Rủi ro pha loãng khi CIC Group phát hành riêng lẻ hơn 13,4 triệu cổ phiếu

Công ty cổ phần Tập đoàn Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Kiên Giang (CIC Group, mã CKG) bất ngờ công bố giá phát hành riêng lẻ thấp hơn thị giá cổ phiếu đang giao dịch.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Giá phát hành riêng lẻ thấp hơn 42% giá thị trường

CIC Group vừa thông qua kế hoạch phát hành hơn 13,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động hơn 201 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu chỉ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Mục đích huy động vốn là thanh toán nợ vay đến hạn, các khoản nợ phải trả cho đơn vị thi công, tiền mua vật liệu, tiền lương, tiền công cán bộ, nhân viên.

So với giá thị trường ngày 25/8 là 25.750 đồng/cổ phiếu, giá phát hành riêng lẻ đang thấp hơn 42%. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ CIC Group sẽ tăng từ 866 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm cổ đông thực hiện mua riêng lẻ có thể chiếm 13,4% vốn điều lệ và trở thành nhóm cổ đông lớn nhất.

Trong Báo cáo thường niên năm 2021, CIC Group cho biết, có hai cổ đông nhà nước là Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang sở hữu 496.124 cổ phiếu, chiếm 0,57% vốn điều lệ; Công ty TNHH một thành viên Phương Nam Kiên Giang sở hữu 1.175.370 cổ phiếu, tương đương 1,36% vốn điều lệ. Ngoài ra, ông Trần Thọ Thắng, Chủ tịch HĐQT sở hữu 8,31% vốn điều lệ và 89,76% còn lại thuộc về nhóm cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.

Có thể thấy, nếu phát hành riêng lẻ thành công, nhóm 2 công ty nhà nước nói trên sẽ bị pha loãng 0,26% vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu từ 1,93% về còn 1,67% vốn điều lệ.

Theo tìm hiểu, năm 2012, Công ty tăng vốn điều lệ từ 80,96 tỷ đồng lên 115,11 tỷ đồng. Trong đó, 3 cổ đông (2 cổ đông nhà nước) gồm Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Phát triển Nhà Kiên Giang, Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Kiên Giang và Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân vẫn sở hữu gần 4,5 triệu cổ phiếu CKG, nhưng đã giảm tỷ lệ sở hữu từ 39,08% về còn 30,43% vốn điều lệ.

Từ năm 2016 đến 2018, Công ty tăng vốn điều lệ từ 276 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng. Trong đó, dù Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng HUD Kiên Giang (công ty nhà nước) vẫn sở hữu 3,45 triệu cổ phiếu, nhưng tỷ lệ sở hữu đã giảm từ 12,5% về 6,9% vốn điều lệ.

Như vậy, qua nhiều đợt tăng vốn từ năm 2012 đến nay, vốn điều lệ CIC Group tăng từ 80,96 tỷ đồng lên 866 tỷ đồng. Trong đó, dù nhiều cổ đông có gốc nhà nước vẫn sở hữu số lượng cổ phiếu như nhau, nhưng do ảnh hưởng pha loãng cổ phần, nên liên tục giảm sở hữu và với việc thực hiện thoái vốn nhà nước, Công ty đã chuyển sang vốn chủ yếu là nhóm cổ đông tư nhân với đại diện chính là ông Trần Thọ Thắng.

Từ năm 2006 đến tháng 7/2020, ông Trần Thọ Thắng giữ chức Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc CIC Group; từ tháng 8/2020 đến tới nay giữ chức Chủ tịch HĐQT. Có thể thấy, dù là doanh nghiệp nhà nước, nhưng trước và sau cổ phần hóa, niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE vào tháng 3/2020, Công ty vẫn dưới sự điều hành chính của ông Thắng.

Bài học quá khứ

Ngày 5/3/2018, cổ phiếu APC của Công ty cổ phần Chiếu xạ An Phú lao dốc khi doanh nghiệp công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông, trong đó có kế hoạch phát hành 3 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, thấp xa so với thị giá trên sàn 77.200 đồng/cổ phiếu. Sau đó, thị giá cổ phiếu này giảm còn 25.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 28/5/2018, tức giảm gần 67% giá trị.

So với giá thị trường ngày 25/8 là 25.750 đồng/cổ phiếu, giá phát hành riêng lẻ hơn 13,4 triệu cổ phiếu CKG đang thấp hơn 42%.

Năm 2017, Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh dược và trang thiết bị y tế Việt Mỹ (Công ty Việt Mỹ) tăng vốn điều lệ từ 21,2 tỷ đồng lên 271,2 tỷ đồng qua phát hành 25 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 5 cổ đông, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm. Sau đợt phát hành, 5 cổ đông này nắm giữ tổng cộng 92,98% vốn của Công ty.

Kể từ thời điểm có thể chuyển nhượng, nhóm cổ đông lớn tại Công ty Việt Mỹ liên tục bán ra cổ phiếu. Tính đến ngày 31/12/2019, không còn ai trong 5 cổ đông mua cổ phiếu ở đợt phát hành năm 2017 sở hữu trên 5% vốn Công ty. Ước tính, với giá mua 10.000 đồng/cổ phiếu và giá bán ra trên ngưỡng 21.000 đồng/cổ phiếu, nhóm cổ đông lớn lãi tối thiểu 110% trong hơn 2,5 năm.

Có thể thấy, các nhà đầu tư mua cổ phiếu giá thấp trong đợt phát hành riêng lẻ do phát hành ngoài sàn, nên cổ phiếu trên sàn không bị điều chỉnh giảm giá giống phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Thêm nữa, tỷ lệ sở hữu bị pha loãng một cách đáng kể tùy số lượng phát hành so với số lượng đang lưu hành.

Việc các doanh nghiệp chọn phát hành cổ phiếu riêng lẻ với giá chiết khấu lớn so với giá đang giao dịch trên sàn và thời gian hạn chế chuyển nhượng ngắn sẽ đẩy rủi ro pha loãng EPS và áp lực điều chỉnh giá thị trường cho các cổ đông hiện hữu, đặc biệt là nhóm cổ đông/nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ bên ngoài, bởi khả năng tiếp cận các thông tin về doanh nghiệp hạn chế hơn so với ban lãnh đạo, cổ đông nội bộ và còn phải mua giá cao hơn đợt phát hành riêng lẻ.