Quy Nhơn (Bình Định): Hé lộ hàng loạt góc khuất trong thu hồi đất làm dự án?

Cùng một loại đất, trong cùng khu vực nhưng giá bồi thường hỗ trợ lại khác nhau. Người nông dân mòn mỏi chờ đợi câu trả lời từ các cấp chính quyền. Sự việc dần hé lộ những “góc khuất” lớn trong thu hồi đất ở Quy Nhơn, Bình Định?

Mập mờ tiền bồi thường hỗ trợ?

Ngày 28/5/2020, nhiều hộ nông dân có đất nông nghiệp bị thu hồi có đơn khiếu nại về việc: Bồi thường, hỗ trợ không khách quan công bằng, không đúng quy định pháp luật – gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi và đời sống ổn định đối với một số hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi trong hai dự án: “Khu dân cư phía Tây đường Trần Nhân Tông” và dự án “Khu dân cư khu vực núi Mồ Côi” thuộc khu vực 7 + 8 phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn. Đây là 2 dự án khu dân cư lân cận nhau, có tính chất tương tự nhau.

A0

 Trụ sở UBND phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn.

Theo đó, năm 2019, bà con nông dân nhận được bảng tính chi tiết giá trị bồi thường, hỗ trợ (BTHT) đất nông nghiệp đối với 2 dự án nêu trên. Nhận thấy giá đất BTHT quá thấp, bà con vô cùng hụt hẫng, lo ngại với số tiền ít ỏi như vậy sẽ không đảm bảo được đời sống ổn định và không chuyển đổi được nghề sau khi bị mất vĩnh viễn đất tư liệu sản xuất. Do đó, bà con nông dân đã kiến nghị trực tiếp tới Ban Bồi thường – Giải phóng mặt bằng – Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Định (Ban BT-GPMB-TTPTQĐ).

Trong khi cả 2 dự án trên vừa mới bắt đầu thi công hạng mục đầu tiên còn đang dở dang, công đoạn bồi thường chưa xong, còn một số hộ gia đình chưa nhận BTHT thì được biết hộ gia đình ông Trương Mát, địa chỉ khu vực 7, phường Nhơn Phú là người có cùng dự án với bà con và các dự án khu vực lân cận được nhận tiền BTHT cao gấp đôi so với bà con (hộ gia đình ông Trương Mát bị thu hồi ruộng để thực hiện dự án KDC khu vực Núi Mồ Côi).

Cụ thể, đối với hộ ông Trương Mát, giá đất tính BT trên đơn vị (m2): 148.000 đồng, mức hỗ trợ ổn định đời sống chuyển đổi nghề: 148.000 đồng x 3 = 444.000 đồng. Trong khi đó, giá BTHT bà con được nhận là: giá đất tính BT trên đơn vị (m2): 74.000 đồng/m2 x 1,2 = 88.000 đồng, mức hỗ trợ ổn định đời sống chuyển đổi nghề: 74.000 đồng x 3 = 222.000 đồng.

Bà con bị thu hồi đất cho rằng, sự chênh lệch trên thể hiện rất rõ điều bất hợp lý, không công bằng đối với người sử dụng đất hợp pháp, bởi vì: người nông dân cùng đang sử dụng đất nông nghiệp như nhau, có khả năng sinh lợi như nhau, có nguồn thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau và cùng chịu sự biến động, ảnh hưởng về đời sống ổn định như nhau – Sau khi bị thu hồi đất tư liệu sản xuất. Nhưng vì sao bà con chỉ nhận được BTHT bằng 50% giá trị đối với những hỗ gia đình nông dân khác?

Bất cập trong công tác BTHT được chỉ ra chính là việc cơ quan chức năng đã không rõ ràng trong việc lấy giá đất để tính BTHT theo quy định, có dấu hiệu đánh đồng giá đất với giá đất cụ thể - cái mà được sử dụng để làm căn cứ tính tiền BTHT khi thu hồi đất, dẫn đến sự thiệt hại và gây bức xúc cho người bị thu hồi đất. “Ban BT – GPMB – TT PTQĐ tỉnh Bình Định và Thành phố Quy Nhơn đã không sử dụng giá đất cụ thể mà sử dụng giá đất không phù hợp để bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất tư liệu sản xuất của chúng tôi. Chính vì vậy, việc BTHT cho chúng tôi là không công bằng, không đúng pháp luật, không khách quan công khai, xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế và đời sống ổn định đối với những hộ gia đình nông dân nghèo chúng tôi”.

A1

Văn bản số 5989/UBND-TH V/v của UBND tỉnh Bình Định về rà soát việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và giá đất áp dụng tính tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB phục vụ một số dự án trên địa bàn TP Quy Nhơn.

Xử lý đơn khiếu nại của bà con, ngày 07/9/2020, UBND tỉnh Bình Định ban hành văn bản số 5989/UBND-TH V/v rà soát việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và giá đất áp dụng tính tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB phục vụ một số dự án trên địa bàn TP Quy Nhơn. Văn bản do ông Nguyễn Thái Bình – Chánh Văn phòng ký thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo văn bản số 5989/UBND-TH, trên cơ sở nội dung báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 134/BC-STNMT ngày 31/7/2020 về kết quả kiểm tra, xác minh đơn thư khiếu nại của một số công dân ở khu vực 7 và khu vực 8, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn; ý kiến của các Sở, ngành liên quan và UBND thành phố Quy Nhơn tại cuộc họp UBND tỉnh ngày 01/9/2020, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến như sau:

“Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp, UBND thành phố Quy Nhơn và các đơn vị có liên quan rà soát, tổng hợp các vướng mắc phát sinh trong việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và giá đất tính tiền bồi thường, hỗ trợ để GPMB một số dự án trên địa bàn thành phố Quy Nhơn (nhất là các dự án thực hiện bồi thường, GPMB kéo dài qua nhiều năm: từ năm 2018 đến nay, có phát sinh, vướng mắc, so bì, khiếu nại do điều chỉnh chính sách và đơn giá áp dụng bồi thường, hỗ trợ); thống nhất đề xuất phương án xử lý, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/9/2020 để xem xét, chỉ đạo thực hiện. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp triển khai thực hiện./.”.

Văn bản số 5989/UBND-TH được gửi tới các sở, ngành, đơn vị: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh, Trung tâm Phát triển quý đất tỉnh, UBND thành phố Quy Nhơn.

Chưa biết đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có kết quả rà soát như thế nào từ Sở Tài nguyên và Môi trường (đơn vị chủ trì), và việc tổ chức thực hiện kết quả rà soát ra sao trên diện rộng, nhưng tới đầu năm 2021, bà con có đơn đã nhận được khoản tiền BTHT (bổ sung) theo nội dung khiếu nại. Điều này phần nào thể hiện sự tích cực của Ban BT – GPMB – TT PTQĐ tỉnh Bình Định trong việc đảm bảo quyền lợi người dân bị thu hồi đất nông nghiệp.

Vậy, còn thành phố Quy Nhơn thì sao?

Cùng tính chất, hai chế độ?

Liền kề với dự án KDC phía Tây đường Trần Nhân Tông (do UBND tỉnh làm Chủ đầu tư, đại diện là Ban BT – GPMB – TT PTQĐ tỉnh) là 2 dự án KDC do UBND thành phố Quy Nhơn làm chủ đầu tư (đại diện là Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Quy Nhơn): Dự án KDC phía Đông Viện Sốt Rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn và Dự án KDC khu vực Núi Mồ Côi (đều ở phường Nhơn Phú; sau đây gọi tắt là: dự án Tây đường Trần Nhân Tông/Núi Mồ Côi/Đông Viện Sốt rét).

Theo phản ánh của bà con nông dân (ở Khu vực 8 phường Nhơn Phú) là những người có đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng dự án Đông Viện Sốt Rét và dự án Tây đường Trần Nhân Tông thì việc BTHT với họ cũng không công bằng. Cụ thể:

Dự án Đông Viện Sốt Rét cũng thu hồi đất rải rác qua các năm 2017-2019; BTHT đất nông nghiệp theo đơn giá 74.000 đồng/m2, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề 74.000 đồng x 2 = 148.000 đồng/m2 (tổng mức BTHT là: 222.000 đồng/m2).

Dự án Tây đường Trần Nhân Tông ngay sát dự án Đông Viện Sốt rét, thu hồi đất từ năm 2018-2019; BTHT đất nông nghiệp theo đơn giá 74.000 đồng x 1,2 =88.000 đồng/m2, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề 74.000 đồng x 2 = 148.000 đồng/m2.

Sau khi được biết người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp tại dự án Núi Mồ Côi, Tây đường Trần Nhân Tông lần lượt đã được BTHT, bổ sung tiền BTHT ở mức đơn giá x 3, đã có đơn đề nghị gửi tới cơ quan có thẩm quyền ở tỉnh Bình Định và thành phố Quy Nhơn để đề nghị bổ sung tiền BTHT. Lý do của đề nghị là: Cùng là đất nông nghiệp, cùng khu vực, cùng bị lấy đất để thực hiện dự án có tính chất tương tự nhau – dự án KDC, cùng chịu tác động như nhau đến đời sống gia đình, cùng giai đoạn thu hồi đất, vậy: vì sao có sự phân biệt đối xử chênh lệch “1 trời 1 vực” như vậy? BTHT là khoản tiền đương nhiên người bị thu hồi đất được hưởng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm chi trả, hay đây là quyền năng của cơ quan nhà nước để “ban phát” cho người dân?.

A2

Phiếu chuyển đơn số 56/PC-BPC của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định.

Về vấn đề nêu trên của 34 hộ dân có đất bị thu hồi tại dự án Đông Viện Sốt rét, mới đây, ngày 25/5, HĐND tỉnh đã có phiếu chuyển đơn số 56/PC-BPC để chuyển đơn của bà con tới đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đảm bảo đúng thời gian và hình thức giải quyết theo quy định pháp luật, đồng thời đề nghị thông báo kết quả giải quyết để Ban Pháp chế HĐND tỉnh báo cáo cho Thường trực HĐND tỉnh.

Cũng về vấn đề trên, ở diễn biến khác, 28/3/2021, bà con đã có đơn khiếu nại văn bản số 81/BQL-GPMQ ngày 15/3/2021 của Ban QLDA ĐTXD & PTQĐ (“Về việc trả lời đơn kiến nghị của ông Nguyễn Văn Nhâm và một số hộ dân kiến nghị các vấn đề liên quan đến việc Nhà nước thu hồi đất do ảnh hưởng GPMB tại công trình Khu dân cư phía Đông Viện Sốt Rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn”). Theo khiếu nại, việc trả lời tại bản số 81/BQL-GPMQ ngày 15/3/2021 có nội dung không đúng thực tế, có ý dẫn dắt vấn đề sang hướng khác để nhằm lấp liếm trách nhiệm giải trình về số tiền BTHT mà người dân đáng được hưởng theo quy định.

A3

Một mảnh đất được cho là có 2 chế độ BTHT tại khu vực giáp danh dự án Đông Viện Sốt rét và Tây đường Trần Nhân Tông (phần đắp đất thuộc dự án Tây đường Trần Nhân Tông, phần bên tay phải là phần chưa làm của dự án Đông Viện Sốt rét).

Theo phản ánh và ghi nhận thực tế, tại khu vực giáp danh 2 dự án nêu trên, có nhiều thửa đất bị cả 2 dự án thu hồi. Thế nhưng, điều lạ là, phần thửa đất bị dự án Đông Viện Sốt rét thu hồi (hiện chưa làm), lại có chế độ BTHT thấp hơn nhiều so với phần thửa đất bị dự án KDC phía Tây đường Trần Nhân Tông thu hồi (đang làm). Theo quy định, việc áp dụng chế độ BTHT được áp dụng tại thời điểm phê duyệt phương án BTHT bằng quyết định hành chính. Chưa biết UBND thành phố Quy Nhơn đã ban hành quyết định phê duyệt phương án BTHT với người có đất bị thu hồi như thế nào (hay chỉ là những bảng kê như một tài liệu tham khảo thông thường ít hiệu lực pháp lý, dễ được chủ thể phát hành điều chỉnh), nhưng rõ ràng đây là tình huống có vấn đề về áp dụng chế độ BTHT trong nội bộ chính quyền địa phương ở tỉnh Bình Định.

Đặc biệt, tại dự án KDC khu vực núi Mồ Côi (phường Nhơn Phú), quan phản ánh và khảo sát ban đầu cho thấy đây là dự án đang có số lượng khiếu nại lớn (cả về nội dung chế độ BTHT và cách giải quyết khiếu nại lần đầu của UBND thành phố Quy Nhơn); việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có nhiều biểu hiện khuất tất, bất cập, không đảm bảo công khai, dân chủ, đặc biệt là đời sống, nhà cửa sau tái định cư.

Hiện nay, tại thành phố Qui Nhơn đang triển khai rất nhiều dự án khu dân cư và khu đô thị mới. Việc BTHT vẫn luôn là vấn đề quan trọng trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Chính quyền địa phương cần công khai minh bạch, tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện kịp thời, đúng, đủ theo qui định, đảm bảo lợi ích, quyền lợi của người dân cũng như sự thượng tôn pháp luật.

Hiện chúng tôi đã liên hệ với chính quyền địa phương để tìm hiểu sự việc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!