Sau kiểm toán, lợi nhuận 1 doanh nghiệp y tế 'bốc hơi' gần 300%

Trong mùa báo tài chính bán niên 2022, việc lợi nhuận doanh nghiệp sau soát xét giảm tới gần 300% được cho là mức chênh lệch lớn nhất có thể ghi nhận. Sau kiểm toán, lợi nhuận của Tổng CTCP Y tế Danameco (DNM) giảm tới 38,7 tỷ đồng (295%), xuống âm 25,5 tỷ đồng.

Kiểm toán ACC đưa ra 6 ý kiến ngoại trừ về các số liệu doanh thu, chi phí, tồn kho và công nợ... của Danameco.

Trong đó, kiểm toán từ chối kết luận về khoản thu nhập khác gần 2,5 tỷ đồng và khoản doanh thu bán hàng trị giá hơn 2,1 tỷ đồng của Dameco trong 6 tháng đầu năm.

Kiểm toán từ chối xác định tính hiện hữu của tài sản là máy móc, thiết bị (nguyên giá 37 tỷ đồng) đang được công ty dùng cho hoạt động liên kết với Bệnh viện TW Thái Nguyên. Kiểm toán viên không được cung cấp các biên bản bàn giao tài sản liên kết, các tài liệu kế toán có liên quan đến phân chia kết quả hằng năm, các hồ sơ khác có liên quan.

Theo Kiểm toán ACC, căn cứ vào báo cáo tài chính của các năm 2020 và năm 2021, toàn bộ chi phí khấu hao của các tài sản trên là 13 tỷ đồng, đã được phản ánh vào kết quả kinh doanh các năm tương ứng của công ty mà không phân bổ cho bên liên kết. Riêng chi phí khấu hao 6 tháng đầu năm 2022 của các tài sản này thì công ty chưa thực hiện trích (ước tính 2 tỷ đồng). Công ty cũng chưa ghi nhận kết quả (lãi hoặc lỗ) từ hoạt động liên kết trên từ năm 2020 đến nay.

Kiểm toán còn chỉ ra, công ty chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức vào ngày 28/6/2022 với số tiền hơn 8,7 tỷ đồng, vượt quá nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 6,1 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty tại ngày 30/6/2022 là hơn 2,5 tỷ đồng.

Tháng 6/2022, công ty đã tạm nhập hàng hóa và ghi nhận nợ phải trả nhà cung cấp với cùng số tiền hơn 28,4 tỷ đồng, các hóa đơn mua hàng tương ứng được phát hành vào tháng 8/2022. Công ty đã ghi nhận bút toán xuất kho toàn bộ lượng hàng này và ghi nhận vào giá vốn trong tháng 6/2022, nhưng kiểm toán viên chưa được cung cấp các phiếu xuất kho liên quan đến lượng hàng tồn kho này.

Mặt khác, các hồ sơ bán hàng của công ty đều thể hiện thời điểm phát sinh doanh thu là tháng 1/2022. Do sự không hợp lý về thời điểm ghi nhận doanh thu và giá vốn tại hồ sơ kế toán, kiểm toán không thể đưa ra kết luận về giao dịch mua, bán lô hàng này.

Trong văn bản giải trình, Danameco cho biết, do số liệu 6 tháng đầu năm 2022 trước kiểm toán chưa được chuẩn hóa và phần mềm còn đang bất cập nên đã có sự chênh lệch tại thời điểm lập báo cáo tài chính bán niên 2022.

Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội bổ sung cổ phiếu DNM vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ. Lý do, doanh nghiệp chậm công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên 2022 đã soát xét.

Cổ phiếu DNM từng tăng 751%/ năm, mạnh nhất HNX

Kết quả kinh doanh của Danameco từng gây chú ý trong giai đoạn 2020, khi COVID-19 bùng phát. Năm 2020, Danameco lập kỷ lục doanh thu với 704 tỷ đồng, gấp đôi năm trước Theo cùng đó, lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh từ chỉ gần 9 tỷ đồng trong năm 2019 lên gấp hơn 4 lần, đạt 37 tỷ đồng, mức lãi cao nhất kể từ khi công ty này bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán.

Với kết quả kinh doanh ấn tượng, là nhóm ngành hiếm hoi hưởng lợi từ đại dịch, cổ phiếu DNM từng có chuỗi phiên tăng trần kéo dài. Năm 2020, DNM là mã tăng mạnh nhất HNX, với mức tăng 751%.

Sang đến năm 2021, dịch bệnh dần được kiểm soát, doanh thu và lợi nhuận bắt đầu sụt giảm so với trước đó, lần lượt đạt 550 tỷ đồng và 30 tỷ đồng.

Đến nay, cổ phiếu DNM trượt dài, đang ở vùng giá thấp nhất trong 1 năm trở lại đây, khoảng 23.000 đồng/ cổ phiếu.