Quốc hội Mỹ sẽ nâng trần nợ để tránh 'thảm họa tài chính' toàn cầu?

Mỹ đang đứng trước sức ép nâng trần nợ để tránh thảm họa cho chính nước này lẫn nền kinh tế toàn cầu.

Vào tháng 1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết nước này đã chạm mức trần nợ công 31.400 tỉ USD và chính phủ cần phải thực hiện "các biện pháp đặc biệt" để tránh nguy cơ vỡ nợ vào sớm nhất là tháng 6, theo hãng tin AP.

Với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, việc Mỹ vỡ nợ có tác động tiêu cực đến không chỉ nước này mà còn tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào thời điểm mà hầu hết các quốc gia chứng kiến sự tăng trưởng chậm lại, theo tờ The New York Times.

bo-tai-chinh-my-1675394141.jpg Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ Ảnh chụp màn hình The New York Times

Trần nợ là gì?

Được quốc hội Mỹ thiết lập vào năm 1917, trần nợ là giới hạn về tổng số tiền mà chính phủ có thể vay để thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Trần nợ được xây dựng để hạn chế việc các cơ quan chính phủ chi tiêu thiếu kiểm soát.

Theo Hiến pháp Mỹ, chỉ quốc hội mới được phép ấn định số tiền mà chính phủ có thể vay và điều này được thực hiện thông qua một cuộc bỏ phiếu. Trong cuộc lấy ý kiến gần nhất được tiến hành hồi tháng 12.2021, trần nợ đã được ấn định ở mức 31.400 tỉ USD.

Để tránh nguy cơ vỡ nợ, quốc hội Mỹ cần thống nhất nâng trần nợ. Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với quốc hội, nhất là trong bối cảnh lưỡng viện Mỹ đang chia đôi quyền lực. Đảng Cộng hòa, phe nắm Hạ viện, đang sử dụng mối đe dọa vỡ nợ để buộc phe Dân chủ, những người đang kiểm soát Thượng viện chấp nhận cắt giảm ngân sách, theo đài CNN.

Điều gì xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ?

Nếu vỡ nợ, chính phủ sẽ không thể vay thêm tiền mà phải lựa chọn thanh toán các khoản chi tiêu theo mức độ ưu tiên. Khả năng này sẽ lập tức đẩy Mỹ vào suy thoái, theo The New York Times.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói kịch bản vỡ nợ sẽ "gây ra tác hại không thể khắc phục được đối với nền kinh tế Mỹ, sinh kế của tất cả người Mỹ và "chắc chắn" sẽ gây ra suy thoái, dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu, theo CNN.

"Nó chắc chắn sẽ làm suy yếu vai trò của đồng USD như một loại tiền dự trữ được sử dụng trong các giao dịch trên toàn thế giới. Và đối với người Mỹ, nhiều người sẽ mất việc làm và chắc chắn chi phí đi vay của họ sẽ tăng lên", bà nói thêm.

Hơn một nửa dự trữ ngoại tệ của thế giới là bằng đồng USD. Vì thế, việc đồng tiền này đột ngột giảm giá có thể tác động lớn đến thị trường trái phiếu toàn cầu. Đối với các quốc gia đang nợ nước ngoài, sự suy yếu của đồng USD có thể khiến các khoản nợ bằng các đơn vị tiền tệ khác trở nên đắt đỏ hơn và có nguy cơ đẩy một số nền kinh tế mới nổi vào khủng hoảng nợ, theo đài al-Jazeera.