Sasco 'sa lầy' vào dự án ở Bình Phước như thế nào?

Cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước buông lỏng quản lý, giao cho Công ty cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) hàng trăm héc-ta đất rừng để thực hiện dự án nhưng không sử dụng đúng mục đích.

Dự án trồng cây trên đất rừng của Sasco.

Theo điều tra của Phóng viên Ngày Nay, năm 2006, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước có công văn số 292/SNN-CCLN ngày 30/5/2006 và được UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận cho Công ty cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (viết tắt: Công ty Sasco) thưc hiện dự án bảo vệ rừng và chăn thả gia súc với diện tích thiết kế 545 héc-ta tại Tiểu khu 363. Trong đó, đất có rừng 481,5 héc-ta và đất không có rừng 63,5 héc-ta.

Hàng trăm héc-ta rừng chuyển đổi sang trồng cao su

Trên cơ sở quyết định số 242/QĐ-SNN ngày 03/11/2006 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, Ban Quản lý Rừng kinh tế Suối Nhung (Ban QLRKT Suối Nhung) ký hợp đồng giao khoán số 01/HĐGK-BQL ngày 01/12/2006 với Công ty Sasco với nội dung: “Diện tích 545 héc-ta, trong đó: Quản lý bảo vệ rừng: 456 héc-ta; trồng cỏ: 68 héc-ta; trồng cây công nghiệp: 18 héc-ta; Đường, sông, suối, đập nước: 03 héc-ta. Thời gian khoán 50 năm”.

Để phục vụ cho mục đích quốc phòng an ninh, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Công văn số 3726/UBND-SX ngày 05/12/2008 về chủ trương thu hồi 200 héc-ta nằm trong diện tích giao khoán của Công ty Sasco để giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Như vậy, diện tích Công ty Sasco được UBND tỉnh Bình Phước giao khoán để thực hiện dự án chỉ còn 347 héc-ta.

Sau khi được giao khoán, Công ty Sasco đã làm thủ tục chuyển đổi mục đích quản lý bảo vệ rừng sang trồng cây cao su với diện tích 347 héc-ta và được UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận.

Cụ thể, UBND tỉnh Bình Phước đã cho phép chuyển đổi 105 héc-ta để trồng cao su, đồng thời cho chuyển sang hình thức liên doanh để trồng cây cao su. Nguồn vốn đầu tư do Công ty Sasco đầu tư 100%. Tỷ lệ ăn chia sản phẩm: Công ty Sasco được hưởng 90% và Ban QLRKT Suối Nhung hưởng 10%. Năm 2009, UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục cho phép Công ty Sasco chuyển sang trồng cây cao su 81 héc-ta, xây dựng trang trại 5 héc-ta.

Với phần diện tích rừng còn lại, UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục cho phép Công ty Sasco chuyển đổi từ rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cây cao su với diện tích thực hiện 161 héc-ta. Nguồn vốn đầu tư do Công ty Sasco đầu tư 100%. Tỷ lệ ăn chia: Công ty Sasco được hưởng 90% và Ban QLRKT Suối Nhung được hưởng 10%.

Vì sao UBND tỉnh Bình Phước “bất nhất” trong các văn bản?

Sau khi được UBND tỉnh Bình Phước giao đất, Công ty Sasco đã ký kết 2 hợp đồng kinh tế liên doanh trồng cây công nghiệp với cá nhân ông Trần Tấn Minh – Giám đốc Ban QLRKT Suối Nhung. Tỷ lệ ăn chia sản phẩm khi hết thời kỳ kiến thiết cơ bản trên diện tích 105 héc-ta là 40/60; trên diện tích 143 héc-ta là 48/51,9.

Ngày 04/3/2013, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành quyết định số 325/QĐ-UBND thu hồi toàn bộ diện tích dự án của Công ty Sasco giao cho Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước quản lý, chăm sóc. Thế nhưng, ngày 11/10/2013, UBND tỉnh Bình Phước lại ban hành Công văn số 3228/UBND-KTN chấp thuận cho Công ty Sasco tiếp tục thực hiện dự án.

Một góc dự án Sasco được phê duyệt trồng cây cao su tại Bình Phước.

UBND tỉnh Bình Phước đã đặt điều kiện Công ty Sasco là phải ủng hộ 30% diện tích cao su thực trồng ở vị trí thuận lợi và sinh trưởng tốt nhất cho quỹ an sinh xã hội và phải khắc phục hết những tồn tại trước đây theo đúng mục đích ban đầu của dự án. Ngoài ra, Công ty Sasco phải ủng hộ hỗ trợ kinh phí cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước 500 triệu đồng để trang bị thiết bị y tế nhằm nâng cao công tác khám chữa bệnh cho người dân.

Điều khó hiểu, Công ty Sasco đã tự ý ký kết hợp đồng với ông Trần Tấn Minh và thỏa thuận ăn chia một phần diện tích cao su đã trồng trong suốt thời gian dài. Ông Minh là Giám đốc Ban QLRKT Suối Nhung với vai trò “chủ rừng” nhưng lại ký kết hợp đồng cá nhân với Công ty Sasco và giao đất lại cho các cá nhân khác thực hiện dự án.

Lẽ nào, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước lại không biết việc làm “khó hiểu” trên giữa Công ty Sasco và ông Trần Tấn Minh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ông Minh đã qua đời và hậu quả vẫn còn đó. Công ty Sasco đang có dấu hiệu “sa lầy” vào dự án đầu tư tại Bình Phước nhưng chưa có lối thoát.

(Còn tiếp)