Tăng thu, giảm chi, hạn chế thâm hụt
Theo số liệu mới được Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) công bố, chính quyền liên bang Mỹ ghi nhận thâm hụt ngân sách gần 1.400 tỷ USD trong năm tài khóa 2022, giảm một nửa so với con số gần 2.800 tỷ USD của năm trước. Năm tài khóa của chính phủ Mỹ bắt đầu từ đầu tháng 10 năm trước đến hết tháng 9 năm sau.
Thâm hụt đi xuống một phần do tổng chi ngân sách giảm 8% còn 6.272 tỷ USD trong bối cảnh các khoản trợ cấp trong đại dịch đã chấm dứt. Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách liên bang tăng 21% lên xấp xỉ 4.900 tỷ USD.
Biểu đồ dưới đây cho thấy ngân sách liên bang Mỹ thâm hụt kỷ lục khoảng 3.100 tỷ USD trong năm đầu đại dịch, sau đó tình hình cải thiện trong năm 2021 và năm nay.
Mức thâm hụt gần 1.400 tỷ USD của năm tài khóa 2022 tương đương với năm 2009 khi Washington phải ra tay giải cứu hệ thống ngân hàng và nền kinh tế trong khủng hoảng.
Gần như tất cả hạng mục thu của chính phủ Mỹ đều tăng trong năm qua. Riêng thuế thu nhập cá nhân là khoản mục đi lên mạnh mẽ nhất, từ chỗ tương đương 9,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 lên thành 10,6% GDP của năm 2022.
Tỷ lệ thuế bảng lương/GDP giữ nguyên ở mức 5,9% trong khi tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp/GDP giảm nhẹ từ 1,7% còn 1,6%.
Tổng cộng, doanh thu của chính quyền liên bang Mỹ trong năm 2022 tương đương 19,6% quy mô nền kinh tế. Tổng chi ngân sách là 23,8% GDP. Như vậy, khoản thâm hụt ngân sách xấp xỉ 1.400 tỷ USD nói trên tương đương với khoảng 4,2% GDP.
Nợ chính phủ liên bang lập đỉnh mới
Hôm 21/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng: “Hôm nay lại có thêm bằng chứng cho thấy chúng ta đang xây dựng lại nền kinh tế một cách có trách nhiệm. Chúng ta đang đi từ hồi phục kinh tế mạnh mẽ so với lịch sử tới một giai đoạn tăng trưởng bền vững và ổn định, đồng thời giảm thâm hụt ngân sách”.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Biden viết: “Năm ngoái, thâm hụt ngân sách giảm 350 tỷ USD. Năm nay, thâm hụt giảm 1.400 tỷ USD. Và vì chúng ta đang bắt các doanh nghiệp phải trả đúng phần thuế của mình và giúp Medicare có quyền đàm phán giá thuốc thấp hơn, chúng ta sẽ tiếp tục giảm thâm hụt ngân sách thêm 250 tỷ USD trong một thập kỷ tới".
Thu tăng, chi giảm, thâm hụt cũng đi xuống. Nhưng vì ngân sách vẫn còn thâm hụt nên chính phủ Mỹ tiếp tục phải đi vay nợ để tài trợ cho một phần ngân sách.
Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, tổng nợ liên bang tại ngày 30/9 năm nay đã chạm mốc 31.000 tỷ USD, đánh dấu mức cao chưa từng thấy trong lịch sử và tăng 2.500 tỷ USD so với cùng kỳ 2021.
Ông Biden tự khen mình vì làm giảm thâm hụt ngân sách nhưng không đả động gì tới khối nợ kỷ lục trong thời gian ông làm chủ Nhà Trắng.
Vay tiền ngày càng khó
Trong hai năm 2020 và 2021 khi thâm hụt ngân sách lên đến đỉnh điểm, chính quyền của ông Biden có thể dễ dàng vay thêm để tài trợ cho các khoản chi tiêu nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo quy định, Fed không thể trực tiếp cho chính phủ Mỹ vay tiền nhưng được phép mua trái phiếu Kho bạc trên thị trường thứ cấp.
