Dow Jones giảm 66,77 điểm, tương đương 0,19%, xuống 34.297,73 điểm.
S&P 500 giảm 53,68 điểm, tương đương 1,22%, xuống 4.356,45 điểm.
Nasdaq giảm 315,83 điểm, tương đương 2,28%, xuống 13.539,3 điểm.
Phố Wall diễn biến tương tự phiên 24/1, biến động liên tục giữa giảm sâu và tăng nhẹ và không đóng cửa thấp nhất phiên. S&P 500 tiếp tục cận kề vùng điều chỉnh khi chốt phiên thấp hơn 9,2% so với đỉnh ngày 3/1 (sẽ vào vùng điều chỉnh nếu mức giảm so với đỉnh gần nhất là 10% hoặc hơn). Trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500, năng lượng tăng mạnh nhất, công nghệ ở chiều ngược lại.
“Chúng ta đang đi men theo ranh giới 10% này và nhà đầu tư tự hỏi ‘đã đến lúc bảo vệ vốn của tôi bằng cách bán cổ phiếu hay là bắt đáy?’”, Tom Martin, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại GLOBALT, Atlanta, bang Georgia, nói.
Chỉ số CBOE VIX đo biến động thị trường đóng cửa cao nhất kể từ ngày 29/1/2021.
Căng thẳng địa chính trị càng khiến nhà đầu tư thêm bất an với NATO triển khai đặt lực lượng trong trạng thái sẵn sàng và Mỹ yêu cầu bình sĩ tăng cường cảnh giác sau khi Nga tăng tuân dọc biên giới với Ukraine. Tình trạng này đẩy giá dầu thô tăng do lo ngại nguồn cung bị ảnh hưởng.
Mùa báo cáo lợi nhuận quý IV/2021 tiếp tục với 79 công ty trong S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh, 81% số này vượt kỳ vọng, theo Refinitiv, nhưng cũng có những cái tên gây thất vọng như Netflix. Giới phân tích ước tính tăng trưởng lợi nhuận của S&P 500 trong quý IV/2021 là 24,1%.
Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) họp chính sách tiền tệ trong hai ngày 25 – 26/1. Thị trường sẽ theo dõi thông báo sau cuộc họp cùng với cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell sau đó để có cái nhìn rõ hơn về lộ trình tăng lãi suất ứng phó lạm phát.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 25/1 là 13,13 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với trung bình 20 phiên 11,23 tỷ cổ phiếu.