Sáu nhóm việc cần làm ở dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

Tổ công tác chính phủ sẽ chỉ đạo, điều phối chung các cơ quan liên quan của bốn địa phương thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; trong khi đó, TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An cũng vừa ký kết một bản quy chế phối hợp với nhau để khai đồng bộ dự án hạ tầng quan trọng này...

du-an-vanh-dai-3-1657247343.jpg Dự án đường Vành đai 3 nhằm mục tiêu kết nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và các địa phương khác trong vùng...

Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM (vào ngày 16/6/2022), bốn địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Dự án dự kiến sẽ được khởi công vào khoảng tháng 6/2023 và hoàn thành, đưa vào khai thác tháng 6/2026. Bốn năm từ nay đến thời điểm đưa vào sử dụng đường Vành đai 3 là khoảng thời gian không nhỏ để các địa phương dự án có thể hoàn thành các nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Mới đây, TP.HCM và ba tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An đã cùng ký kết quy chế phối hợp với nhau và sẽ thực hiện 6 nhóm công việc trọng tâm.

Nhóm việc thứ nhất, các địa phương sẽ cụ thể hóa, chi tiết hóa những nội dung Quốc hội cho phép làm đối với dự án thành quy trình, gắn liền với trách nhiệm, quyền hạn giữa các bộ, ngành và địa phương. 

Kế đó, lấy ý kiến các tỉnh/thành để hoàn thiện và chính thức trình Chính phủ. Công việc này dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2022. Bốn địa phương cần rà soát, quy hoạch các phân khu bảo đảm khung pháp lý để triển khai dự án.

Nhóm việc thứ hai, triển khai các thủ tục về nguồn vốn, bảo đảm tính kịp thời nguồn vốn (vồn trung ương và vốn địa phương) sẽ chuyển về cho bốn địa phương theo khối lượng công việc. TP.HCM và 3 tỉnh dự án cần chuẩn bị sẵn sàng về nguồn vốn, các chi phí để chi trả cho gói thầu tư vấn, giải phóng mặt bằng, dự trù các phương án và tiến độ.

Nhóm việc thứ ba, về công tác điều hành dự án. Dự án đường Vành đai 3 có 8 dự án thành phần, mỗi địa phương sẽ có hai dự án và một ban quản lý dự án để làm chủ đầu tư triển khai. Sẽ có một ban chỉ đạo để chỉ đạo chung cho toàn dự án. Một tổ giúp việc, hội đồng chuyên gia cố vấn cho ban quản lý để chỉ đạo, triển khai dự án một cách tốt nhất. 

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), ban chỉ đạo chung đó là Tổ công tác của Chính phủ (hay Tổ công tác chính phủ). Tổ công tác sẽ chỉ đạo, điều phối chung các đơn vị liên quan của các địa phương trong quá trình thực hiện, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án. 

du-an-vanh-dai-3-2-1657247381.jpg Dự án đường Vành đai 3 đi qua 4 địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.

Nhóm việc thứ tư, là lập một hội nghị về giải phóng mặt bằng và phối hợp 4 tỉnh/thành với nhau. Đây được nhận định là phần việc thách thức lớn nên theo người đứng đầu TCIP thì cần triển khai sớm một bước, hướng tới mục tiêu khởi công dự án vào năm 2023.

Nhóm việc thứ năm, tiếp tục triển khai thủ tục xây dựng cơ bản cho dự án đường Vành đai 3. Các công việc như chỉ định gói thầu tư vấn, lập dự án nghiên cứu khả thi, trình duyệt báo cáo của dự án phải được hoàn thiện trong năm 2022 này.

Việc thiết kế, thi công và thực hiện xây lắp triển khai dự án phải hoàn thành trước tháng 9/2023.

Nhóm việc thứ sáu, triển khai đề án khai thác quỹ đất hai bên đường Vành đai 3 (kế hoạch đấu giá quỹ đấy dọc tuyến). Việc này cần có một đề án cụ thể để rà soát và mời gọi đầu tư.

Ngoài ra, TP.HCM và 3 tỉnh tiếp tục rà soát các mỏ vật liệu để bảo đảm nguồn vật liệu san lấp phục vụ xây dựng dự án.

Hiện TP.HCM đang tiến hành rà soát quỹ đất dọc tuyến Vành đai 3. Theo đó, trong tổng số 2.414 ha đất dọc tuyến Vành đai 3, có 514 ha đất nông nghiệp do nhà nước quản lý. TP.HCM dự kiến nếu đấu giá quỹ đất này thành công sẽ thu về 26.985 tỷ đồng, để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng đường Vành đai 3...

Cùng với TP.HCM, tỉnh Đồng Nai cũng dự kiến khai thác đấu giá quỹ đất dọc tuyến với tổng diện tích khoảng 214 ha thu về khoảng 4.332 tỷ đồng. Với vốn hỗ trợ 50% từ trung ương, tức khoảng 2.000 tỷ đồng và địa phương cũng góp tương ứng 2.000 tỷ đồng, thì tỉnh Đồng Nai sẽ có dôi dư nguồn tiền để làm đường Vành đai 3.

Trước đó, ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, với 475/478 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,38%, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.

du-an-vanh-dai-3-3-1657247418.jpg Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, ngày 16/6/2022 đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM.

Chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 nhằm mục tiêu kết nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang đầu tư, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất nhằm xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về tiến độ thực hiện, nghị quyết của Quốc hội nói rõ, dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, với 475/478 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,38%, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.

Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.