Vài tuần trước, ngân hàng Mỹ JP Morgan đưa ra một cảnh báo: Nếu Nga dừng hoàn toàn việc xuất khẩu dầu mỏ, cú "sốc" mà thế giới hứng chịu sẽ lớn tới mức giá dầu có thể tăng gấp 4 lần lên mốc gần 400 USD/thùng. Giá dầu hiện tại xoay quanh mốc 100 USD/thùng.
Vì thế giới vẫn còn đang phụ thuộc rất lớn vào dầu mỏ, cú "sốc" cho nền kinh tế thế giới có thể sẽ còn tồi tệ hơn là vào cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1970 và kịch bản suy thoái nghiêm trọng là có khả năng xảy ra.
Nga không chỉ là cường quốc dầu mỏ mà họ còn là "ông lớn" về mặt hàng khí đốt. Tuần này, Nga tạm ngắt van đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 để thực hiện việc bảo trì định kỳ. Tuy nhiên, châu Âu đang như "ngồi trên đống lửa" vì lo ngại kịch bản Nga sẽ không mở lại van. Trong những tháng qua, lượng khí đốt của Nga chảy sang châu Âu đã giảm dẫn tới việc giá mặt hàng này tăng phi mã. Nếu Nga ngắt van khí đốt dài hạn, đây sẽ được xem là "lá bài" quan trọng nhất, gây ra tác động sâu rộng tới phương Tây, theo Independent.
Nga đã kiếm thêm được hàng tỷ USD từ việc giá dầu mỏ và khí đốt tăng mạnh kể từ khi họ bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Giá dầu và khí đốt được quy định trên thị trường quốc tế, nhưng trên thị trường đó, Nga là bên quan trọng, có sức mạnh chi phối. Vì vậy, một lệnh cấm quyết liệt từ Nga có thể sẽ ngay lập tức đẩy giá năng lượng lên mức rất cao như dự đoán của JP Morgan.
Trong khi Mỹ vẫn có nguồn cung dầu mỏ thì châu Âu lại phụ thuộc lớn vào Nga. Ngành công nghiệp của Đức và Italy sẽ bị tê liệt do chi phí năng lượng cao hơn và hàng nghìn công ty sẽ phá sản. Hàng triệu người sẽ thất nghiệp và hóa đơn năng lượng của họ sẽ tăng vọt. Họ sẽ không thể có đủ tiền để mua năng lượng nấu thức ăn hoặc lái xe ô tô.
Trong thời gian qua, phương Tây cáo buộc Nga đã "vũ khí hóa" năng lượng hóa thạch như một động thái trả đũa lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh. Moscow đã cắt nguồn cung khí đốt tới một vài quốc gia châu Âu khi họ không thanh toán bằng rúp.
Một số chuyên gia cho rằng, Nga sẽ không có động thái quyết liệt nhằm cắt đứt nguồn thu quan trọng từ năng lượng, nhưng theo Independent, Moscow có thể đã có sự chuẩn bị về mặt ngân sách từ nhiều năm cho kịch bản như vậy.
Mặt khác, nếu Nga đột ngột ngừng xuất năng lượng, điều này sẽ gây nên cú sốc lớn cho các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu khí. Các thị trường chứng khoán sẽ lao dốc và các công ty sẽ phá sản vì khủng hoảng năng lượng. Điều này có thể khiến phương Tây sụt giảm quyết tâm trong việc hỗ trợ tài chính Ukraine.
Theo các chuyên gia, phương Tây có thể phải đẩy nhanh việc chuẩn bị để giảm bớt ảnh hưởng bởi các "lá bài" năng lượng của Nga. Họ có thể ban hành các nghị định khẩn cấp để phát triển năng lượng gió và mặt trời ở tốc độ công nghiệp.
Họ có thể dọn đường cho các nhà máy năng lượng mặt trời và gió mới được triển khai nhanh chóng. Các nhà máy năng lượng sạch có thể được xây dựng nhanh chóng với giá thành rẻ. Đây có thể là cách nhanh và đơn giản nhất mà châu Âu có thể thực hiện để giảm bớt thiệt hại nếu Nga thực sự có động thái quyết liệt trong lĩnh vực năng lượng.