Các ngân hàng thương mại mua trái phiếu Kho bạc do Bộ Tài chính Mỹ phát hành trên thị trường sơ cấp. Sau đó, Fed sẽ dùng tiền do mình in ra để mua lại các trái phiếu Kho bạc đó từ tay các ngân hàng.
Nói cách khác, Fed là người gián tiếp cho chính phủ Mỹ vay. Số tiền mà Fed in ra trong thời kỳ nới lỏng tiền tệ và lãi suất gần 0 đã giúp cho chính quyền Joe Biden dễ dàng có nguồn tiền để chi trả cho các gói kích thích kinh tế tổng trị giá 5.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát liên tục leo lên đỉnh 40 năm, Fed đã buộc phải chấm dứt chính sách nới lỏng, chuyển sang thắt chặt bằng cách nâng lãi suất 5 lần liên tiếp và bán bớt trái phiếu để hút tiền về, giảm quy mô bảng cân đối kế toán.
Sau khi lập đỉnh 8.965 tỷ USD vào giữa tháng 4 năm nay, quy mô bảng cân đối kế toán của Fed đã thu hẹp còn 8.744 tỷ USD vào hôm 19/10 vừa qua, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Nói khác đi, ngân hàng trung ương Mỹ đã bán ròng gần 222 tỷ USD trái phiếu trong 6 tháng qua, trái ngược với hoạt động mua trái phiếu rầm rộ của giai đoạn trước đó.
Cung tiền mở rộng (M2) của Mỹ cũng giảm từ 21.740 tỷ USD vào cuối tháng 3 xuống còn 21.503 tỷ USD vào cuối tháng 9, cho thấy lượng tiền trong nền kinh tế đang sa sút.
Khi Fed không còn bơm tiền mà chuyển qua hút tiền, thanh khoản trên thị trường tài chính teo tóp dần, các ngân hàng thương mại không còn nhiều vốn để cho Washington vay.
Chi phí vay ngày một cao, tiền lãi vay không quay lại như trước
Trong bối cảnh Fed liên tục nâng lãi suất và giảm cung tiền, chi phí đi vay của chính phủ Mỹ cũng lên cao theo. Bằng chứng cụ thể là lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ các kỳ hạn hiện nay đều cao gấp nhiều lần so với đầu năm 2022.
Theo số liệu của Cục Phân tích Kinh tế (BEA), chính phủ liên bang Mỹ đã chi 2.589 tỷ USD để trả lãi vay trong năm tài khóa 2022, tăng 15,2% so với năm trước.
Sau khi trừ đi các khoản thu nhập từ lãi, chi phí lãi vay ròng của chính quyền liên bang Mỹ trong năm tài khóa 2022 là 305 tỷ USD, tương đương 5% tổng ngân sách, theo dự toán của Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB).
Dự kiến đến năm 2025, chi phí lãi vay ròng sẽ tăng lên thành 445 tỷ USD và 6,8% tổng ngân sách. Đến năm 2031 là 914 tỷ USD và 11,1% ngân sách. Nếu mặt bằng lãi suất tăng mạnh hơn dự toán thì chi phí lãi vay sẽ còn lớn hơn.
Việc Fed giảm mua trái phiếu Kho bạc trên thị trường thứ cấp cũng đặt ra những thách thức cho chính quyền của ông Biden.
Hàng năm, lợi nhuận của Fed đều được chuyển về cho Bộ Tài chính Mỹ. Khi Fed nắm giữ lượng lớn trái phiếu Kho bạc, chính phủ Mỹ chuyển tiền lãi cho Fed rồi Fed trừ đi một số khoản chi phí và chuyển lại gần như toàn bộ số lãi vay đó cho chính phủ. Về bản chất, khi Fed nắm giữ trái phiếu Kho bạc thì chính phủ Mỹ có thể vay mà gần như không cần trả lãi.
Tuy nhiên, khi Fed thắt chặt tiền tệ và chuyển sang bán bớt trái phiếu, tiền lãi mà chính phủ Mỹ chi trả sẽ rơi vào túi của các ngân hàng và định chế tài chính tư nhân khác, không quay về với ngân khố như trước.