Sẽ “trảm” chủ đầu tư và nhà thầu thi công các dự án chậm tiến độ

Trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện nay có hàng chục dự án (DA) đầu tư các công trình trọng điểm bị chậm tiến độ thi công dài ngày. Dù lãnh đạo TP đã kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công và đưa ra mốc hoàn thành, đưa DA và hoạt động nhưng xem ra rất khó khăn, ì ạch…

Trục đường Tây Bắc Đà Nẵng chậm tiến độ nhiều năm nay. Ảnh: N.P

Tại Hòa Vang - một huyện ngoại thành của Đà Nẵng, các DA triển khai chiếm khoảng 2/3 toàn DA trên địa bàn TP.

Theo số liệu mới nhất, hiện Hòa Vang có 74 DA do TP và huyện làm chủ đầu tư được triển khai, nhưng mới chỉ hoàn thành 33 DA; có tổng số hồ sơ bàn giao mặt bằng 2.408 hồ sơ, di dời 2.160 ngôi mộ, đã bố trí 480 tỷ đồng vốn và giải ngân 516 tỷ đồng.  

Nói về nguyên nhân chậm tiến độ các DA, lãnh đạo các địa phương và nhà thầu thi công đều vin vào công tác giải phóng mặt bằng chậm, gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc; nhất là việc xây dựng giá đất bồi thường cho người bị thu hồi đất thường thấp hơn giá thị trường, nhưng giá nộp tiền sử dụng đất khi bố trí tái định cư hiện nay có sự chênh lệch lớn so với giá bồi thường đất khi giải tỏa, bố trí tái định cư.

Nhiều DA kéo dài thời điểm triển khai vẫn áp đền bù giải phóng mặt bằng theo giá thời điểm cũ, gây bức xúc, khiếu kiện phức tạp… Vấn đề bố trí tái định cư nhiều DA vẫn chưa có đủ quỹ đất bố trí cho các hộ dân giải tỏa, hoặc khu tái định cư chậm triển khai và hoàn thành; dẫn đến người dân bàn giao mặt bằng cho DA nhưng chưa có đất tái định cư xây dựng nhà ở ổn định cuộc sống.  

 Giải phóng mặt bằng DA đường ĐH2 Hòa Nhơn - Hòa Sơn (Hòa Vang) còn ì ạch. Ảnh: N.P

Một thực tế hiện hữu là, một số nhà thầu thi công các gói thầu thể hiện năng lực yếu, không tập trung phương tiện, nhân lực thi công, có lúc, có nơi lực lượng thi công dàn trải dẫn đến công trình bị chậm tiến độ và kéo theo nhiều hệ luỵ trong đời sống, sinh hoạt của người dân vùng DA.

Cụ thể như: DA đường Vành đai phía Tây Đà Nẵng (đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh) thi công chậm tiến độ do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng cũng như năng lực nhà thầu hạn chế. Cơ quan chức năng đã yêu cầu nhà thầu có mặt bằng đến đâu thi công đến đó, cam kết DA phải thi công hoàn thành trước 30/9 năm nay và tuyến chính sẽ đưa vào vận hành trong năm 2022.

Tại DA đường ĐH2 dài hơn 10km, vốn đầu tư 202 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2018 theo kế hoạch hoàn thành vào tháng 6/2020; nhưng đến nay vẫn dang dở, chưa thể hoàn thành đúng tiến độ quy định.

 Nhiều công trình cầu xây xong nhưng chưa có đường dẫn lên cầu. Ảnh: N.P

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các DA trên địa bàn, UBND TP vừa ban hành kế hoạch ấn định thời gian hoàn thành các DA có tiến độ “rùa bò” thời gian qua.

Trong đó, DA “Tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan đoạn từ cầu Đỏ đến Quốc lộ 14B” dài hơn 7km, do Ban Quản lý (BQL) DA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư và dự kiến hoàn thành trong năm 2020, đến nay vẫn thi công dang dở vì vướng giải phóng mặt bằng. Do đó, UBND TP ấn định thời gian buộc phải hoàn thành vào cuối tháng 9/2022.

Tại DA “Tuyến đường trục 1 Tây Bắc” do BQL DA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư, có tổng vốn hơn 996 tỷ đồng khởi công từ tháng 3/2020 nhưng tới nay vẫn ì ạch. UBND TP ra “tối hậu thư”  tới cuối tháng 6/2023 phải hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng.

 DA đường ĐT601 đoạn qua xã Hoà Liên (Hoà Vang) chưa xong giải phóng mặt bằng. Ảnh: N.P

DA “Nâng cấp, cải tạo đường ĐT 601” có chiều dài hơn 35km, hiện vẫn còn khoảng 10km chưa có mặt bằng thi công. TP ấn định hạn chót đến 30/9/2022, buộc phải hoàn thành phục vụ lưu thông cho người dân.

Về DA “Tuyến đường vành đai phía Tây 2”, TP yêu cầu đến cuối tháng 12/2022, phải hoàn thành đoạn cuối tuyến đang thi công (dài hơn 4km, từ đường số 8 Khu Công nghiệp Hòa Khánh đến nút giao đường tránh Nam Hải Vân).

Theo lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, việc xử lý tình trạng chậm tiến độ kéo dài lần này thể hiện thái độ kiên quyết và cụ thể hơn; không chỉ xử lý phía đơn vị thi công mà còn cả trách nhiệm người đứng đầu các chủ đầu tư, đơn vị đại diện chủ đầu tư. Như vậy, mới hạn chế hàng ngàn tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản bị “ngâm” kéo dài…