, đơn vị sẽ dùng 550 tỷ đồng cho CTCP Everland Vân Đồn vay để bổ sung nguồn vốn thực hiện dự án tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn, 185 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động cho Tập đoàn Everland, và 165 tỷ đồng trả nợ cho các nhà cung cấp.
Nhìn lại dấu ấn năm 2021, mặc dù dịch covid-19 bùng phát trên cả nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp và người dân, nhưng đối với Tập đoàn Everand thì năm 2021 vẫn là một năm có nhiều thành công.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 đã được kiểm toán, tổng doanh thu của EVG đạt 968,37 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 29,78 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 2.030 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 1.566 tỷ đồng. Các chỉ tiêu trên đều tăng trưởng khá cao so với năm 2020.
Bên cạnh đó, bức tranh tài chính doanh nghiệp của EVG năm 2021 vẫn cho thấy sự ổn định vững chắc. Các chỉ tiêu tài chính cơ bản đều ở ngưỡng rất an toàn, nợ phải thu phải trả nằm trong sự kiểm soát, giá trị hàng tồn kho giảm, dư nợ tín dụng gần trở về mức 0 đồng. Đến nay EVG chưa dùng đòn bẩy tài chính và chưa sử dụng công cụ trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn, mà chủ yếu dùng vốn chủ sở hữu cho các hoạt động đầu tư. Đây là điều hiếm thấy trên thị trường đối với một doanh nghiệp niêm yết có quy mô đầu tư tương tự như EVG hiện nay.
Năm 2021, EVG cũng đã hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ lên thành 2.152 tỷ đồng để phục đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư các dự án bất động sản mà tập đoàn đang triển khai và một phần để bổ sung vốn lưu động của tập đoàn.