Phương Tây khó siết chặt trừng phạt Nga

Sự đoàn kết giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu một lần nữa bị thử thách bởi khác biệt trong kế hoạch siết chặt hơn nữa các biện pháp cấm vận Nga.
Nga tan cong Ukraine anh 1

 

Trong các cuộc họp tuần qua của NATO, G7 và EU, Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo phương Tây cho thấy sự thống nhất không gì suy chuyển ủng hộ Ukraine, tăng cường viện trợ quân sự, tài chính, nhân đạo cho chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky để tự vệ trước chiến dịch quân sự của Nga.

"Moscow muốn chia rẽ NATO. Nhưng ngày hôm nay, NATO đang đoàn kết hơn bao giờ hết", Tổng thống Biden phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ.

Tuy vậy, sau khi công bố liên tiếp các gói trừng phạt nhằm vào sức mạnh kinh tế của Nga, phương Tây đang gặp khó trong kế hoạch hành động tiếp theo.

Một số nước kêu gọi tung ra thêm các lệnh trừng phạt mới, trong khi một số khác muốn tập trung củng cố hiệu quả các lệnh trừng phạt đã được sử dụng.

Nga tan cong Ukraine anh 2

Natalya Vakula, 44 tuổi, trở thành người tàn tật sau khi nhà của cô ở Chernihiv trúng pháo kích. Ảnh: AP.

Phương Tây mâu thuẫn

Tâm điểm tranh cãi xoay quanh lệnh trừng phạt với ngành năng lượng Nga, cũng như ảnh hưởng của các biện pháp cấm vận mới với nền kinh tế các nước châu Âu.

"Các lệnh trừng phạt phải gây thiệt hại cho Nga lớn hơn so với tác động tới châu Âu. Cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga sẽ gây ra tác động tồi tệ cho nền kinh tế châu Âu, tôi nghĩ điều này không cần thiết", Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết.

Trong khi Mỹ đang lên kế hoạch áp đặt các biện pháp cấm vận bổ sung, việc EU không phối hợp có thể giúp nền kinh tế Nga hạn chế thiệt hại.

Sau khi mất giá 40%, đồng rúp Nga đã lấy lại được một phần giá trị trong hai tuần qua.

Nga tan cong Ukraine anh 3

Một khu chung cư ở Kharkiv bị phá hủy do trúng pháo kích của Nga. Ảnh: AP.

"Lý do đồng rúp hồi phục về cơ bản là do thị trường nhận ra có một số lỗ hổng trong lệnh trừng phạt để Moscow và các ngân hàng Nga khai thác", Nathan Sales, cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Donald Trump, nói.

Washington đã nhận ra vấn đề này. Tổng thống Biden và các trợ lý khẳng định các biện pháp trừng phạt tập thể của phương Tây sẽ tạo ra tác động mạnh mẽ hơn nhiều cấm vận đơn phương.

Dưới thời Trump, Washington và châu Âu mâu thuẫn với nhau khi Mỹ đơn phương cấm vật các công ty làm ăn cùng Iran, Cuba, cũng như dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.

Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa hoàn toàn cắt đứt liên hệ giữa khu vực ngân hàng Nga với hệ thống tài chính toàn cầu. Washington cũng chưa cấm vận toàn bộ ngành năng lượng Nga hay tung ra lệnh trừng phạt thứ cấp nhắm vào các công ty nước ngoài làm ăn với các đối tượng bị trừng phạt.

Thay vào đó, Nhà Trắng đang tìm cách tăng cường hiệu quả của các lệnh trừng phạt sẵn có.

"Một trong các mục tiêu quan trọng sắp tới là nỗ lực tập thể bảo đảm ngăn chặn mọi hình thức né tránh lệnh trừng phạt, giúp Nga qua mặt lệnh trừng phạt, bất kể quốc gia nào đứng sau", Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết.

Dầu mỏ và khí đốt là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm 60% giá trị xuất khẩu của Nga năm 2021.

Khi còn có thể kiếm tiền từ xuất khẩu dầu khí, và các ngân hàng vẫn kết nối với hệ thống tài chính toàn cầu, Nga vẫn có thể tiếp cận nguồn cung ngoại tệ mạnh để trả nợ và kiểm soát giá trị đồng rúp.

Những người chỉ trích chính quyền Biden kêu gọi Nhà Trắng sử dụng toàn bộ sức mạnh nền kinh tế Mỹ để trừng phạt Nga.

Theo Thượng nghị sĩ Pat Toomey, thành viên Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, cấm vận ngành năng lượng Nga, cùng với duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine, "là cơ hội tốt nhất để Mỹ buộc Điện Kremlin" lập tức chấm dứt chiến dịch quân sự.

