Mới hoàn thành 26,7% kế hoạch năm sau 6 tháng
Theo Báo cáo tài chính công bố mới đây, CTCP SAM Holdings (HOSE - Mã: SAM) tiếp tục thoát lỗ trong quý II/2022 nhờ vào hoạt động tài chính. Cụ thể, trong quý II/2022, SAM Holdings ghi nhận doanh thu đạt 548,52 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 29,09 tỷ đồng, tăng 721,8% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 5,3% lên 7,9%.
SAM Holdings tiếp tục âm nặng dòng tiền kinh doanh |
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 77,7% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 18,85 tỷ đồng lên 43,12 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 151,5%, tương ứng tăng thêm 90,44 tỷ đồng lên 150,14 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 529,2%, tương ứng tăng thêm 85,95 tỷ đồng lên 102,19 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết ghi nhận âm 7,76 tỷ đồng, tăng 14,23 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 21,99 tỷ đồng); chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 9,2%, tương ứng tăng thêm 3,11 tỷ đồng lên 37,07 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý II, SAM Holdings ghi nhận âm 96,14 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 25,93 tỷ đồng. Như vậy, hoạt động kinh doanh cốt lõi âm, Công ty chỉ có lãi nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến.
Nguồn: BCTC SAM Holdings |
Công ty thuyết minh doanh thu tài chính tăng chủ yếu do hoạt động tài chính khác ghi nhận 132,1 tỷ đồng, cùng kỳ 13,3 tỷ đồng (tăng 118.8 tỷ đồng) và chi phí tài chính tăng do trích lập đầu tư chứng khoán 72,9 tỷ đồng so với cùng kỳ hoàn nhập dự phòng 12,8 tỷ đồng.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, SAM Holdings ghi nhận doanh thu đạt 1.027,9 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 35,02 tỷ đồng, tăng 168,8% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, SAM đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.855,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 210,7 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2022, Công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 56,21 tỷ đồng và mới hoàn thành 26,7% kế hoạch năm.
Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính âm 222,1 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 497,2 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 534,3 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 712,4 tỷ đồng.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của SAM Holdings tăng 19,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.479,1 tỷ đồng lên 9.023,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu dài hạn đạt 3.752,2 tỷ đồng, chiếm 41,6% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 1.703,7 tỷ đồng, chiếm 18,9% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 1.417,9 tỷ đồng, chiếm 15,7% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn bất ngờ tăng 101% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.885,5 tỷ đồng lên 3.752,2 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu tăng thêm do trả trước người bán như quỹ đầu tư cơ hội PVI trị giá 411,7 tỷ đồng; quỹ đầu tư hạ tầng PVI trị giá 27 tỷ đồng …
Điểm đáng lưu ý, tính tới cuối quý II, Công ty ghi nhận danh mục đầu tư chứng khoán là 316,2 tỷ đồng và trích lập dự phòng hơn 82 tỷ đồng, bằng gần 26% tổng danh mục đầu tư. Trong đó, Công ty không ghi nhận trích lập cụ thể mã cổ phiếu nào.
Nguồn: BCTC SAM Holdings |
Tính tới 30/6/2022, SAM Holdings đang đầu tư chủ yếu 89,35 tỷ đồng cổ phiếu HPG; 56,42 tỷ đồng cổ phiếu DNP; 41,1 tỷ đồng cổ phiếu SSI; 39,1 tỷ đồng cổ phiếu SJS; 24,7 tỷ đồng cổ phiếu TCB …
Vẫn mạnh tay bảo lãnh cho công ty con
Công ty cổ phần SAM Holdings (mã cổ phiếu SAM, sàn HOSE) vừa đưa ra phương án bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ tài chính cho công ty con Công ty cổ phần Dây và Cáp điện Sacom tại một ngân hàng.
