Rung lắc qua nhanh, VN-Index thẳng tiến

Áp lực chốt lời xuất hiện đã phần nào kiềm chế đà đi lên của thị trường sáng nay. VN-Index có một nhịp giảm xuống dưới tham chiếu, chủ yếu dưới tác động của blue-chips lớn. Sôi động nhất sáng nay thuộc về nhóm cổ phiếu chứng khoán...

VN-Index chỉ giảm thoáng chốc giữa phiên do áp lực từ các trụ.

Áp lực chốt lời xuất hiện đã phần nào kiềm chế đà đi lên của thị trường sáng nay. VN-Index có một nhịp giảm xuống dưới tham chiếu, chủ yếu dưới tác động của blue-chips lớn. Sôi động nhất sáng nay thuộc về nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Không có nhiều vai trò trong việc nâng đỡ các chỉ số nhưng cổ phiếu chứng khoán lại thể hiện kỳ vọng vào xu hướng tăng của thị trường chung. Trong hàng chục cổ phiếu chứng khoán trên cả 3 sàn, chỉ vài mã nhỏ giảm giá như IVS, TVB, PHS.

VND gây bất ngờ lớn nhất khi lập kỷ lục thanh khoản trong vòng 2 tháng dù mới giao dịch nửa ngày. Xấp xỉ 14,5 triệu cổ phiếu đã được chuyển nhượng, tương đương giá trị gần 805 tỷ đồng. VND thậm chí vượt cả HPG, TCB để giữ ngôi vị thanh khoản nhất thị trường.

Tăng 5,61%, VND thực ra đã bước vào phiên tăng thứ 3 liên tục, nhưng hôm nay gây chú ý lớn vì giá tăng mạnh nhất và vượt luôn đỉnh lịch sử, thanh khoản cũng rất lớn. Nhà đầu tư T+3 có thể chốt lời dễ dàng với mức lợi nhuận gần 12%. Cổ phiếu này đạt đỉnh buổi sáng khoảng 9h50, tăng 6,54%. Toàn bộ thời gian còn lại VND đi ngang để hấp thụ áp lực bán ngắn hạn.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán blue-chips sáng nay gần như tăng giống hệt nhau về thời gian, dù cường độ có khác. VCI cũng đạt đỉnh tầm 9h50, tăng tối đa 4,11% và hiện còn tăng 1,9%; SSI đạt đỉnh lúc 9h48, tăng 2,48%, hiện còn tăng 1,61%; HCM đạt đỉnh lúc 9h50, tăng 2,49%, chốt phiên sáng còn tăng 1,97%...

Trên cả 3 sàn hiện có 11 cổ phiếu nhóm chứng khoán tăng giá trên 3%, 10 cổ phiếu tăng trên 2%. Đây là mức tăng rất đồng đều mà khó có nhóm cổ phiếu nào so sánh được. Tuy nhiên tính về biên độ vượt đỉnh của chính mình thì duy nhất VND, BSI đã vượt thành công, AGR, FTS ngấp nghé đỉnh, còn lại tăng trong xu hướng phục hồi.

Dòng tiền có dấu hiệu chảy vào nhóm này khá rõ khi nhiều mã có mức gia tăng thanh khoản tốt. Ngoài VND dẫn đầu thị trường, VCI, SSI, APS lọt Top 10 giá trị khớp lệnh hai sàn trong phiên sáng.

Nhóm blue-chips trụ chỉ số nửa đầu phiên sáng nay phân hóa nhẹ, dẫn tới một nhịp điều chỉnh ngắn. VN-Index tụt xuống dưới tham chiếu trong khoảng 10 phút nhưng VN30-Index có tới hơn 30 phút khá chật vật. Dù vậy mức giảm sâu nhất trên VN-Index cũng chỉ là 0,18% và ở VN30-Index là 0,22%.

Những trụ lớn khá yếu giải đoạn này là VIC, giảm tối đa 1,47% trong khoảng 20 phút đầu tiên nhưng cuối phiên đã về được tham chiếu. VHM chạm đáy lúc 10h5, trùng với đáy của VN-Index, giảm sâu nhất 0,62%. GAS cũng chạm đáy cùng chỉ số, giảm 1,64%, MSN cũng tương tự, giảm khoản 1,91%...

Một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng giá rất tốt sáng nay.

Nhìn chung nhịp nhún xuống của nhiều cổ phiếu là bình thường sau khi thị trường tăng rất mạnh và áp lực bán ngắn hạn xuất hiện. Điều quan trọng là các cổ phiếu sau đó đều phục hồi nhờ lực mua tốt hơn. Do đó nhịp giảm chỉ mang tính chất rung lắc thông thường và qua rất nhanh.

Tuy vậy thanh khoản không thực sự mạnh ở rổ VN30, giao dịch sáng nay chỉ tương đương sáng hôm qua. Giá phục hồi trên cơ sở bán chỉ xuất hiện trong thời gian giới hạn và khối lượng không nhiều. Dòng tiền vẫn ưu tiên vào các cổ phiếu ngoài blue-chips với cơ hội tăng giá biên độ rộng hơn. Sàn HoSE hiện có 130 mã tăng trên 1% nhưng VN30 chỉ đóng góp 9 mã.

Nhóm trụ trong rổ Vn30 cũng không thật sự xuất sắc. VCB tăng 0,83%, GAS tăng 1,23%, GVR tăng 1,63% nhưng cũng đã là trụ mạnh nhất. Còn lại như POW tăng 3,23%, TPB tăng 2,42%, KDH tăng 2,5% chỉ thuộc nhóm vốn hóa nhỏ của rổ này. VN30-Index chỉ tăng, còn yếu hơn mức tăng 0,64% của VN-Index, dù rổ này vẫn có 21 mã tăng/7 mã giảm.

Ngược lại Vnsmallcap hiện đang tăng 1,02% với 11 cổ phiếu kịch trần trong 15 mã trên toàn sàn HoSE. NHN, SGR, DRH, PHC đang là các mã thanh khoản tốt nhất và giá kịch trần.

Khối ngoại sáng nay giao dịch chậm, mới giải ngân 659 tỷ đồng trên HoSE và mức mua ròng chỉ hơn 15 tỷ đồng. NLG bị xả nhiều nhất trên 73 tỷ. PAN, KBC, VNM, VRE bị bán ròng quanh 20 tỷ đồng. Phía mua có DXG hơn 34 tỷ, còn lại MBB, GAS, VCB xấp xỉ 20 tỷ đồng.