Ảnh minh họa
Tuy nhiên, những điểm sáng về kinh tế vĩ mô trong nước, nhiều ngành tăng trưởng tốt và chính sách tài chính, tiền tệ đang hỗ trợ DN là những điểm sáng khiến nhiều dự báo thị trường chứng khoán cuối năm sẽ giao dịch sôi động hơn.
Theo số liệu công bố lạm phát tại một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Canada đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, tại khu vực châu Âu, tình hình lạm phát vẫn đang khá căng thẳng, lạm phát trong tháng 8 tiếp tục tăng lên 9,1%, đây là tháng thứ 9 liên tiếp chỉ số CPI đạt kỷ lục ở khu vực châu Âu.
Để đối phó với lạm phát, hầu hết các Ngân hàng T.Ư trên thế giới đều dùng công cụ chính sách tiền tệ là tăng lãi suất. Hai tháng gần đây, một làn sóng tăng lãi suất ở khắp các nước trên thế giới, từ các nước thuộc OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) đến các nước lớn như Mỹ.
Fed đã tăng lãi suất vượt dự kiến ban đầu, lên đến 2,5% và nhiều khả năng, mức lãi suất này sẽ tiếp tục tăng vào khoảng 3,1 - 3,6% đến cuối năm. Các ngân hàng đều nới thêm phần dư địa để có thể tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới để kiểm soát lạm phát, dẫn đến vấn đề rủi ro về câu chuyện giá cả leo thang, sức mua của người tiêu dùng giảm.
Việc các nền kinh tế lớn có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ đã làm gia tăng rủi ro suy thoái trên toàn cầu. Mặt khác, rủi ro tỷ giá USD cũng không có lợi cho các thị trường mới nổi và Việt Nam đang nhận thấy áp lực khi hoạt động xuất nhập khẩu chậm lại, lãi suất trong nước bắt đầu tăng.
Đó là những sức ép lớn sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam đến cuối năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các vấn đề này chủ yếu đến từ yếu tố bên ngoài và không mang tính hệ thống. Nền tảng vĩ mô trong nước tiếp tục xuất hiện những gam màu tươi sáng. Đó là cơ sở để nhận định về việc các giao dịch chứng khoán cuối năm sẽ sôi động hơn.
Theo đó, dữ liệu kinh tế tháng 8 tích cực hơn kỳ vọng giúp mục tiêu tăng trưởng 7,0% GDP năm 2022 (tương đương với mức tăng 7,5% trong nửa cuối năm 2022) có thể dễ dàng đạt được. Mục tiêu lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Hoạt động sản xuất sẽ tiếp tục được hỗ trợ từ nhóm ngành xuất khẩu truyền thống trong khi tiêu dùng nội địa duy trì đà tích cực.
Việc tăng hạn mức tín dụng và thông tư mới về trái phiếu DN cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực thị trường. Tâm lý nhà đầu tư cá nhân bắt đầu cải thiện và số dư vay ký quỹ của nhà đầu tư tăng lên khi thị trường Việt Nam hòa nhịp phục hồi cùng thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của một số ngân hàng trong quý III/2022, đặc biệt từ mức nền lợi nhuận thấp của quý III/2021 khi làn sóng Covid-19 lần thứ 3 bùng phát cũng là một điểm sáng của thị trường từ nay đến cuối năm. Ngoài ra, sau khi rút ngắn chu kỳ thanh toán T+2 thì giao dịch trên thị trường cũng đã khởi sắc.
Từ những đánh giá về rủi ro và triển vọng thị trường, lời khuyên của các chuyên gia cho nhà đầu tư là tập trung quan sát những mã cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng quý III và những tháng cuối năm. Trường hợp thị trường chuyển biến tiêu cực hơn dự đoán, mức dừng lỗ nên được cân nhắc khi giá cổ phiếu giảm 5% từ mức giá mua.