Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 6/2, ông Bostic nói rằng nếu nền kinh tế vẫn tiếp tục mạnh mẽ hơn dự báo, “chúng tôi có thể sẽ phải làm việc nhiều hơn. Và tôi cho rằng điều đó có nghĩa là Fed sẽ phải nâng lãi suất lên cao hơn mức tôi đang ước tính lúc này.”
Ông Bostic tái khẳng định kịch bản cơ cở của ông là lãi suất sẽ lên mức 5,1%, tương đồng với dự báo trung vị của các quan chức Fed trong cuộc họp tháng 12, và duy trì ở mức này trong suốt năm 2024.
Lãi suất quỹ liên bang do Fed ấn định đang ở khoảng 4,5 – 4,75%. Để lãi suất lên tới mức 5,1% mà các ông Bostic và các quan chức khác dự báo, Fed có thể sẽ phải quyết định nâng lãi suất hai lần nữa, mỗi lần 25 điểm cơ bản (bps), hoặc có thể là một lần nâng 50 bps.
Nếu Fed hành động mạnh tay hơn dự kiến của ông Bostic, lãi suất có thể sẽ tăng ba lần, mỗi lần 25 bps.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đi lên sau khi phát biểu của ông Bostic được phát sóng, thị trường chứng khoán Mỹ giảm sút rồi sau đó phục hồi một phần.
Trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2023 diễn ra hôm 31/1 và 1/2, các quan chức Fed đã nâng lãi suất thêm 25 bps, giảm so với tốc độ tăng 50 bps trong cuộc họp tháng 12 và 75 bps trong 4 cuộc họp liên tiếp trước đó.
Nhà đầu tư ngày càng lo ngại về nguy cơ lãi suất sẽ tiếp tục tăng mạnh sau khi báo cáo việc làm tháng 1 được công bố hôm 3/2 cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo ra tới 517.000 việc làm mới, vượt xa dự báo 187.000 của các chuyên gia do Dow Jones khảo sát. Tỷ lệ thất nghiệp tháng đầu năm 2023 giảm xuống còn 3,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 5/1969.
Chủ tịch chi nhánh Atlanta của Fed không được biểu quyết chính sách tiền tệ trong năm 2023 nhưng ông được tham dự các cuộc họp và đưa ra ý kiến của mình. Ông Bostic cho rằng các quan chức cần phải tìm hiểu xem báo cáo việc làm tháng 1 có phải là “thông tin dị biệt” hay không , nếu có thì ông sẽ “cần xem xét kỹ hơn một chút”.
Theo ông Bostic, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cũng có thể xem xét quay lại chính sách nâng lãi suất thêm 50 bps như đã làm trong tháng 5 và tháng 12/2022. Tuy nhiên, đây không phải là kịch bản mà ông trông đợi nhất. Trong cuộc họp tuần trước, ông Bostic ủng hộ giảm nhịp độ nâng lãi suất xuống 25 bps.
“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu nền kinh tế quý này hoặc quý sau tỏ ra mạnh mẽ hơn mọi người đang kỳ vọng ngay lúc này,” ông Bostic cho biết, đồng thời nói thêm rằng ông đang tập trung vào “sự mất cân bằng giữa cung và cầu” vì lực cầu quá lớn có thể dẫn tới lạm phát cao hơn.
“Nhiệm vụ số một của chúng tôi phải là đưa lạm phát quay lại tầm kiểm soát,” Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta nói. “Và tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để hoàn thành nhiệm vụ này”.
Ông Bostic cho biết kể cả sau khi đã tạm dừng nâng lãi suất, Ủy ban FOMC của Fed có thể quyết định tăng lãi suất trở lại nếu cần thiết. Ông kỳ vọng lạm phát sẽ rơi xuống gần mức 3% trong năm 2023, vẫn lớn hơn nhiều so với mục tiêu dài hạn 2% của Fed và đòi hỏi lãi suất phải duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.
“Lạm phát càng xuống gần mức mục tiêu, nỗ lực hạ lạm phát sẽ càng tốn nhiều thời gian”, ông Bostic nói. “Tôi muốn chắc chắn rằng chúng tôi đang ở đúng chỗ trước khi bắt đầu nới lỏng chính sách vì điều quan trọng nhất vào lúc này là đưa thước đo sự ổn định giá cả của chúng tôi về gần ngưỡng mục tiêu nhất có thể”.
Phát biểu trước các phóng viên vào chiều 1/2, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết các quan chức của ngân hàng trung ương Mỹ dự báo sẽ cần nâng lãi suất thêm “đôi lần” nữa rồi mới có thể tạm nghỉ.
Fed đang cố gắng hạ nhiệt đà tăng của tiền lương để hoàn thành mục tiêu đưa lạm phát về ngưỡng 2%. Báo cáo việc làm tháng 1 cho thấy tiền lương bình quân theo giờ tăng 0,3% so với tháng 12 và cao hơn 4,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Báo cáo việc làm cho thấy thị trường lao động vẫn hoạt động mạnh mẽ. Các quan chức Fed cho biết mục tiêu của tổ chức này là hạ tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Mỹ xuống dưới mức trung bình dài hạn để đảm bảo rằng áp lực giá cả được đưa về mức trước COVID-19.
Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta cho biết báo cáo việc làm tháng 1 khả quan đã giúp cải thiện triển vọng nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm.