Đi trước, nhưng lại về sau
Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, theo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Những thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19, cùng tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân cao, đã giúp Việt Nam trở thành một trong các nước mở cửa hoàn toàn sớm nhất trong khu vực, tạo kỳ vọng ngành du lịch sẽ nhanh chóng quay trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, cho đến nay, những con số kết quả cho thấy rằng mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế đã “xa tầm với”.
Đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), ông Chris Farwell – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh, nhận định Việt Nam đã không thể tận dụng được lợi thế của vị trí dẫn đầu.
Theo tính toán, Việt Nam sẽ chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, thấp hơn nhiều con số mục tiêu đề ra. Trong khi đó, các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia đều vượt mục tiêu về thu hút khách quốc tế.
Đơn cử, Thái Lan đã đạt mốc mục tiêu năm 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế ngay từ đầu tháng 12, với tổng doanh thu 14 tỷ USD. Trong hai tháng cuối năm nay, một số thị trường chính của Thái Lan ở châu Âu đã trở lại gần với mức trước dịch Covid-19.
Thế nhưng với Việt Nam, không có thị trường trọng điểm nào phục hồi đạt mức 50% so với thời điểm trước dịch, ông thông tin tại Hội nghị bàn tròn Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột “Dịch vụ hàng không – du lịch” mới đây.
Ông Chris Farwell lưu ý rằng Việt Nam có thể vui mừng khi lượng khách du lịch nội địa cán mốc 100 triệu lượt, cao hơn mức 85 triệu đề ra, nhưng đóng góp của doanh thu từ du lịch nội địa không thể bù đắp được số tiền mất đi do không có khách quốc tế trong tổng thu từ khách du lịch.
Trong ba năm trước đại dịch Covid-19, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/5 khách nội địa, nhưng đóng góp gần 60% tổng thu nhập từ khách du lịch.
Năm 2019, tổng thu từ khách du lịch quốc tế chiếm tới 18,3 tỷ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỷ USD mà toàn ngành du lịch tạo ra, cho thấy du lịch quốc tế đóng vai trò quan trọng với Việt Nam.
Ông Chris Farwell lưu ý thêm rằng mặc dù các thông tin cho thấy Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch được tìm kiếm nhiều nhất trên một số trang web về du lịch, điều này không có nghĩa rằng Việt Nam thực sự đón được nhiều lượt khách đến hơn.
Vấn đề then chốt
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận định khi Việt Nam mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện mới sau ngày 15/3, Việt Nam có cơ hội tốt để bùng nổ. Các địa phương và doanh nghiệp cũng rất sẵn sàng để đón khách quốc tế, nhưng kết quả lại không như kỳ vọng.
Ông Thiên cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này nằm ở vấn đề thị thực– câu chuyện “khác thường” và “lạ lùng” của Việt Nam. Theo đó, kể từ khi mở cửa đến nay, Việt Nam vẫn chỉ cho phép miễn visa với 13 nước, và thời gian miễn visa chỉ 15 ngày, trong khi trước dịch là 30 ngày.
“Nước ta đã an toàn nhưng chính sách vẫn không thay đổi, nên “không thể đồng nhịp với thế giới”, vị này đánh giá.
Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá đủ lực và đủ nhạy bén để đưa ngành công nghiệp không khói này hồi sinh. Với “độ nén” hiện nay, ngành du lịch sẽ thực sự bùng nổ khi được tháo gỡ về thể chế.
“Thể chế chính là vấn đề cần tập trung trong giai đoạn hiện nay”, ông nhấn mạnh.
Ở phía doanh nghiệp, ông Đinh Việt Phương – Giám đốc điều hành hãng hàng không Vietjet, cũng nhận định rằng vấn đề thị thực là rào cản đầu tiên cần tháo gỡ để có thể phục hồi du lịch quốc tế.
Vietjet Air gần đây đã tiên phong “gõ cửa” thị trường Ấn Độ nhằm bù đắp thiếu hụt khi các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Đông Bắc Á chưa mở cửa trở lại. Thực tế cho thấy nhu cầu của thị trường này rất lớn, nhưng lại vướng vấn đề thị thực.
“Chúng tôi đề nghị cần sớm giải quyết vấn đề này để ngành hàng không và du lịch sớm có điều kiện phục hồi”, lãnh đạo Vietjet đề xuất.
Khó nối khó
Ngoài visa, hàng loạt yếu tố khác càng khiến du khách nước ngoài ngại đến Việt Nam.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký TAB, cho biết nhiều khách quốc tế còn băn khoăn về việc đến Việt Nam du lịch vẫn phải mua bảo hiểm có nội dung chi trả điều trị Covid-19. Theo đó, cần sớm gỡ bỏ quy định này bởi đây là rào cản kỹ thuật, và hiện nhiều nước không còn nội dung yêu cầu điều trị Covid-19 trong bảo hiểm du lịch.
Bên cạnh việc cần tăng thời gian miễn thị thực, ông Chris Farwell cho rằng Việt Nam hiện đang thiếu Kế hoạch cấp quốc gia về phục hồi ngành du lịch và khách sạn.
Ngành du lịch còn đang phụ thuộc vào các sáng kiến, dự án mang tính sự việc không thường xuyên, hoặc cấp vùng, hay khách du lịch nội địa để “nuôi sống” ngành.
Không chỉ vậy, Việt Nam cũng đang thiếu một tổ công tác bao gồm tất cả các bên liên quan, chính gồm Chính phủ và khu vực tư nhân, cùng phối hợp làm việc để xây dựng và triển khai kế hoạch quốc gia phục hồi ngành du lịch.
“Nếu chúng ta muốn thúc đẩy phục hồi kinh tế và bù đắp cho việc chúng ta đang phải đối mặt với một số thách thức và trở ngại – những điều sẽ có tác động lớn đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, thì cần phải hành động nhanh chóng và quyết tâm cao, và phải có những ưu đãi để mời gọi khách tới”.
“Con đường để ngành du lịch phục hồi hoàn toàn và trở lại với mức đóng góp hơn 10% vào GDP đã được xác định rõ, nhưng sẽ không dễ dàng hay nhanh chóng. Chính phủ cần khẩn cấp hỗ trợ ngành du lịch ngay thời điểm này”, đại diện của TAB khuyến nghị.
Một trong số những thách thức lớn nhất cho phục hồi du lịch năm 2023 là công suất vận chuyển hàng không từ các thị trường nguồn chính. Khó khăn này cùng với vấn đề ngành du lịch thiếu sự hỗ trợ trong thời kỳ Covid-19, và cuộc khủng hoảng tín dụng hiện tại của nền kinh tế có thể khiến các khách sạn và công ty du lịch uy tín bị tê liệt.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel, cho rằng cần coi du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, bao gồm nhiều bộ phận, tiểu ngành khác nhau. Theo đó, muốn gỡ khó cho du lịch, visa chỉ là nút thắt đầu tiên, bởi còn nhiều vấn đề khác như vận chuyển, lữu hành, lưu trú, dịch vụ cũng như nhân lực.
“Sau khủng hoảng Covid-19, không có doanh nghiệp lớn, nhỏ. Tất cả đều nằm trên cùng một vách xuất phát như nhau, ai nhanh sẽ chiếm lĩnh thị trường. Vấn đề cốt lõi theo tôi là cần phải giải quyết về chính sách và cơ chế”, ông Kỳ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tại hội nghị cũng đề xuất ngành du lịch cần cải thiện cách thức quảng bá xúc tiến du lịch, rà soát, thay đổi và làm mới, bắt đầu từ một chiến lược marketing mới.
Theo ông Chính, Việt Nam đã tổ chức rất nhiều chương trình phát động du lịch, nhưng chủ yếu diễn ra tại Việt Nam, chưa tiếp cận được thị trường nguồn. Do đó, các thị trường nguồn đều đang rất thiếu thông tin về du lịch Việt Nam.
“Bản thân ngành du lịch cũng cần tự thay đổi chúng ta mới có hy vọng phát triển được”, ông Chính đề xuất.
Từ thực tế tham gia nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá tại nước ngoài, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và phát triển của Vietnam Airlines, cho rằng cần có kế hoạch tổng thể, cụ thể về phát triển du lịch theo hướng nào, trọng tâm, trọng điểm với các giải pháp cụ thể, và phải có cơ quan theo dõi, thúc đẩy.
Cùng với đó, cần xem xét việc tổ chức xúc tiến quảng bá du lịch tại các thị trường nguồn, từ đó mới có thể phát huy hiệu quả, bởi sau Covid-19, các thị trường này đang rất thiếu thông tin về du lịch Việt Nam. Thậm chí, cần tính đến việc thành lập các văn phòng du lịch tại các thị trường nguồn.