PVcomBank giấu lỗ quý I/2021?

Quý I/2021, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) báo lãi sau thuế khoảng 8,9 tỷ đồng, nhưng kiểm toán không nghĩ vậy.

Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) vừa mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021 với lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 8,9 tỷ đồng, suy giảm gần 42% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, kiểm toán cho rằng con số trên chưa phản ánh đúng thực tế.

Cụ thể, theo báo cáo của PVcomBank, trong quý I/2021, nguồn thu chính của PVcomBank ghi nhận tăng khá 31% lên 510 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Hoạt động dịch vụ cũng đạt gần 71 tỷ đồng, tăng 66%.

PVcomBank lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối gần 20 tỷ đồng, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh cũng suy giảm 56%; mua bán chứng khoán đầu tư cũng lao dốc hơn 74% về còn 31,6 tỷ đồng; thu nhập từ góp vốn mua cổ phần giảm hơn 17% về 10,7 tỷ đồng.

pvcombank giau lo quy i2021
Quý I/2021, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) báo lãi sau thuế khoảng 8,9 tỷ đồng, nhưng kiểm toán không nghĩ vậy.

Trong khi nguồn thu suy giảm mạnh thì chi phí của PVcomBank lại tăng gần 26% khi chiếm 586 tỷ đồng, cộng thêm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng hơn 28 tỷ đồng, giảm 53%.

Quý 1/2021, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư chỉ đạt 31,7 tỷ đồng, giảm 93,3 tỷ đồng, tương đương 74,6%. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này chỉ đạt gần 9 tỷ đồng, giảm 6,4 tỷ đồng, tương đương 41,6% so với cùng kì. Với khoản lãi chỉ gần 9 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận/vốn tại PVcombank là con số rất khiêm tốn, chỉ khoảng 0,9%.

Đáng nói, Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, đơn vị thực hiện kiểm toán tại Pvcombank lại đưa ra nhiều lưu ý đối với người đọc báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng này.

Đọc báo cáo tài chính hợp nhất của PVcomBank có thể thấy, tại thời điểm 31/3/2021, nợ xấu của PVcombank là 2.626 tỷ đồng, chiếm 3,06% tổng dư nợ tín dụng, cao hơn mức “trần” 3% mà Ngân hàng Nhà nước quy định trong khi nợ có khả năng mất vốn tăng nhẹ từ 1.157 tỷ đồng lên 1.202 tỷ đồng.Đây là nợ xấu nội bảng.

Ngoài ra, PVcombank còn có trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành giá trị lên đến 5.717 tỷ đồng, không đổi so với thời điểm đầu năm 2021.

Đây là khoảng thời gian Ngân hàng Nhà nước cho phép hệ thống ngân hàng được giãn nợ, cơ cấu lại nợ. Nghĩa là trên thực tế, nợ xấu có thể cao hơn báo cáo.

Thế nhưng, thay vì tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, PVCombank lại cắt giảm chỉ tiêu này từ 69 tỷ đồng xuống 38,7 tỷ đồng. Nếu PVcombank giữ nguyên chi phí dự phòng rủi ro tín dụng như quý 1/2020 thì ngân hàng dự lỗ khoảng 21,3 tỷ đồng.

Nói cách khác, các số liệu tài chính cho thấy PVComBank có thể đã “giấu lỗ” bởi nợ xấu đứng im trong khi ngân hàng lại cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng để báo lãi.

Đây không phải lần đầu tiên lợi nhuận của PVcomBank khiến dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi.

Trước đó, Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, đơn vị thực hiện kiểm toán tại Pvcombank từng cho rằng nếu hạch toán đúng quy định hiện hành, tổng lợi nhuận trước thuế của PVcomBank năm 2020 có thể sẽ giảm trên 569 tỷ đồng, tương ứng mức lỗ mà ngân hàng này phải gánh là gần 500 tỷ đồng.

AASC cho biết tại ngày 31/12/2020, PvcomBank chưa thực hiện phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu đầy đủ đối với các khoản cho vay của khách hàng theo quy định hiện hành. Báo cáo kiểm toán độc lập cho rằng, nếu ngân hàng thực hiện theo đúng quy định thì tổng lợi nhuận trước thuế sẽ giảm 541,189 tỷ đồng.

AASC còn đưa thêm ý kiến loại trừ rằng PVcomBank chưa thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho các tài sản có nội bảng khác đầy đủ theo quy định hiện hành. Nếu thực hiện đúng, chỉ tiêu “lợi nhuận chưa phân phối” sẽ giảm 253,924 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế sẽ giảm khoảng 130,262 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, AASC cho biết có một vài chỉ tiêu trị giá hàng trăm tỷ đồng tại PVcomBank mà hãng “không thể xác định được”.

Đó là thực trạng đã và đang diễn ra tại ngân hàng này trong nhiều năm qua.

Có thể kể đến là tại ngày 31/12/2018, PvcomBank cũng chưa thực hiện phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu đầy đủ đối với các khoản cho vay của khách hàng theo quy định hiện hành. AASC khẳng định nếu ngân hàng thực hiện đúng quy định thì chỉ tiêu “lợi nhuận chưa phân phối” sẽ giảm 610,328 tỷ đồng.

Và dù có lãi gần 9 tỷ đồng thật thì PVcomBank vẫn là nhà băng có lợi nhuận thấp nhất trong số 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2021.