Sắp thử nghiệm cho vay ngang hàng, sẽ dẹp cho vay lãi suất 'cắt cổ'?

Trong hoạt động cho vay ngang hàng ở Việt Nam gần đây nổi lên việc quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao để lừa đảo; lừa dối người vay ưu đãi nhưng áp dụng mức lãi suất thực tế cao cắt cổ… cần có khung pháp lý để kiểm soát.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Trong tờ trình của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cho biết một vài năm gần đây chứng kiến xu hướng phát triển số lượng lớn các công ty Fintech tham gia vào nhiều mảng hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Số lượng các công ty có hoạt động hoặc tham gia cung ứng dịch vụ, giải pháp Fintech tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 200 công ty ở thời điểm hiện tại với nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động như: thanh toán, cho vay ngang hàng (P2P Lending), chấm điểm tín dụng, quản lý tài chính cá nhân... Đáng lưu ý, chỉ riêng trong lĩnh vực cho vay ngang hàng là khoảng 100 công ty với nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Có cơ chế thử nghiệm cho vay ngang hàng được kỳ vọng sẽ dẹp tình trạng bát nháo của các ứng dụng (app) cho vay trực tuyến, cho vay online lãi suất cao. Ảnh: Bình An

Theo Ngân hàng Nhà nước, nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động của các công ty Fintech hầu hết chưa có khung pháp lý toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh, do đó, tiềm ẩn rủi ro, hệ lụy tiêu cực trên một số phương diện như cạnh tranh công bằng, ổn định tài chính, an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

"Chỉ tính riêng trong hoạt động cho vay ngang hàng nổi lên tại Việt Nam gần đây, một số công ty lấy danh nghĩa mô hình P2P Lending lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân để lừa bịp, gian dối, quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền vốn của người dân bỏ tiền đầu tư mô hình cho vay này. Lừa dối người vay về lãi suất "thấp", điều kiện vay ưu đãi trong khi tính và áp dụng mức lãi suất thực tế cao "cắt cổ", tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân" – Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước nhận định việc thiết lập Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động công nghệ tài chính (gọi tắt là Cơ chế thử nghiệm) là một trong những công cụ và cách tiếp cận chính sách ưa thích nhất được rất nhiều nước áp dụng để tăng cường cạnh tranh, tính hiệu quả. Theo đó, thông qua việc cho phép thử nghiệm các giải pháp bằng những giao dịch thật trong một môi trường có kiểm soát, giới hạn về phạm vi, quy mô, thời gian thử nghiệm.

Theo dự thảo nghị định, trong cơ chế thử nghiệm sắp tới, các công ty cho vay ngang hàng không được thực hiện các hành vi gồm cung cấp biện pháp bảo đảm tiền vay; cung cấp dịch vụ môi giới thông tin cho việc vay tiền phục vụ hoạt động đầu tư cổ phiếu và các hoạt động mang tính rủi ro cao khác. Không được sử dụng trái phép nguồn tiền từ khách hàng.

Các nhân sự sáng lập, quản lý điều hành tham gia vay, cho vay và là bên bảo đảm hoặc bảo lãnh qua giải pháp Fintech do mình vận hành, không được lợi dụng ưu thế quản lý, điều hành thực hiện hành vi lừa đảo, gian lận, chiếm đoạt tài sản của khách hàng…

Dự thảo nghị định cũng nêu rõ các công ty cho vay ngang hàng tham gia thử nghiệp phải có cơ chế bảo vệ khách hàng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong quá trình này. Phải ban hành và cung cấp cho khách hàng hướng dẫn khuyến cáo rủi ro khi tham gia sử dụng giải pháp trong thời gian thử nghiệm. Thành lập bộ phận xử lý khiếu nại của khách hàng…

Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa 2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm.