Khoản nợ giá trị hơn 16.000 tỷ đồng
Tài sản đảm bảo của khoản nợ bán đấu giá là quyền tài sản phát sinh từ toàn bộ lợi ích thu được từ quyền sử dụng đất đã đền bù thuộc dự án Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Giá khởi điểm của khoản nợ đấu giá là 8.640 tỷ đồng, tương đương với 53% tổng dư nợ.
Theo đó, tài sản bán đấu giá là toàn bộ 18 khoản nợ được bán không tách rời được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án KCN Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM theo nguyên trạng khoản nợ, bao gồm chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ của chủ nợ liên quan đến các khoản nợ và toàn bộ quyền, nghĩa vụ của bên nhận đảm bảo đối với các tài sản đảm bảo khoản nợ này.
Tài sản đảm bảo của khoản nợ bán đấu giá là quyền tài sản phát sinh từ toàn bộ lợi ích thu được từ quyền sử dụng đất đã đền bù thuộc dự án KCN Phong Phú.
Tính đến 31/12/2021, tổng giá trị các khoản nợ bán đấu giá là 16.196 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 5.134 tỷ đồng và hơn 11.061 tỷ đồng nợ lãi.
Khoản nợ trên đã từng được Sacombank rao bán nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm khách mua. So với lần rao bán đầu tháng 8, 18 khoản nợ giảm gần 1.000 tỷ đồng.
Khoản nợ phát sinh đã được Sacombank bán lại cho VAMC, sau đó VAMC ủy quyền bán các khoản nợ này. Sacombank dự kiến bán đấu giá khoản nợ trên vào ngày 29/9/2022 tại quận 3, TP.HCM, người tham gia đấu giá đặt cọc trước 10%.
KCN Phong Phú có diện tích 134 ha nằm trên mặt đường Nguyễn Văn Linh, Bình Chánh, TP.HCM và cách Quốc lộ 1A chỉ 3,7 km, có thời hạn sử dụng 50 năm.
Cuối tháng 8/2019, UBND TP.HCM đã có văn bản đề cập Chánh thanh tra chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu tạm dừng việc bán đấu giá quyền tài sản phát sinh từ việc đền bù tại KCN Phong Phú.
Danh sách 18 khoản nợ được đảm bảo bằng tài sản tại dự án KCN Phong Phú:
Kỳ vọng hoàn tất thu hồi nợ cuối năm nay
Lũy kế 5 năm qua (2017 - 2021), Sacombank đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 58.300 tỷ đồng là các khoản thuộc đề án, đạt gần 68% kế hoạch tổng thể.
Nhờ đó, quy mô lãi khoanh giảm 73,7%, tỷ trọng tài sản tồn đọng giảm từ 29,3% xuống còn 8%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 6,81% xuống 1,47% so với thời điểm cuối năm 2016.
Nhà băng này cũng đã trích 8.260 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro và xử lý tài sản tồn đọng thuộc đề án đến cuối năm 2021, nâng mức lũy kế lên 20.287 tỷ đồng, đạt 87,5% kế hoạch tổng thể của đề án.
Trong 6 tháng đầu năm nay, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được Sacombank đẩy mạnh, với hơn 12.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng được xử lý. Đặc biệt, Sacombank đã hoàn thành chỉ tiêu xử lý 21.576 tỷ đồng lãi dự thu còn tồn đọng thuộc Đề án tái cơ cấu.
Theo lãnh đạo Sacombank, hiện Ngân hàng chỉ còn một phần nhỏ nữa là hoàn thành tái cơ cấu.