Nội dung bảo lãnh của SAM Holdings cho công ty con bao gồm toàn bộ số tiền gốc, các khoản lãi, phạt và các khoản phải trả khác (không giới hạn số tiền) theo các hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh và các phụ lục/hợp đồng sửa đổi, bổ sung kèm theo (nếu có).
Việc bảo lãnh cũng bao gồm các văn bản liên quan đến việc cấp tín dụng mà Công ty cổ phần Dây và Cáp điện Sacom ký kết với ngân hàng này trong năm 2022.
Tài sản dùng để đảm bảo gồm tiền ký quỹ, tiền gửi của công ty tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào và các tài sản khác của công ty thuộc thẩm quyền quyết định của hội đồng quản trị (HĐQT).
HĐQT SAM Holdings giao người đại diện pháp luật của công ty được chủ động lựa chọn và toàn quyền quyết định dùng các tài sản thuộc sở hữu của công ty để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ mới với ngân hàng.
Cổ phiếu trên thị trường "khó mua" đến lạ
Tổ chức liên quan lãnh đạo báo cáo kết quả giao dịch tại CTCP SAM Holdings.Theo đó, CTCP Bảo hiểm Hùng Vương, tổ chức liên quan ông Nguyễn Minh Tùng, thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc SAM Holdings vừa mua 2.661.000 cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0,47% lên 1,2% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 15/6 đến 14/7.
Được biết, CTCP Bảo hiểm Hùng Vương đã đăng ký mua 5.525.478 cổ phiếu SAM. Như vậy, tổ chức này chỉ mua được 48,2% tổng lượng đăng ký. Lý do được đưa ra cho việc không mua hết lượng đăng ký do điều kiện thị trường chưa thuận lợi.
Bối cảnh từ đầu năm tới nay, cổ phiếu SAM liên tục bị bán mạnh. Cụ thể, từ 7/1 - 25/4, cổ phiếu SAM giảm 59,7% từ 27.780 đồng về 11.200 đồng/cổ phiếu và hiện tại đang giao dịch vùng 11.700 đồng/cổ phiếu. Như vậy, mặc dù cổ phiếu SAM đã giảm 59,7% so với đỉnh nhưng tổ chức liên quan lãnh đạo vẫn không mua hết lượng đăng ký với lý do điều kiện thị trường chưa thuận lợi.
Trước đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc gia, tổ chức liên quan ông Hoàng Lê Sơn, Chủ tịch HĐQT SAM Holdings vừa mua 2.590.600 cổ phiếu để nâng sở hữu từ 1,01% lên 1,72% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 16/6 đến 15/7.
Được biết, Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc gia đã đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu SAM. Như vậy, kết thúc thời gian đăng ký, Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc gia chỉ mua được 51,8% tổng lượng cổ phiếu đăng ký với lý do giá cổ phiếu chưa phù hợp.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/7, cổ phiếu SAM giảm 2,08% xuống mức 11.750đ/cp. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiền gần nhất đạt hơn 1,4 triệu đơn vị.
Diễn biến giá cổ phiếu SAM thời gian gần đây (Nguồn: TradingView) |
Tiền thân là Nhà máy Vật liệu Bưu điện II được thành lập năm 1986. Từ lĩnh vực hoạt động ban đầu là sản xuất và phân phối các loại cáp cho ngành bưu chính viễn thông, đến nay, SAM Holdings đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác hướng đến mục tiêu trở thành Tập đoàn Đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Các lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp bao gồm Sản xuất kinh doanh các loại cáp, vật liệu viễn thông và các loại cáp, vật liệu dân dụng; Xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, sản phẩm cáp chuyên ngành viễn thông và vật liệu điện dân dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị; Sản xuất và kinh soanh sản phẩm dây đồng, sản phẩm ống nhựa các loại; Cho thuê văn phòng (ngoại tỉnh), đầu tư phát triển và kinh doanh nhà, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, kinh doanh bất động sản; Sản xuất, mua bán bo bin gỗ (trục gỗ dùng quấn dây cáp) |
Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.