Nga tan cong Ukraine anh 4

Người dân ở Lviv phải trú ẩn trong hầm sau khi có báo động không kích. Ảnh: AP.

Siết chặt cấm vận như thế nào?

Giới chức Mỹ cho biết sự phục hồi của đồng rúp sẽ chỉ trong ngắn hạn. IMF cũng như nhiều tổ chức kinh tế toàn cầu nhận định các lệnh trừng phạt sẽ khiến nền kinh tế Nga lao dốc.

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva dự đoán Nga sẽ đối mặt suy thoái kinh tế sâu. Viện nghiên cứu quốc tế Pháp, một liên hiệp của các công ty tài chính toàn cầu, đánh giá cấm vận sẽ xóa sạch ít nhất là 15 năm thành quả phát triển kinh tế của Nga.

"Gọng kìm sẽ siết chặt thêm mỗi ngày", ông Sullivan nói, đồng thời thời cho biết đang cân nhắc các công cụ trừng phạt tiếp theo.

Trong tuần tới, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo sẽ tới châu Âu để tìm cách khỏa lấp lỗ hổng trong các lệnh trừng phạt hiện nay và lộ trình hành động sắp tới. Ông Adeyemo là chiến lược gia phía sau chính sách phối hợp cấm vận chưa từng có giữa Mỹ và EU hiện nay.

Nga tan cong Ukraine anh 5

Một khu chung cư ở Mariupol bị phá hủy hoàn toàn do trúng pháo kích của Nga. Ảnh: Reuters.

Ngoài khả năng cấm vận xuất khẩu năng lượng và loại các ngân hàng còn lại của Nga khỏi SWIFT, Mỹ có thể tung ra lệnh trừng phạt thứ cấp nhắm vào các doanh nghiệp nước ngoài còn đang làm ăn với Nga.

Một lựa chọn khác là chỉ cho phép Nga sử dụng nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng để Nga mua một số sản phẩm nhân đạo cụ thể, thông qua các tài khoản ký quỹ đặc biệt, đây là cách phương Tây từng làm với Iran.

Trong các cuộc họp tuần qua, giới lãnh đạo EU cam kết sẽ trừng phạt các nước giúp Nga né tránh cấm vận quốc tế.

Nhằm tăng cường khả năng trừng phạt ngành năng lượng Nga, Mỹ và EU cũng công bố thỏa thuận cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng tới châu Âu. Đây là nỗ lực nhằm giảm sự lệ thuộc của nhiều nước châu Âu vào khí tự nhiên giá rẻ của Nga.

Washington và Brussels cũng đưa ra lộ trình giải quyết các bất đồng giữa hai bờ Đại Tây Dương về một số vấn đề khác như chuyển giao dữ liệu.

Giới chức Mỹ và EU khẳng định hành động của phương Tây trong tương lai sẽ tương xứng với những bước đi của ông Putin ở Ukraine.

Đức là một trong những nước lệ thuộc nặng nề nhất vào dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu từ Nga. Chính phủ Đức cảnh báo về cái giá đắt nếu áp đặt thêm trừng phạt với Moscow.

Nga tan cong Ukraine anh 6

Một người cao tuổi được cảnh sát Ukraine di tản khỏi Irpin sau khi nhà của bà bị pháo kích phá hủy. Ảnh: AP.

Tuy vậy, một số quan chức Đức thừa nhận thiệt hại của thường dân ở Ukraine tăng lên sẽ buộc Berlin tung ra các lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn như cấm nhập khẩu dầu khí, than, thậm chí cắt đứt hoàn toàn thương mại với Nga.

Trong nội bộ EU, một số nước như Đức, Italy, Hy Lạp và Hungary cho rằng khối nên tập trung đẩy mạnh các lệnh trừng phạt hiện có. Trong khi đó, nhóm khác như Ba Lan, Thụy Điển, Ireland muốn hành động mạnh mẽ hơn.

Tranh cãi cũng đang âm ỉ xoay quanh quyết định cấm tàu thuyền mang cờ Nga cập cảng EU. Dù đã được công bố từ lâu, biện pháp trừng phạt này hiện chưa được thực hiện nghiêm chỉnh.

"EU không thể đứng nhìn khi thường dân đang chịu thương vong ở Ukraine. Chúng ta phải cùng nhau tạo áp lực tối đa nhằm chấm dứt xung đột", lãnh đạo Ba Lan, Latvia, Lithuania và Estonia viết trong thư gửi các lãnh đạo EU hôm 24/3.

Nhịp sống tại thủ đô của Ukraine những ngày giao tranh Người dân Kyiv những ngày này vẫn ra đường và đã bình tĩnh hơn so với thời điểm giao tranh bắt đầu. Các dịch vụ thiết yếu vẫn được duy trì tại thủ đô của Ukraine.